Số người chết do tai nạn giao thông giảm hơn 7%

28/12/2019 - 13:42

PNO - Sáng nay 28/12, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2019, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Năm ATGT 2020.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, cũng như qua công tác kiểm tra, theo dõi và trực tiếp triển khai, thực hiện, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia - cho biết, tình hình TTATGT năm 2019 có những chuyển biến rất tích cực.

Đáng chú ý, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, trong năm qua, toàn quốc xảy ra 17.626 vụ TNGT khiến 7.624 người tử vong, 13.624 người bị thương.

So với năm 2018, số vụ TNGT giảm 939 vụ (tương đương giảm 5,06%), trường hợp tử vong giảm 587 người (giảm 7,15%), số người bị thương giảm 934 người (giảm 6,42%).

So nguoi chet do tai nan giao thong giam hon 7%
Hiện trường một vụ tai nạn trong năm 2019

Có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với năm 2018, trong đó 22 địa phương giảm trên 10% số người chết; đặc biệt có 4 tỉnh là Lai Châu, Kiên Giang, Bển Tre, Lào Cai giảm trên 30% số người chết do TNGT. Chỉ còn 5 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với 2018 là Thừa - Thiên Huế, Tiền Giang, Hải Dương, Lạng Sơn và Khánh Hòa.

“Qua theo dõi từ thiết bị giám sát hành trình, cả nước có tổng số gần 2 triệu lượt vi phạm quá tốc độ. Tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân là 0,09 lần/l.000km, giảm 57,14% so với năm 2018. Các Sở Giao thông Vận tải đã thu hồi phù hiệu với thời hạn 1 tháng của gần 2.500 xe; thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 8 đơn vị; chấn chỉnh, nhắc nhở đối với đơn vị, lái xe của gần 53.000 xe vi phạm”, ông Hùng nói.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2019, số lượt phương tiện đường bộ vào kiểm định trên 3,5 triệu lượt. Trong đó có trên 3 triệu lượt phương tiện kiểm định đạt ngay từ lần đầu, chiếm 87,9% và gần 500.000 lượt phương tỉện kiểm định không đạt.

Về ùn tắc giao thông, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn, đặc biệt tại 2 thành phố là Hà Nội và TPHCM. Trong năm 2019, xảy ra 88 vụ ùn tắc giao thông kéo dài (giảm 4 vụ so với năm 2018).

Nguyên nhân ùn tắc, theo ông Hùng, do TNGT chiếm đến 69,32% (61 vụ), do lưu lượng phương tiện tăng cao vào giờ cao điểm chiếm 11,36% (10 vụ), do mưa lớn gây sạt lở chiếm 3,41% (3 vụ) và các nguyên nhân khác chiếm 15,91% (14 vụ).

Ngoài ra, tình hình ùn ứ giao thông xảy ra khá thường xuyên tại các đoạn tuyến có các công trình giao thông thi công kéo dài, tổ chức giao thông bất hợp lý. Tình trạng vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện, đỗ xe trái phép... cũng là nguyên nhân gây ra ùn ứ giao thông trong các đô thị.

So nguoi chet do tai nan giao thong giam hon 7%
Nhiều công trình xây dựng gây ra ùn ứ giao thông

Ông Hùng cho hay, mặc dù đạt được những kết quả nổi bật, nhưng tình hình TTATGT năm 2019 vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trong, gây bức xúc dư luận, nhất là tai nạn liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên.

Điển hình như vụ lái xe container dương tính với ma túy đâm vào 21 xe máy đang dừng đèn đỏ ở Long An làm chết 4 người, bị thương 19 người; vụ lái xe tải có ma tuý đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang ở Hải Dương làm chết 8 người, bị thương 7 người; vụ lái xe say rượu gây TNGT trong hầm Kim Liên làm 2 người chết; vụ tai nạn do sinh viên điều khiển xe máy sau khi uống rượu bia khiến 4 người chết, 1 người bị thương tại Thái Nguyên...

Nguyên nhân do công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn hạn chế, ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm và manh mún; có nơi hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng chưa chặt chẽ.

Số lượng phương tiện cơ giới tham gia giao thông ngày càng gia tăng trên cả đường bộ, đường thuỷ nội địa và ven biển. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém.

Tình trạng vi phạm quy định về quy hoạch và xây dựng ảnh hưởng đến TTATGT còn diễn ra phổ biến, đặc biệt là dọc hành lang các tuyến quốc lộ trọng điểm và trong các đô thị lớn.

So nguoi chet do tai nan giao thong giam hon 7%
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2019 tại đầu cầu TPHCM - Ảnh: Quốc Ngọc

Nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong Năm ATGT 2020, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình chỉ đạo Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp.

Theo đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách bảo đảm TTATGT; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, trật tự đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tâng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường săt, đường thủy nội địa.

Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá để thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối vói công tác quản lý, điều hành, tồ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử ỉý vi phạm pháp luật về TTATGT.

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.

Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI