Cần mở nhiều điểm bán tiện lợi, giá rẻ cho công nhân

26/04/2024 - 07:32

PNO - Hình ảnh công nhân sau giờ làm mua vội vàng thực phẩm ven đường để về ăn hoặc chế biến bữa cơm tối đã trở nên quen thuộc trong mắt mọi người. Truyền thông đã lên tiếng khá nhiều về tình trạng mua, bán thiếu an toàn này bởi nó tiềm ẩn các nguy cơ đối với sức khỏe người lao động.

Bình thường, thực phẩm bán ven đường đã là mối lo ngại cho sức khỏe cộng đồng. Trong tiết trời nắng nóng như những ngày qua, mối lo ngại này còn nhiều hơn bởi nhiệt độ ngoài trời càng tăng thì thực phẩm càng dễ hư hỏng. Dù biết thế, nhưng thực phẩm được bán ven đường vẫn là chọn lựa của nhiều công nhân.

Người dùng thực phẩm không đảm bảo an toàn từ các chợ tự phát không chỉ có nguy cơ bị ngộ độc cấp tính trước mắt, mà còn có nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch… sau một thời gian dài sử dụng.
Người dùng thực phẩm không đảm bảo an toàn không chỉ có nguy cơ bị ngộ độc cấp tính trước mắt, mà còn có nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch… sau một thời gian dài sử dụng

Không thể phủ nhận sự tiện lợi của thực phẩm được bán ở những chợ tạm, chợ tự phát gần các nhà máy hay khu công nghiệp. Nhưng các loại thực phẩm này thường không có nguồn gốc rõ ràng, chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, nhất là bệnh đường ruột do người bán thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm và hình thức kinh doanh này không đáp ứng các tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm như thiếu nước rửa, xử lý rác kém, bày bán gần nơi ô nhiễm như cống rãnh hoặc bảo quản không đúng cách. Người dùng thực phẩm không đảm bảo an toàn từ các chợ tự phát không chỉ có nguy cơ bị ngộ độc cấp tính trước mắt, mà còn có nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch… sau một thời gian dài sử dụng.

Ngay từ năm 1983, một ủy ban hỗn hợp các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) đã ban hành quy định những đòi hỏi tối thiểu về kinh doanh thực phẩm đường phố. Ở nước ta, Bộ Y tế cũng ban hành các quy định về chợ an toàn thực phẩm, nhưng đây là các chợ được ban, ngành chức năng quản lý và kiểm soát, không phải là chợ tự phát, chợ chạy hay chợ cóc.

TPHCM là nơi có nhiều chợ tự phát mọc gần các nhà máy, công ty, khu công nghiệp. Ngoài việc không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, các chợ này còn gây mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông.
Các ban, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực nhằm xóa bỏ chợ tự phát, nhưng cho đến nay, mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết rốt ráo khi mà công nhân vẫn có nhu cầu mua thực phẩm giá rẻ, tiện lợi. Có cầu thì ắt có cung, xóa chỗ này thì chợ tự phát mọc chỗ khác, xóa lúc này thì lúc khác, chợ lại mọc lên.

Do đó, cần có mô hình đáp ứng được nhu cầu mua hàng giá rẻ, tiện lợi của công nhân mà vẫn đảm bảo tính an toàn. Có thể thử nghiệm các xe bán thực phẩm lưu động đặt cạnh nhà máy hay trong khu công nghiệp với hàng hóa do các hệ thống siêu thị cung cấp dưới dạng trợ giá và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công nhân là người trực tiếp sản xuất nên sức khỏe của họ phải được đảm bảo tốt nhất. Cần giúp họ dễ dàng mua được những thực phẩm tươi ngon, an toàn, giá cả hợp lý sau một ngày làm việc mệt nhọc, căng thẳng.
Để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm gia tăng trong mùa nắng nóng, các cơ quan quản lý phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Cần có những quy định chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra, quản lý quy trình chế biến bảo quản thực phẩm an toàn trường học, đường phố, khu vui chơi, lễ hội…

Song song với đó, tăng các biện pháp, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Có biện pháp nhắc nhở, cưỡng chế đối với những hộ bán hàng rong không có nguồn gốc xuất xứ thực phẩm rõ ràng. Kết hợp với nhà trường, khu dân cư, các công ty, xí nghiệp đẩy mạnh truyền thông cho học sinh và người dân để khuyến cáo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tâm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI