Sự “lạnh lùng” và “cẩn trọng” cần thiết

29/04/2020 - 06:56

PNO - Hai quốc gia - thành phố có nhiều sự khác biệt, nhưng nhìn từ cách ứng phó với dịch bệnh, trên một vài nguyên tắc xử lý, điều hành thì một khi lấy khoa học làm nền tảng, “sự lạnh lùng và cẩn trọng” bao giờ cũng cần thiết cho một hệ giải pháp bền vững sau đó.

Ngày 23/4, phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo: “Không ai thích nghe điều này, nhưng chúng ta không ở trong giai đoạn cuối mà đang ở giai đoạn đầu của đại dịch. Chúng ta không thể trở lại cuộc sống trước đại dịch. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta sẽ khác biệt”. 

Ngày 24/3, tức trước đó một tháng, tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, sau khi đưa ra nhận định “hai tuần tới sẽ là giai đoạn quyết định của cuộc chiến chống COVID-19”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị “thành phố sẽ sống khác đi”, người dân không thể duy trì sinh hoạt bình thường như trước khi có dịch. 

TPHCM tiếp tục ngừng các dịch vụ vui chơi giải trí ở để phòng chống dịch
TPHCM đã mở cửa nhiều hoạt động nhưng các dịch vụ vui chơi giải trí vẫn đang ngừng để phòng chống dịch

Trong tháng Ba, tức thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang tăng nhanh ở cấp số nhân tại Đức để đến tuần đầu tháng Tư, quốc gia duy nhất của châu Âu này bước vào chuyển giai đoạn, với số người điều trị bắt đầu giảm; tại Việt Nam, đến ngày 29/3 là đã chuyển giai đoạn, ca điều trị giảm đều, giảm sâu. Thế nhưng, cả hai nhà lãnh đạo đều đưa ra đối pháp quan trọng hàng đầu, đó chính là bằng mọi cách phải kiềm chế sự lây lan. Bởi một khi họ cùng thừa nhận cái thực tế “chủng virus vẫn còn xa lạ với chúng ta” (A. Merkel), “chúng ta vẫn chưa hiểu biết hết về chủng virus này” (Nguyễn Thiện Nhân) thì ngăn chặn nó ngay từ đầu là biện pháp tối ưu. Khống chế, khoanh vùng, kiểm soát, cách ly, điều trị là sơ đồ chiến thuật của chiến lược phòng, chống bệnh truyền nhiễm. 

Hơn nữa, họ không hề mơ màng khi xác định việc chặn đứng sự lây lan là cách tốt nhất “tránh gây quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe”, hoặc đưa ra con số khả năng điều trị của ngành y tế Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng để từ đó định lượng được “khả năng chịu đựng số người nhiễm toàn quốc/thành phố mà không gây rối loạn/sụp đổ hệ thống y tế”. 

Và tất nhiên, bà đầm thép Đức tuyên bố: “Chúng tôi muốn đưa ra những quyết sách chính trị một cách minh bạch. Đây là phép thử với sự đoàn kết, ý thức và lòng tốt của chúng ta”. Thì sự minh bạch cũng đã được Chính phủ Việt Nam “sòng phẳng” ngay từ đầu, chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân, ca nhiễm và số lượng người cách ly do tiếp xúc gần lên tới hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn đều được công bố, cập nhật. 

Tại TPHCM, ngay sau thành tích chữa khỏi cho hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc, lãnh đạo thành phố đã cảnh tỉnh “đem thành tích để chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải chữa cho cả ngàn người là không thể giống nhau”. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói thẳng: “1.000 người bệnh, đó là giới hạn đỏ của thành phố. Vượt quá giới hạn này là vỡ trận”. 

Thành hay bại của cuộc chiến chống COVID-19 dựa trên ba yếu tố: quan điểm (cũng chính là năng lực quản trị) lãnh đạo, điều kiện cụ thể của hệ thống y tế và thói quen sinh hoạt, thái độ hợp tác của người dân. Từ đây, chúng ta thử nhìn rộng ra cách thức điều hành bộ máy quản trị quốc gia cũng như thành phố, tạo sự chuyển động hệ thống mang tính căn bản, khoa học, xác lập các hệ tiêu chí đánh giá, kiểm soát nhằm tiến tới “nghiệm thu” bằng chính thực tiễn vận hành, áp dụng, thụ hưởng trong đời sống xã hội. Ít nhiều tôi nghĩ đây cũng là một bước “chuyển giai đoạn” trong điều hành và quản trị bộ máy điều hành nội tại của thành phố này, trước điểm son 30/4/1975-30/4/2020. 

Từ một yêu cầu “chúng ta sẽ phải sống khác đi trước khi có dịch COVID-19” cho đến xác lập một “trạng thái bình thường mới” sau ngày có dịch COVID-19, có thể xem là cơ hội để thay đổi một cách căn bản một số “thói quen”, không chỉ trong sinh hoạt, không chỉ áp dụng phía người dân mà cả trong tư duy kết cấu bộ máy vận hành lẫn cá thể, nhóm cá thể có trách nhiệm lãnh đạo, điều hành, trong đó “trình độ chuyên môn được khuyến khích bởi một hệ thống chuyên môn hóa” - chính là cách người Đức đã và đang áp dụng. 

Một nước Đức của thời hậu Chiến tranh thế giới thứ II luôn chìm trong cảm giác xấu hổ và tội lỗi; ngay cả khi bức tường Berlin sụp đổ thì sự gắn kết liên bang của một nền cộng hòa vẫn không đủ sức khơi dậy cái quá khứ mà ít nhiều cả bờ Đông lẫn bờ Tây đều phải tiếp nối. 

Ở phần cực Nam của Thái Bình Dương, Việt Nam nói chung, Sài Gòn - TPHCM nói riêng có cả một vùng quá khứ để nối kết và cũng là vùng đau thương để tha thứ mà lớn lên, vùng tự hào để không quên lãng mà bước tiếp. 

Có thể là mỗi một quá khứ dân tộc xa lạ, cũng có thể là hai quốc gia - thành phố có nhiều sự khác biệt, nhưng nhìn từ cách ứng phó với dịch bệnh, trên một vài nguyên tắc xử lý, điều hành thì một khi lấy khoa học làm nền tảng, “sự lạnh lùng và cẩn trọng” bao giờ cũng cần thiết cho một hệ giải pháp bền vững sau đó.  

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI