Sự thật chuyện phim 'Cô gái đến từ hôm qua' nhái phim nước ngoài

29/07/2017 - 07:00

PNO - Xem Cô gái đến từ hôm qua đến đoạn nhân vật Thư của Ngô Kiến Huy hát trong sân bóng, nhiều khán giả đã ồ lên: Giống hệt cảnh phim '10 things I hate about you'!

Tuy nhiên, đây không phải “nhại phim” (parody) mà là hình thức “tri ân” (tribute) khá phổ biến trong phim ảnh, âm nhạc. 

Ra đời năm 1999, bộ phim tâm lý, hài 10 things I hate about you (10 điều em ghét anh) rất thân thuộc với nhiều thế hệ học trò. Có những nhân vật và trường đoạn trong phim đã thành “kinh điển”, tiêu biểu là cảnh nhân vật Patrick Verona do tài tử quá cố Heath Ledger diễn, ngẫu hứng bày tỏ tình cảm với cô bạn học. 

Su that chuyen phim 'Co gái dén tù hom qua' nhai phim nuoc ngoai

Ngô Kiến Huy và Miu Lê trong phim Cô gái đến từ hôm qua

Giữa giờ thể dục, chàng trai bất ngờ tuột xuống từ ban công, cầm micro hát bài Can’t take my eyes off you. Cả sân trường đổ dồn ánh mắt về phía anh chàng đang vừa hát vừa nhảy, trong đó có cô gái anh đang muốn “tỏ tình”. Phụ họa cho anh là dàn kèn trumpet đông đảo, còn bước đều theo tiết tấu ca khúc. Màn tỏ tình trứ danh này chỉ kết thúc khi anh chàng làm náo loạn sân trường bị bảo vệ đuổi chạy tóe khói, khiến khán giả cười vang. 

20 năm sau, gần như toàn bộ cảnh phim dài hơn hai phút này được dựng lại trong bộ phim Cô gái đến từ hôm qua, do đạo diễn (ĐD) Phan Gia Nhật Linh chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh.

Cùng là diễn biến trên sân bóng vào giờ thể dục, trích đoạn trong phim Mỹ và phim Việt giống nhau đến từng chi tiết nhỏ như vũ đạo trên cầu thang, phản ứng của cô gái, chàng trai vừa chạy vừa trêu bảo vệ… Sau khi phim ra rạp, chính ĐD Nhật Linh đã nói đó là chủ ý của anh chứ không phải là đạo nhái.

Su that chuyen phim 'Co gái dén tù hom qua' nhai phim nuoc ngoai
 

Hơn thế, phần trình diễn bài Tình thôi xót xa phù hợp với tình huống nhân vật của Ngô Kiến Huy, vốn thường tưởng tượng và chỉ dám tự tin tán tỉnh “đối tượng”... trong mơ. Đây không phải là sự vay mượn, sao chép cần lên án, mà là một thủ pháp được sử dụng rộng rãi trong điện ảnh. 

Gần đây, bộ phim ca vũ La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ) cũng là hình thức “tribute”. Xem tác phẩm điện ảnh đình đám của năm 2016 này, khán giả tha hồ “ôn cố tri tân” với hàng loạt bộ phim đỉnh cao trong lịch sử điện ảnh như Singing in the rain, Casablanca, West side story

Nhiều trường đoạn trong phim, ví dụ cảnh hai nhân vật Mia và Sebastian nhảy và hát City of stars bên cột đèn trên đồi cao đã khiến nhiều khán giả ồ lên vì bất chợt “gặp người quen”. ĐD Damien Chazelle đã khéo léo và rất tinh tế trong việc gợi lại những thước phim đã thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ.

Su that chuyen phim 'Co gái dén tù hom qua' nhai phim nuoc ngoai
 

Nhìn lại xa hơn, có thể thấy hình thức “tribute” trong điện ảnh đã trở thành nét văn hóa được nhiều bộ phim khai thác thành công, như Pulp fiction (Chuyện tào lao, 1994) của ĐD Quentin Tarantino gợi nhớ Psycho (Tâm thần hoảng loạn, 1960), Sleepless in Seatle (Không ngủ ở Seatle, 1993) của Nora Ephron lấy cảm hứng từ An Affair to remember (Chuyện tình thế kỷ, 1957), hay 500 days of Summer (500 ngày yêu, 2009) của Marc Webb có hình bóng của The seventh seal (Phong ấn thứ bảy, 1957)… 

Trong âm nhạc, hình thức “tribute” phổ biến và rõ ràng hơn. Từ cách đây hơn một thập kỷ, khán giả Việt Nam đã chứng kiến những ban nhạc The Beatels hay FABBA được coi là “bản sao” của những tượng đài The Beatles, ABBA trình diễn tại Việt Nam. Các đêm nhạc “mô phỏng thần tượng” này đã được khán giả hưởng ứng nồng nhiệt.

Khác với điện ảnh, trong âm nhạc, mỗi huyền thoại có không chỉ một nhóm hay một ca sĩ “sao y bản chính” mà có đến hàng chục, hàng trăm phiên bản “tribute”. Cách những ban nhạc, ca sĩ theo đuổi con đường tôn vinh các tượng đài thường là tạo ngoại hình giống thần tượng và trình diễn những bài hát bất hủ của ban nhạc, nghệ sĩ gốc.

Su that chuyen phim 'Co gái dén tù hom qua' nhai phim nuoc ngoai
 

Với hình thức “tribute”, cả trong phim ảnh cũng như âm nhạc; “tri ân” thành công là khi gợi nhớ được nhiều nhất về bộ phim hoặc ban nhạc huyền thoại cho khán giả. Nếu cảm xúc của người tạo ra tác phẩm “tribute” hòa được cùng cảm xúc của công chúng thì ranh giới giữa sáng tạo và sao chép sẽ được xóa nhòa. 

 Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI