Sàn thương mại điện tử loay hoay tìm cách kích cầu hàng “không thiết yếu”

12/08/2021 - 06:33

PNO - Sức mua giảm mạnh khiến các sàn thương mại điện tử đang cố gắng tìm cách kích cầu các nhóm hàng “không thiết yếu” như thời trang, mỹ phẩm... gia dụng.

Theo đại diện nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT), sức mua các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, gia dụng… đang giảm mạnh trong mùa dịch do phần lớn người tiêu dùng (NTD) bị giảm thu nhập, tự tiết giảm nhu cầu, chỉ ưu tiên mua thực phẩm, hàng thiết yếu. Tình hình này khiến nhiều đơn vị bán hàng đuối sức, thậm chí phải đóng gian hàng, dù các sàn đang tổ chức dày đặc các chương trình quảng bá, trợ giá, khuyến mãi... để kích cầu. 

Hiện sàn Sendo đang triển khai chương trình “Chợ Việt 8/8 - Siêu hội hàng Việt” nhằm đưa nhiều hơn các sản phẩm hàng tiêu dùng, hàng thủ công và thời trang Việt đến với TMĐT, tìm đầu ra tiêu thụ trong mùa dịch. Các nhãn hàng như Chin-su, Aba, đường Biên Hòa, mì Gấu Đỏ, Vinamilk… được xếp vào hàng tiêu biểu trong chương trình này. Nhiều sản phẩm có mức giá giảm đến 50% kèm các ưu đãi tặng phiếu mua hàng, mã giảm giá freeship...  Tiki có chương trình “Dzựt deal” áp dụng đối với các sản phẩm thời trang, công nghệ, điện máy, nhà cửa, bách hóa... với hàng loạt thương hiệu đồng giảm giá 80%, deal đồng giá 8.000 đồng và 88.000 đồng.

Tuy nhiên khó khăn chung của các sàn hiện nay là vấn đề giao hàng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… trong bối cảnh các địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. TP.HCM chỉ cho phép shipper (người giao hàng) giao hàng theo địa bàn quận/huyện cố định. Các sàn và các công ty vận chuyển… đều thiếu hụt nhân sự…

Các thành phổ lớn đều thực hiện giãn cách xã hội khiến việc giao hàng, đặc biệt các nhóm hàng không thiết yếu gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.
Các thành phổ lớn đều thực hiện giãn cách xã hội khiến việc giao hàng, đặc biệt các nhóm hàng không thiết yếu gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.

Bà Lưu Hạnh - Trưởng phòng Truyền thông Lazada Việt Nam - cho hay quy định giãn cách xã hội ảnh hưởng tới thời gian giao hàng, việc bảo đảm giao hàng hóa tới NTD là ưu tiên lớn nhất trong thời điểm này. Lazada mong sẽ nhận được sự phối hợp của nhà bán hàng trong việc ưu tiên cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng dịch.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc marketing Haravan (công ty xây dựng nền tảng bán hàng online cho hơn 50.000 doanh nghiệp trên cả nước) -  TMĐT sẽ tận dụng các sự kiện để đẩy mạnh các chương trình quảng bá, khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các đơn vị bán hàng đẩy mạnh doanh thu, đặc biệt là các nhóm hàng không thiết yếu đang có sức tiêu thụ giảm trong mùa dịch COVID-19. Haravan dự đoán khi 70% người dân TPHCM được tiêm vắc-xin, sớm nhất là vào khoảng tháng 10/2021, các ngành hàng này mới có thể phục hồi lại dù chưa thể đạt hiệu quả như trước đây.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn cũng cho rằng khó khăn lớn không chỉ ở việc nhu cầu giảm mà còn ở khâu giao hàng. Thực tế, tỷ lệ đơn hàng hoàn trả về của các sàn TMĐT trong thời gian này lên tới 35 - 40% do gặp khó khăn trong quá trình giao hàng. Các sàn TMĐT sẽ phải giảm lợi nhuận, trợ giá, khuyến mãi mạnh thực sự thì mới khuyến khích được NTD mua các mặt hàng này, giúp các đơn vị bán hàng vượt qua khó khăn. 

“Nếu như nhóm hàng nông sản bán trên sàn TMĐT hiện tăng tới 80 - 90% so với lúc trước giãn cách thì sức tiêu thụ nhóm hàng thời trang, mỹ phẩm, nội thất, thủ công mỹ nghệ... giảm mạnh. Các đơn vị bán hàng không thiết yếu đang trong tình trạng - theo Haravan - gồm ba nhóm chính: nhóm “ngủ đông và chờ thời” là các doanh nghiệp đã tích lũy được nguồn vốn trước đó và vẫn duy trì được hoạt động, nuôi đội ngũ nhân sự chờ thời cơ bắt đầu lại; nhóm “ngủ đông là chết” rơi vào các doanh nghiệp bị ngưng trệ sản xuất, không có đủ dòng tiền nuôi nhân viên, một số thức thời chuyển sang bán hàng thiết yếu để có dòng doanh thu mới; nhóm “thoi thóp và chờ chết” chỉ trong hai tháng nữa, nếu tình hình không khá hơn sẽ ngừng hoạt động”, ông Tấn phân tích. 

Nguyễn Cẩm 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI