Sách giáo khoa sai sót, lẽ nào vẽ đường cho hươu chạy

04/12/2020 - 11:00

PNO - Mới đây, tại một hội thảo khoa học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lại có phát biểu gây sóng: “Từ điển còn hiệu đính, huống hồ sách giáo khoa (SGK). Không chỉ Cánh diều mà các bộ sách khác cũng có sạn”.

1. Hiệu đính là xem xét, đối chiếu và sửa chữa lại văn bản cho đúng. Nói chung, đây là công đoạn chỉnh sửa trước khi đem sách đi in.

Còn đính chính là sửa lại cho đúng những chỗ in sai, nói sai. Đính chính là chuyện đã rồi, sách in xong, thậm chí phát hành xong, mới phát hiện lỗi. Thay vì thu hồi và in lại, người ta in thêm bảng đính chính rồi kẹp thêm vào sách.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo     Ảnh Người lao động
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo     Ảnh Người lao động


Bộ trưởng đã hiểu sai giữa hiệu đính và đính chính. Ở đây, ông đang nói về những lùm xùm, những “rổ sạn” trong bộ sách Cánh diều và các bộ SGK đã phát hành đến tay phụ huynh và học sinh một thời gian dài. Sau khi dư luận phê phán, ban biên soạn mới sửa lại, ra thêm một phụ bản sửa lại những chỗ sai ấy. Đó là đính chính chứ sao lại là hiệu đính.

Nếu các SGK được hiệu đính cẩn thận, có lẽ đã không vấp phải chuyện con lạc đà chui qua lỗ kim như thế. Ngay cả công đoạn thông qua hội đồng thẩm định SGK cũng có thể coi là khâu hiệu đính.

Thế nhưng, chính giáo sư Trần Đình Sử, chủ tịch hội đồng thẩm định, đã từng nói, những lỗi trong sách Cánh diều đã từng được hội đồng cảnh báo nhưng ban biên soạn phớt lờ cho qua. 

Với cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho in lại một tài liệu sửa sai phát hành bổ sung miễn phí với SGK bộ Cánh diều, thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản của Việt Nam (và cả thế giới) ghi nhận có hẳn một “phụ bản” đính chính được xuất bản độc lập.

Từ trước đến nay, độc giả mới chỉ biết đến “tờ đính chính”, “bảng đính chính”… Nay ngành giáo dục lại có hẳn một đầu sách đính chính. 

Với những quy định chặt chẽ về xuất bản và Luật Xuất bản, ắt hẳn cuốn sách đính chính này phải có giấy phép xuất bản, có quyết định phát hành, có chỉ số ISBN riêng… Một xuất bản phẩm vô tiền khoáng hậu dưới thời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

2. Vẫn biết, xuất bản một cuốn sách vẫn có thể xảy ra lỗi. Không nhà xuất bản nào trên thế giới dám vỗ ngực tự xưng cuốn sách của mình không tì vết. 

Nếu xảy ra sai sót, nhà xuất bản sẽ phải chịu thiệt hại đầu tiên. Toàn bộ số sách in sai sẽ phải thu hồi, tiêu hủy. Lỗi này đánh vào chính sự sống còn về tài chính của đơn vị làm sách nên họ không dám làm ẩu.

Với từ điển, SGK thì sự khắt khe luôn ở mức tuyệt đối.

Trở lại chuyện phát ngôn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ông đã không có những hành động mạnh tay với Công ty VEPIC, đơn vị đã thực hiện bộ sách Cánh diều. Ông cũng không thể hiện thái độ nghiêm cẩn đối với việc xuất bản SGK. Phát ngôn của ông như đang “đùa giỡn” với những sai sót của SGK! 

Phát ngôn ấy khác nào vẽ đường cho hươu chạy. Các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách cứ việc sai sót đi, từ điển còn sai kia mà! Bộ trưởng là tư lệnh ngành mà nói thế, khác nào người chủ gia đình bảo: con của hàng xóm nó cũng hư kìa, con mình nhằm nhò gì! 

Hoàng Mạnh Hà

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI