Tác giả Lê Duy Hạnh trong ký ức người ở lại

06/09/2023 - 19:58

PNO - Tác giả Lê Duy Hạnh qua đời để lại trong lòng đồng nghiệp hậu bối sự tiếc thương, cùng những ký ức đẹp về một con người tài năng.

 

Tác giả Lê Duy Hạnh mất lúc 12g35, ngày 6/9, vì mắc nhiều bệnh tuổi già
Tác giả Lê Duy Hạnh mất lúc 12g35, ngày 6/9, vì mắc nhiều bệnh tuổi già

NSND Bạch Tuyết xem tác giả Lê Duy Hạnh là ân nhân trong sự nghiệp

Bà nói từ khi mẹ mất năm 8 tuổi, bà đã hiểu quy luật sinh tồn trên đời. Nhưng ở tuổi này, khi nghe tin đồng nghiệp thân thiết ra đi, cũng không tránh khỏi cảm giác đau xót, hụt hẫng. “Có thể, nỗi buồn ở tuổi này lớn hơn chút nữa. Sự mất mát lần này to quá”, bà tâm sự.

NSND Bạch Tuyết có mối quan hệ thân thiết với tác giả Lê Duy Hạnh kéo dài mấy chục năm qua. Bà nói trong sự nghiệp may mắn được gặp được nhiều người giỏi, góp phần tạo ra chân dung của bà trên sân khấu. Trong đó, thời điểm trước năm 1975, bà rất kính trọng soạn giả Hoa Phượng, sau này là soạn giả Lê Duy Hạnh.

Cách đây hơn 30 năm, bà đi du học, cứ mỗi kỳ nghỉ đông sẽ về nước. Bà thường làm thân với các đạo diễn trẻ, trong đó có đạo diễn Nguyễn Hồng Phúc. Đạo diễn này nói có kịch bản hay, muốn đưa bà xem. Sau đó, bà đọc và thấy bất ngờ khi thấy tác giả là Lê Duy Hạnh, kịch bản Diễn kịch một mình. “Tôi chỉ biết thốt lên, sao bạn mình giỏi vậy. Kịch bản thuyết phục tôi ngay lập tức”, bà kể.

Đây là vở kịch diễn một mình đầu tiên của sân khấu Việt Nam. Bà từng khen rằng ông đã bước vào con đường của tác giả toàn cầu. Bởi trước đó, qua quá trình học tập, tìm hiểu, bà đã có cơ hội tiếp cận nhiều kịch bản của những tác giả lớn trên thế giới. “Ông ấy chỉ nói, bạn đừng "thương ai thương cả đường đi lối về" như thế”, NSND Bạch Tuyết kể lại.

NSND Bạch Tuyết trong vở Diễn kịch một mình
NSND Bạch Tuyết trong vở Diễn kịch một mình

Sau đó, bà xin phép dựng kịch bản này. Tác giả Lê Duy Hạnh hỏi bà không lo sợ hay sao. Còn đạo diễn Nguyễn Hồng Phúc cũng sợ bà sẽ mất danh tiếng nếu làm không hay. Chỉ có một lần cả ba - tác giả Lê Duy Hạnh, NSND Bạch Tuyết và đạo diễn Nguyễn Hồng Phúc - cùng ngồi bàn bạc, ; còn lại ông tôn trọng sự tự do trong cách làm của ê-kíp. Vở diễn thành công, là một trong những dấu ấn trong sự nghiệp của NSND Bạch Tuyết.

Bà nói tác giả Lê Duy Hạnh tài năng, bộc trực và thẳng thắn. Tuy nhiên, sự thẳng thắn này đôi khi khiến người đối diện thấy khó chịu, nếu không hiểu tính của ông. NSND Bạch Tuyết nói: “Riêng tôi nghĩ khi càng nổi tiếng thì nghệ sĩ càng cần được nghe sự thật. Sự thật thì thường mất lòng. Có những sự thật nghe xong choáng váng, nhưng nếu không nghe thì đi vào lối mòn, vì thấy chỉ mình giỏi. Tác giả Lê Duy Hạnh không chỉ là người bạn, tác giả, mà còn là ân nhân trong sự nghiệp của tôi”, bà chia sẻ.

Đặc biệt, theo bà nếu không có sự thẳng thắn, rõ ràng này thì khó trở thành một tác giả lớn. Trong những kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh, NSND Bạch Tuyết cảm nhận có đầy đủ những hương vị từ quê hương ông, đất võ Bình Định. Cụ thể, khi tấn thì rất vững, còn khi tiến sẽ có 3 bước lùi. Những kịch bản của ông đều có nội dung, ý nghĩa rõ ràng với con người, dân tộc, đất nước. Điều này cũng rất phù hợp với quan điểm làm nghề của bà.

NSƯT Hữu Danh nhớ bài học từ thầy

“Tôi phải gọi tác giả Lê Duy Hạnh là thầy” - NSƯT Hữu Danh, tác giả hát bội hiếm hoi của khu vực phía Nam, chia sẻ. NSƯT Hữu Danh có thời gian 10 năm (1990-2000) gắn bó với công tác Hội Sân khấu TPHCM và nhờ theo sát tác giả Lê Duy Hạnh - khi đó đang là Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM - đã giúp ông học hỏi nhiều điều cho nghiệp cầm bút sau này.

“Thầy hướng dẫn tôi từng bước, viết kịch bản phát triển từ “xương sườn” ra làm sao rồi xoay qua “xương sống” làm sao. Tôi nhớ có lần ra biển, thầy hỏi tôi: “Mày nhìn thấy gì"? Tôi nói: “Thấy sóng biển, thấy gió thổi cát bay”. Thầy cười nói: “Cái đó con nít cũng thấy thì mày viết làm gì”? Tôi nói: “Thấy hơi gió mặn bay vào môi” thì thầy quay qua nói: “Đó mới là tác giả”! Viết lại những cái ai cũng thấy thì bình thường thôi nhưng viết những điều mà bình thường người ta không thấy được thì mới là tác giả giỏi", ông Hữu Danh nói.

NSƯT Hữu Danh được tác giả Lê Duy Hạnh chỉ dẫn trong công việc sáng tác
NSƯT Hữu Danh được tác giả Lê Duy Hạnh chỉ dẫn trong công việc sáng tác

Cũng chính tác giả Lê Duy Hạnh đã động viên NSƯT Hữu Danh trở lại công tác ở Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, giúp sức cho việc đào tạo đội ngũ kế thừa tiếp theo cho hát bội phía Nam. Tại đây, không phụ sự kỳ vọng của thầy, NSƯT Hữu Danh đã trở thành “tác giả thường trực” của đơn vị với nhiều kịch bản được đánh giá cao, đạt nhiều giải thưởng sân khấu. Mới đây nhất, vở Chiếc áo thiên nga do NSƯT Hữu Danh chuyển thể hát bội từ kịch bản cùng tên của tác giả Lê Duy Hạnh đã lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2023.

Một cảnh trong vở diễn Chiếc áo thiên nga của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM
Một cảnh trong vở diễn Chiếc áo thiên nga của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM

NSƯT Lê Nguyên Đạt ấn tượng về một tác giả tiên phong

Đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, chia sẻ kỷ niệm 5 năm theo đuổi dự án cải lương thể nghiệm Nhật thực chuyển thể từ kịch bản Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh.

“Phải nói là rất khó khăn và áp lực. Tác giả Lê Duy Hạnh muốn rằng khi đã thích kịch bản thì phải hiểu được nó, trình bày được phiên bản mới mà người đạo diễn muốn dàn dựng. Sau nhiều năm thuyết phục, chứng minh được với chú về sự đầu tư cho kịch bản và ngôn ngữ đạo diễn thì chú mới đồng ý làm một phiên bản hoàn toàn mới. Kịch bản chuyển thể cải lương phải qua hơn 10 lần chỉnh sửa cùng nhiều bước chuẩn bị công phu mới lên sàn được trong năm 2018”, NSƯT Nguyên Đạt kể.

NSƯT - đạo diễn Lê Nguyên Đạt (trái) và một cảnh trong vở Nhật thực, chuyển thể từ kịch bản Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh
NSƯT - đạo diễn Lê Nguyên Đạt (trái) và một cảnh trong vở Nhật thực, chuyển thể từ kịch bản Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh

Theo NSƯT Nguyên Đạt, ngoài là một tác giả lớn với nhiều tác phẩm mang tính dự báo xã hội thì cái độc đáo nhất của Lê Duy Hạnh trong vai trò nhà viết kịch chính là một tác giả tiên phong của dòng kịch thể nghiệm trong nước với những tác phẩm như Diễn kịch một mình, Độc thoại đêm, Hồn thơ ngọc… Những tác phẩm này giúp sân khấu TPHCM gợi mở và tiếp cận sân khấu khu vực quốc tế mà đến nay vẫn còn giá trị rất lớn.

Lễ tang của tác giả Lê Duy Hạnh (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM) sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ TPHCM (số 949, quốc lộ I, phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM). Lễ viếng từ 9g ngày 7/9. Lễ truy điệu vào 5g ngày 9/9. Sau đó di quan và hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Trung Sơn - Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI