Sách của người trẻ “áp đảo” không gian Hội sách

30/03/2014 - 14:04

PNO - PN - Không phải không có những tác phẩm của một số tác giả trẻ mà nhà văn Bích Ngân chẳng ngại gọi là “na ná văn chương” xuất hiện tại Hội sách TP.HCM lần VIII, nhưng nếu xét những đầu sách đủ chất văn chương, vẫn có thể...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong khi lớp tác giả gạo cội không mấy người có tác phẩm mới mang đến Hội sách, ngoài vài tên tuổi quá quen, thì ở “phân khúc” trẻ, lực lượng khá hùng hậu. Hôm 26/3, 8 trong số 14 cây bút có tác phẩm mới in cùng trong Tủ sách 8X, đã đến sự kiện này để “quảng bá” cho sách của mình. Trần Minh Hợp, người đã ra được năm cuốn từ năm 2011 đến nay, đã thể hiện sự trưởng thành trong cách phản ánh cuộc sống qua tập Người buồn thuê gồm 14 truyện ngắn. Từng nhận giải thưởng nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2011 với tác phẩm Cô gái bán ô màu đỏ, Trần Minh Hợp bày tỏ: “Viết văn ngày càng khó, khó hơn tôi tưởng. Không còn ào ào sôi nổi. Chuyện viết thay đổi và lặng lẽ hơn. Tôi ít có được những thời điểm tĩnh lòng và khó đạt được sự tuyệt vời trong tư duy ngôn ngữ nên câu chữ cứ rù rì, chậm chạp và khô cứng. Nhưng, khi có được một truyện ngắn, một tạp bút hoàn thiện thì lại càng thấy quý giá vô cùng”. Trương Thanh Thùy với tập truyện ngắn Mít ơi, Vũ Văn Song Toàn với Con cu ly nhỏ tội nghiệp, Nguyễn Thị Kim Hòa với truyện dài Cơn lũ chưa qua… cũng nhận những đánh giá tích cực.

Sach cua nguoi tre “ap dao” khong gian Hoi sach

Các cây bút trẻ Trần Minh Hợp, Ngọc Quyên, Tiểu Quyên… “ra mắt” người đọc

Một cụm tác giả khác từ cuộc thi Văn học tuổi 20, cũng hiện diện dày dặn tại Hội sách. 12 tác phẩm tuyển chọn in sách từ cuộc thi lần V đang diễn ra, dù chưa biết có đoạt giải hay không vẫn tạo nên một góc ấn phẩm thú vị. Trong số này, bảy cuốn mới được thực hiện để đưa vào hội sách. Nhiệt đới buồn của Phương Rong được giới thiệu là “tinh lành và buồn bã” như khi xếp lại những tấm áo cũ. Trong cuốn Sống, tác giả có bút danh Đường viết về những nỗi đau tinh thần làm thay đổi đời người, buộc người ta phải can đảm vượt qua nó. Hai tác phẩm Chộn rộn xứ người (Mai Thanh Nga) và Những người bạn của mặt trời (Lanka) đều viết về sự xê dịch bên ngoài không gian đời thực để tìm đường trở về trong tâm cảm. Những cuốn Bình yên tạm bợ (Trần Lãng Diệp), Thị trấn của chúng ta (Nguyễn Dương Quỳnh) và Rưng rưng lòng (Tịch) cùng khai thác đề tài muôn thuở - tình yêu, với những cung bậc khác nhau. Ngoài ra, còn có hơn 30 cuốn tái bản các tác phẩm đoạt giải cuộc thi này từ lần đầu tiên, với nhiều gương mặt quen thuộc: Phan Việt, Trương Anh Quốc, Vũ Đình Giang, Nguyễn Thị Thanh Bình… Tại Hội sách, loạt sách này thu hút những người mua có mục đích tập hợp thành bộ sưu tập.

Ở mảng sách "phi hư cấu", tác phẩm của cây bút trẻ cũng chiếm lĩnh nhiều gian hàng. Không chỉ giao lưu, ký tặng người đọc, tác giả Vi Thùy Linh còn mang “món” trình diễn từ Hà Nội vào để làm quà cho bạn đọc phương Nam nhân ra mắt cuốn tùy bút Hộ chiếu tâm hồn. Tác giả Nguyễn Hữu Tài từ Mỹ về giới thiệu cuốn Nước Mỹ có gì vui? tập tùy bút nặng cảm xúc của một người trẻ 14 năm xa xứ. Tác giả tâm sự: “Tôi không biết nên gọi cuốn sách này là tạp văn hay hồi ký, cũng chẳng phải là du ký, truyện ngắn thì càng không. Dường như nó là sự tổng hợp, dung hòa của nhiều thể loại. Có lẽ đây là cuốn sách khó nhất mà tôi từng viết, bởi không hẳn chỉ là hoài niệm và ký ức của mỗi chuyến đi, tôi cần đảm bảo chính xác mọi kiến thức…”. Vài tên tuổi khác: tác giả Hiền Hòa với Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi, dựng 34 chân dung người Sài Gòn mà mọi bài viết đều bắt đầu bằng hai chữ Sài Gòn, dung dị, hàm lượng thông tin cao; ngược lại là lối viết hơi điệu đàng của tác giả Tùng Leo với Tìm nhau giữa Sài Gòn, tản văn về nhịp sống đô thị…

Nhà thơ Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, cho rằng: “Thực hiện sách cho các tên tuổi lớn thì dễ, nhưng đối với các tác giả trẻ thì còn có những khó khăn. Thế nên, việc có nhiều đầu sách của các cây bút trẻ là điều đáng quý, đem lại không khí mới, thành tựu mới cho văn học nước nhà”.

 V.Tiến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI