Sinh con thuận tự nhiên tại bệnh viện, thật hay đùa?

03/12/2019 - 06:00

PNO - 17g, các bác sĩ, nữ hộ sinh của khoa Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa chuyển ca trực thì một thai phụ với chiếc bụng to nặng nề được chồng dìu đi chậm chạp, bước vào.

Bác sĩ trực khám cho thai phụ N.T.T., thấy thai 40 tuần, em bé ước 3,9kg; thai phụ có vết mổ lấy thai trước đó nên nhanh chóng cho nhập viện, chỉ định sinh mổ. 

Nhưng sau khi nhập viện, thai phụ từ chối tất cả chỉ định của bác sĩ (BS) và bình thản: “Tôi muốn sinh thuận tự nhiên, BS không cần hỗ trợ gì hết”. Tuy vậy, với kinh nghiệm gần 40 năm, thạc sĩ - BS Lê Thị Kiều Dung biết chắc sinh tự nhiên là điều không thể.

Sinh con thuan tu nhien tai benh vien, that hay dua?
Hội D. mà chị T. tham gia cho rằng sinh tại bệnh viện với bác sĩ mới là trào lưu

Cuộc giằng co giữa bác sĩ - thai phụ - thần chết

“Không ai được đụng vào vợ tôi”, người chồng tuyên bố. Thai phụ T. tiếp lời: “Tôi muốn được sinh con thuận tự nhiên”. Vợ chồng tự nguyện viết giấy cam kết nếu cuộc chuyển dạ, sinh có gì trục trặc thì sẽ chịu trách nhiệm. 

BS chỉ định nữ hộ sinh đo tim thai, vừa đến đã bị chị T. đuổi về. BS chỉ định khám trong, chị cũng cự tuyệt. Chị T. đưa cho các bác sĩ tờ giấy viết tay với hàng loạt chữ “không”: “Không được thăm khám âm đạo; không để sản phụ sinh trên bàn mà phải sinh trong tư thế đứng; không được tiêm kháng sinh, truyền hạ sốt cho sản phụ; không được tiêm vắc-xin cho con khi sinh ra; phải để nửa tiếng mới được cắt dây rốn; không cho con bú sữa bình…”.

T. cho biết mình là thành viên của nhóm sinh con thuận tự nhiên đình đám trên mạng. Trước đó, T. đã đến hai bệnh viện sản quốc tế đặt vấn đề sinh thuận tự nhiên, nhưng bị từ chối. Tìm đến Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM, T. giấu nhẹm ý định sinh thuận tự nhiên. 

Khi T. bắt đầu có những cơn đau bụng chuyển dạ, các bác sĩ giải thích, tư vấn và thuyết phục chị T. cho khám thai ngả âm đạo. Vợ chồng đều rất bình tĩnh, T. nhấn mạnh: “Tôi muốn đẻ tự nhiên”.

19g, chị T. vỡ ối. Nước ối màu xanh và loãng, dấu hiệu của nước ối xấu. Bác sĩ lại vào, giải thích vỡ ối khiến thai nhi có thể gặp nguy hiểm, suy tim thai và chết lưu. T. nói chị biết hết nguy cơ, rồi vợ chồng bình thản chờ con tự chui ra.

Các bác sĩ bèn chuyển phương án, vừa dỗ dành vừa cứng rắn: “Chị phải cho chúng tôi khám thai, đó là điều căn bản để BS biết được tình trạng thai. Nếu không, làm sao chúng tôi phát hiện chị có sa dây rốn hay không? Nếu dây rốn sa là em bé bị tử vong không cứu kịp”. Nhưng vẫn là sự từ chối.

Sinh con thuan tu nhien tai benh vien, that hay dua?
Bà Lê Nhất Phương Hồng được giới thiệu là người khởi xướng trào lưu sống thuận tự nhiên tại Việt Nam

2g sáng hôm sau, thai phụ đau bụng oằn oại, người sốt nóng ran. BS chỉ định: truyền dịch, thuốc hạ sốt và kháng sinh. Nhưng chị T. không cho ai đụng vào người. Chị đứng xoay người ngoáy mông, lắc bụng để đỡ đau bụng như các thành viên trong hội đã tuyên truyền. 

BS tiếp tục năn nỉ được khám trong, đo tim thai, đo cơn gò vì sợ tình trạng sức khỏe của mẹ thế này dễ làm em bé suy tim và nguy cơ nứt vết mổ, vỡ tử cung vẫn đang chực chờ. T. đồng ý và ra điều kiện “chỉ khám trong, không được khám thêm gì hết”. 

BS khám và giải thích “tử cung chỉ mở 2cm và thai quá to, chắc chắn không thể sinh thường được, nên sinh mổ”. Vợ chồng thai phụ vẫn khẳng định: “Chỉ sinh tự nhiên và phải sinh đứng”. 

Chị T. cho rằng, đứa con đầu sinh mổ nên bé bị bệnh, phải đi BV thường xuyên. Lần này, đến tháng thứ tư của thai kỳ, khi biết hội sinh thuận tự nhiên, chị tham gia và trở thành thành viên tích cực. Chị T. làm theo chỉ dẫn trong nhóm với tôn chỉ “con vật đẻ tự nhiên được, chẳng lẽ con người thua con vật?”.

Đến 8g sáng, tình trạng sức khỏe của thai phụ báo động. BS năn nỉ được đo tim thai, T. đồng ý và kết quả là thời gian chuyển dạ lâu, vỡ ối nên tim thai đã suy. Nhưng T. vẫn không chịu mổ. 

Thấy tình trạng nguy cấp, các BS cứng rắn: “Nếu không mổ bây giờ thì cả chị và thai nhi đều có thể tử vong, lúc đó BS muốn cứu cũng không kịp”. Sức lực cạn kiệt, cơn đau dồn dập, T. nói: “Thôi, BS muốn làm gì cũng được”. Ngay lập tức, chị T. được đưa vào phòng sinh. Vài phút sau, một bé trai 4kg chào đời. Bé bị hít phân su, khóc yếu, sức khỏe yếu nên được chuyển qua dưỡng nhi. 

Vì cuộc chuyển dạ quá dài, tử cung co hồi không tốt nên cả hai mẹ con đều phải dùng kháng sinh và dùng thuốc nhiều hơn, dài ngày hơn so với những người sinh mổ bình thường. “Trường hợp này nếu sinh tại nhà, hay không có sự can thiệp của nhân viên y tế thì có lẽ tình huống xấu nhất đã xảy ra”, BS Lê Thị Kiều Dung khẳng định. 

Đánh đố y học

Ngay trước lúc xuất viện, T. đã nói với bác sĩ - người vật vã cả ca trực đêm vì chị: “Em xin lỗi BS, em sai rồi”. Đứa trẻ sau khi nằm dưỡng nhi ba ngày đã về với mẹ, khỏe mạnh bình thường. 

Nhưng, may mắn này không đến với nhiều người. Mới đây, ngày 9/11, BV Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận một bé được đưa đến cấp cứu trong tình trạng vẫn còn nguyên dây rốn và nhau thai, đã ngưng tim, ngưng thở. Cuối cùng, bé đã tử vong. Gia đình cho biết bé bị đẻ rớt 10 tiếng trước.

Nhưng lý do này khó để chấp nhận, vì nhà bé ở Q.11, đẻ rớt thì không thể 10 giờ sau mới đưa đi cấp cứu và trạng thái còn nguyên dây rốn, bánh nhau là “chuẩn” của trường phái sinh thuận tự nhiên vẫn đang được nhiều người cổ xúy và làm theo. 

Sau một thời gian dư luận phẫn nộ với sự thiếu hiểu biết, từ chối sự tiến bộ y khoa của những ông bố bà mẹ cuồng “thuận tự nhiên”, thì những diễn biến mới này cho thấy họ không phải là thiếu hiểu biết. Hầu hết họ đều biết mọi thiệt hơn của can thiệp sinh thường, sinh mổ... 

Và bây giờ, họ chọn vào BV sinh thuận tự nhiên - thậm chí bẫy cả BS cho họ nhập viện - để tránh rủi ro của sinh thuận tự nhiên. Họ tin rằng y học sẽ “hốt” được hậu quả nếu họ sinh thuận tự nhiên không thành hoặc có tai biến. 

Sự chọn lựa này tưởng chừng khôn ngoan, nhưng càng vướng sâu vào mâu thuẫn. Bởi tại BV, BS chỉ có thể là BS cứu người khi họ được trao cho vị thế, niềm tin và sự hợp tác. Một khi thai phụ không đứng về phía y học, bất hợp tác, thì BS cũng vô nghĩa. 

Nói không quá, việc chọn đến BV để sinh thuận tự nhiên giống như trò đùa với BS. Rõ ràng, T. đã rất đau đớn. Nhưng ngay khi cơn đau tăng dần, cơn nguy kịch đến gần, cả T. và chồng vẫn kiên quyết không đo tim thai, cơn gò, không tiêm thuốc... 

Điều này cho thấy họ nhận thức rất rõ và biết rõ mình đang chọn gì. Chỉ có điều, cả T. và chồng đều không biết tình trạng thực sự của cả mẹ và con sau tất cả diễn biến khó lường của chuyện sinh nở.

Theo BS Kiều Dung, trong năm qua đã có gần chục ca vào BV Đại học Y Dược TP.HCM yêu cầu sinh thuận tự nhiên như thai phụ T. BS Kiều Dung dự báo, xu hướng này có lẽ ngày càng tăng. 

Thai phụ vào BV để sinh thuận tự nhiên - như một cách “khắc phục” lỗ hổng của phương pháp này. Nhưng, “chúng tôi rất mất thời gian, công sức và nhân lực vào các ca này, trong khi chúng tôi còn phục vụ rất nhiều thai phụ khác”, BS Kiều Dung chia sẻ.

Do vậy, cái lợi của sinh thuận tự nhiên ở đâu khi bất chấp những nguy cơ, tai biến. Khước từ BS, sự tiến bộ của y học từ đầu đã là một thiệt thòi. Còn khi đã gặp tai biến mà vẫn khước từ sự tiến bộ của y khoa, thì chẳng khác nào đùa với thần chết. 

Giới y khoa luôn khuyến khích chuyển dạ tự nhiên và sinh con tự nhiên. Nghĩa là sinh con theo ngả âm đạo và chỉ khi nhau thai, vị trí thai có vấn đề, hay mẹ có bệnh lý, thai kỳ nguy hiểm... mới mổ lấy thai. Thật sự chỉ trong trường hợp cần thiết mới can thiệp y khoa.

Ngay cả khi sinh xong, cũng vẫn gặp nguy hiểm nếu tử cung co hồi không tốt, có thể dẫn đến tình trạng băng huyết. Chỉ trong 1-3 phút có thể bị mất 2-3 lít máu và thai phụ rất dễ tử vong. 

Sinh thuận tự nhiên là để chuyển dạ tự nhiên và không can thiệp khi không cần can thiệp. Chứ không phải là sinh tại nhà không có sự hỗ trợ từ nhân viên y tế.
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Thị Kiều Dung

Nếu như không có sự theo dõi và hỗ trợ đúng mức của y học hiện đại thì quá trình sinh nở đều là những giai đoạn nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Mục tiêu của y khoa là nhận biết trường hợp nào không thể sinh tự nhiên để can thiệp đúng phương pháp, đúng thời điểm nhằm đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản, BV Đại học Y Dược TP.HCM

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI