Làm nông tử tế sẽ thu được nhiều mối lợi

03/05/2024 - 06:51

PNO - Tín chỉ các bon sẽ trở thành hàng hóa và một thị trường tín chỉ các bon đang được định hình từ những giao dịch mua bán “tiền tươi, thóc thật”.

Cách đây khoảng 10 năm, tỉnh An Giang và Kiên Giang thí điểm mô hình “Canh tác lúa giảm khí thải nhà kính” với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (thuộc Trường đại học Cần Thơ).

Kết quả dự án thí điểm cho thấy, giải pháp canh tác mới giúp giảm giá thành, giảm lượng giống, giảm số lần phun xịt thuốc, giảm 25 - 50% lượng nước, tăng lợi nhuận. Đặc biệt, lượng khí phát thải giảm 5-6 tấn/ha. Thế nhưng, sau khi kết thúc dự án, mọi việc trở lại như cũ, nghĩa là nông dân vẫn canh tác lúa theo thói quen, theo cách thức truyền thống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ cuối năm 2013, Quỹ Đối tác các bon (CPF) của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng với Thụy Điển, Na Uy và Tây Ban Nha cam kết sẽ mua 3 triệu tín chỉ các bon từ chương trình phát triển thủy điện nhỏ thuộc dự án Phát triển năng lượng tái tạo (REDP) của Việt Nam. Nhưng đến nay, chưa có tín chỉ các bon nào từ REDP được mua, bán.

Năm 2023, lần đầu tiên, Việt Nam thu được 1.200 tỉ đồng từ việc bán tín chỉ các bon rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận 41,2 triệu USD từ WB chi trả cho các chủ rừng, còn lại 10,3 triệu USD sẽ nhận thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2.

Theo Bộ NNPTNT, mỗi năm, ngành này có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ các bon, thu về hàng trăm triệu USD.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” đang được tiếp cận theo cách tạo ra không gian phát triển và tích hợp đa giá trị, ước tính hằng năm giảm khoảng 10 tấn các bon, thu về khoảng 100 triệu USD.

Việc sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính để có thể bán tín chỉ các bon cũng là cách tiếp cận kinh tế có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Tín chỉ các bon sẽ trở thành hàng hóa và một thị trường tín chỉ các bon đang được định hình từ những giao dịch mua bán “tiền tươi, thóc thật”.

Làm nông tử tế, canh tác nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường cần được đặt trong tổng thể chuyển đổi tư duy và phương thức kinh doanh nông nghiệp, xây dựng đạo đức kinh doanh.

Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long và làm nông tử tế đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm; chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy làm công cụ; xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi và hướng đến cộng đồng theo định hướng một chuỗi chất lượng mở.

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của tín chỉ các bon. Nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược. Tín chỉ các bon sẽ trở thành một loại hàng hóa. Khách hàng mua tín chỉ các bon không chỉ là các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế mà còn có nhiều doanh nghiệp trong nước thuộc các lĩnh vực công nghiệp như sản xuất thép, dệt may, giao thông vận tải.

Vì vậy, cần sớm xây dựng thị trường tín chỉ các bon và ban hành đầy đủ quy định pháp lý để vận hành thị trường này một cách phù hợp, hiệu quả, khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia. Chất lượng của tín chỉ các bon sẽ tăng lên nếu phát triển bền vững, cải thiện chất lượng môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chống suy giảm đa dạng sinh học…

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu