Sài Gòn dưới ngòi bút của nhà văn Lê Văn Nghĩa

26/07/2021 - 11:22

PNO - Nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953 - 2021) có nhiều cuốn sách viết về Sài Gòn. Sài Gòn như một nơi chốn tình tự để tác giả giãi bày một thời tuổi trẻ của mình. Sài Gòn cũng là "nhân vật" lớn nhất trong đời văn của nhà văn sinh ra ở Chợ Lớn.

Truyện dài Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (NXB Trẻ, 2016) “dành cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc cũng hổng sao, mà người già đọc càng khoái”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói, khi đọc truyện này của nhà văn Lê Văn Nghĩa, ông có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học. Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như trong một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển.

Truyện dài Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (NXB Trẻ, 2016) “dành cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc cũng hổng sao, mà người già đọc càng khoái”
Truyện dài Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy "dành cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc cũng hổng sao, mà người già đọc càng khoái”

Sài Gòn dòng sông tuổi thơ (NXB Trẻ, 2016) gồm 30 tạp bút ghi lại Sài Gòn tuổi thơ trong lòng nhà văn. Mỗi bài viết là một góc cạnh nào đó của Sài Gòn mà tác giả chợt bắt gặp. Ngay trong lời tự bạch, ông viết: “Mỗi khi đi đâu xa khỏi Việt Nam, chỉ hơn một tháng thôi là nhớ Sài Gòn da diết. Có những buổi chiều lạnh, trong một công viên nhỏ ở quận 17 (Paris), tôi ngồi uống một mình, hết chai rượu vang hồi nào không hay chỉ để vơi đi nỗi nhớ Sài Gòn với những gương mặt chung quanh nó. Với tôi, Sài Gòn là cả Việt Nam và Việt Nam đối với tôi là Sài Gòn”.

Hầu hết tạp văn trong Sài Gòn dòng sông tuổi thơ đã được lần lượt công bố trên báo, nay tập hợp lại như một hồi ức không quên.
Hầu hết tạp văn trong Sài Gòn dòng sông tuổi thơ đã lần lượt được công bố trên báo, nay tập hợp lại như một hồi ức không quên

Truyện dài Tụi lớp Nhứt, trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (NXB Trẻ, 2017) lấy bối cảnh thập niên 1960 của thế kỷ trước. Lê Văn Nghĩa kể lại câu chuyện về những đứa trẻ ngộ nghĩnh, đáng yêu với đủ trò vui buồn mang đậm dấu ấn học trò, gắn với một vụ mất tích bí ẩn chú chó nhỏ và cây bút máy.

Lồng trong đó là những hình ảnh như thước phim tư liệu về Sài Gòn xưa, với trường học, bến xe bus, những cửa hàng đầy màu sắc ở Chợ Lớn, hay cuộc sống của người tứ xứ tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định với ngôn ngữ, cử chỉ, nghề nghiệp mang bản sắc riêng…”. Đọng lại trong lòng bạn đọc là cách bọn trẻ xóm nghèo yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, đối xử với nhau đầy nghĩa khí.

Đọng lại trong Tụi lớp Nhứt, trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ là cách bọn trẻ xóm nghèo yêu thương đùm bọc và đầy nghĩa khí
Đọng lại trong Tụi lớp Nhứt, trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ là cách bọn trẻ xóm nghèo yêu thương đùm bọc và đầy nghĩa khí

Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2019) tập hợp những bài viết ngắn nhìn lại Sài Gòn ngày hôm qua khi ký ức kịp hồi phục của tác giả. Ở đó, Lê Văn Nghĩa nhìn mọi thứ thuộc về Sài Gòn, cả đẹp lẫn xấu, bằng cặp mắt của một người Sài Gòn chính hiệu, gắn bó với mảnh đất này từ khi sinh ra, rồi bước đi trên đường phố Sài Gòn. Mỗi ngóc ngách của Sài Gòn được đề cập như thể một phần đời của tác giả. Những ngã tư, những con đường nữ sinh áo trắng, từ bao giờ phong cách giới nữ đi xe Velo Solex trở thành mốt ở Sài Gòn, những tiệm chụp hình, góc đường uống bia, bánh mì Sài Gòn trên lề đường và trong thơ ca, nước mắm... hiện ra như mới ngày hôm qua.

Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian
Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, Sài Gòn dòng sông tuổi thơ là bộ ba "ký ức Sài Gòn" của nhà văn

Truyện dài Mùa hè năm Petrus (NXB Trẻ, 2019), là câu chuyện về những người bạn của ngôi trường Petrus Trương Vĩnh Ký - nơi nhà văn theo học trung học từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Lê Văn Nghĩa viết tác phẩm này để nhớ những người bạn, nhớ ngôi trường thân yêu, thầy cô, nhớ những kỷ niệm đẹp, kể cả những điều không vui.

Trong đó có đoạn: “Mùa hè chỉ có chia tay nhưng trong đời học sinh không chỉ có những mùa hè chia tay. Cũng có những mùa hè đánh dấu sự trở thành người lớn. Người lớn mà không cần mùa xuân đến. Không cần được mừng tuổi. Đó là mùa hè của những năm Petrus Ký”.

Mùa hè Petrus - truyện về những người bạn của ngôi trường mang tên Petrus Ký lừng danh
Mùa hè năm Petrus - truyện về những người bạn của ngôi trường Petrus Ký lừng danh

Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (NXB Trẻ, 2020) gồm 56 tạp bút xoay quanh nhân vật chính là Sài Gòn. Nhà báo Dương Thanh Truyền gọi Lê Văn Nghĩa là “nhà văn chép sử bằng trái tim”: “Như một kẻ không nhà, hay nói đúng hơn, như một người mà đâu cũng là nhà, anh đã rong ruổi khắp nơi từ hang cùng, ngõ hẻm đến quán xá, chợ búa… Anh gọi tên tất cả bằng cảm xúc của chuyện xưa cũ nối liền với tâm sự hôm nay, trong một không gian đã được “điều kiện hóa” bởi sách, bởi báo, bởi thơ, bởi tuồng, bởi phim… đã theo anh đi suốt những năm tháng của cuộc đời”.

Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ
Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ

Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề (NXB Tổng hợp TPHCM, 2020) do nhà văn Lê Văn Nghĩa biên soạn, ghi lại “những câu chuyện thật vui, cũng có những câu chuyện thật buồn rơi nước mắt. Có những chuyện thật cảm động, có những chuyện thật chán phèo cho các tình đời” thuộc về hậu trường văn chương Sài Gòn giai đoạn 1954-1975.

Văn học Sài Gòn 1954-1975 – Những chuyện bên lề ghi lại không khí văn chương Sài Gòn một thời
Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề ghi lại không khí văn chương Sài Gòn một thời

Nhà văn Lê Văn Nghĩa không hy vọng tham gia vào dòng sách nghiên cứu văn học một cách chính thống. Ông gọi cuốn sách bao gồm những chuyện “bên lề”, có tính chất gần với giai thoại, là những câu chuyện chung quanh cuộc sống, những sự kiện văn học… được ghi lại trong hồi ký của các nhà văn, của những tờ báo ngày trước. Dù vậy, vẫn góp thêm một tiếng nói quan trọng trong việc khơi lại di sản văn chương Sài Gòn một thời.

Cuốn Mùa tiểu học cuối cùng vừa được NXB Kim Đồng tái bản tháng trước
Cuốn Mùa tiểu học cuối cùng vừa được NXB Kim Đồng tái bản tháng trước

Truyện dài Mùa tiểu học cuối cùng (NXB Kim Đồng, 2020) gồm 22 chương ghi lại đời sống học trò trước năm 1975, qua câu chuyện về “mấy thằng bạn cà tưng lớp nhứt Hai trường tiểu học Bình Tây của tui”. Với thế mạnh của cây bút trào phúng, truyện của Lê Văn Nghĩa đầy ắp tiếng cười. Tác phẩm đề cao tình bạn, tình cảm gia đình. Những đứa trẻ vô tư, trong sáng, quậy hết nấc nhưng luôn biết yêu quý bạn bè, muốn làm điều hay lẽ phải, trọng tình trọng nghĩa.

PV (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI