Sốt xuất huyết tăng nhanh, 6 dấu hiệu cần phải đến bệnh viện ngay

23/06/2022 - 08:26

PNO - Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - thông tin, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.

Thông tin tại buổi tập huấn toàn quốc về tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/6 vừa qua cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 63.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là gần 48.000 trường hợp (tăng khoảng 97% so với năm 2021), số ca tử vong tăng 24 trường hợp.

Việc chẩn đoán đúng bệnh sốt xuất huyết sớm rất quan trọng
Việc chẩn đoán đúng bệnh sốt xuất huyết sớm rất quan trọng (Ảnh minh họa)

Chia sẻ tại buổi tập huấn, BSCK II Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) - cho biết, hiện nay có tình trạng đưa bệnh nhân nhập viện trễ gây tử vong. Ngày thứ 4 - 5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm rất quan trọng vì không phải bệnh nhân nào sốt xuất huyết cũng có những dấu hiệu như phát ban.

"Sốt xuất huyết có biểu hiện như chấm xuất huyết dưới da, nôn ra máu, tiểu ra máu… Chỉ định nhập viện với trường hợp sốc, có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm nhanh < 100k/microL, trẻ thừa cân béo phì, phụ nữ có thai, bệnh lý nền,…"- bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nói.

Đối với trường hợp điều trị ngoại trú, đối với trẻ sốt trên 38,5 độ C dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần, sử dụng 3-4 lần/ngày, lau mát bằng nước ấm khi sốt cao. Bên cạnh đó, người bệnh uống nhiều nước, thức ăn lỏng dễ tiêu và tránh thức ăn màu đỏ, đen nâu (để tránh nhầm lẫn với xuất huyết). Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà, dặn dò tái khám khi trẻ có triệu chứng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic(aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.

Theo các chuyên gia, phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, 6 dấu hiệu sau cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế gồm:

- Chảy máu (các chấm hay đốm đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo);

- Nôn liên tục;

- Đau bụng dữ dội;

- Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật;

- Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm;

- Khó thở.

An Sinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI