Du học sinh Lào, Campuchia và hành trình tri thức ở TPHCM - Bài 1:

Rộng cửa chào đón du học sinh Lào, Campuchia

13/09/2022 - 06:33

PNO - Mỗi năm, TPHCM đón hàng trăm sinh viên Lào, Campuchia sang học tập và cũng tiễn nhiều sinh viên tốt nghiệp, mang những kiến thức học ở Việt Nam trở về đóng góp cho đất nước mình. Cộng đồng sinh viên Lào, Campuchia đông đảo tại TPHCM với những hoạt động học tập, giao lưu văn hóa đa dạng đang ngày một thắt chặt tình hữu nghị ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Những học bổng đại học đa dạng ngành nghề được cấp cho các học sinh giỏi của Lào, Campuchia hằng năm đưa Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trở thành địa điểm du học được sinh viên hai nước láng giềng hết sức yêu chuộng.

Những bác sĩ của tình hữu nghị

Một trong những lĩnh vực thu hút đông đảo sinh viên Lào, Campuchia theo học tại TPHCM là chuyên ngành sức khỏe. Nhiều năm qua, những ngôi trường ở TPHCM đã và đang trở thành nơi chắp cánh ước mơ vào ngành y cho các sinh viên đến từ Lào và Campuchia. Hành trình du học của các em tại Việt Nam gặp không ít khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, cộng với đặc thù kiến thức nặng, sâu và thời gian đào tạo kéo dài. Dù vậy, với những hoạt động, chính sách quan tâm, ưu ái của các trường và chủ trương chung của thành phố, các sinh viên vẫn vững bước trên hành trình trở thành những bác sĩ, nhân viên y tế của tình hữu nghị.

Lực lượng sinh viên Lào - Campuchia đông đảo tại ký túc xá sinh viên Lào (Q.3, TP.HCM) - ẢNH: P.T.
Lực lượng sinh viên Lào - Campuchia đông đảo tại ký túc xá sinh viên Lào (quận 3, TPHCM) - Ảnh: P.T.

Đang theo học năm thứ ba ngành y đa khoa của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nữ sinh viên Chandavong Moukdalin - 22 tuổi, đến từ thủ đô Viêng Chăn (Lào) - cho biết đã có bốn năm gắn bó với TPHCM. Em kể, ngay từ nhỏ đã nuôi mong muốn nối nghiệp mẹ làm bác sĩ và cơ duyên đến với cô bé khi được học bổng du học Việt Nam. Gia đình rất vui mừng, động viên em cố gắng nắm bắt cơ hội vì điều kiện học tập ở Việt Nam, đặc biệt là TPHCM rất tốt. Và quả thật, khi bước chân vào giảng đường, em choáng ngợp trước cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống phòng thí nghiệm sinh học, hóa sinh, thí nghiệm giải phẫu… đầy đủ để phục vụ sinh viên học tập. Bước vào năm thứ ba, Moukdalin được đi thực tập tại Bệnh viện Trưng Vương - một bệnh viện lớn của TP.HCM, nơi các em được thực hành và làm quen với các kỹ năng khám, chẩn đoán, theo dõi bệnh nhân như một nhân viên y tế thực thụ.

“Điều kiện học tập ở Việt Nam tốt hơn Lào rất nhiều, thầy cô giảng rất hay, tận tình chỉ dạy các kỹ năng chăm sóc bệnh nhân, làm hồ sơ bệnh án. Các bạn học thân thiện, luôn hỗ trợ em mỗi khi chưa hiểu bài hoặc có vướng mắc về ngôn ngữ. Khi đi thực tập ở bệnh viện, cũng có lúc bệnh nhân không hiểu được lời em nói và các bạn nhiệt tình phiên dịch giúp em” - Moukdalin chia sẻ. Em cũng cho biết thực sự rất vui vì có cơ hội học tập tại một trong những cơ sở đào tạo y khoa hàng đầu của Việt Nam, tất nhiên cùng với đó là đòi hỏi nghiêm ngặt về chương trình học. Nếu không có sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy cô, bạn bè, có lẽ em khó theo kịp vì sự khác biệt về ngôn ngữ. 

Một bác sĩ tương lai khác là Hen Samart (28 tuổi), đến từ tỉnh Prey Veng (Campuchia), đang học năm thứ ba ngành y đa khoa tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành. Ngay từ nhỏ, Samart luôn nghe mọi người khen ngợi về trình độ y tế ở Việt Nam, thường xuyên có người Campuchia sang Việt Nam khám chữa bệnh. Từ đó dần hình thành trong Samart mong muốn được sang Việt Nam học tập để trở thành bác sĩ giỏi. “Được học ở TP.HCM là cơ hội lớn của em vì trình độ y tế, giáo dục phát triển. Được giảng dạy bởi những chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, em tiếp thu được rất nhiều kiến thức hữu ích. Em mong sau khi hoàn thành chương trình học, có cơ hội tiếp tục ở lại Việt Nam học thêm chuyên khoa yêu thích, hoàn thiện kỹ năng để trở thành một bác sĩ giỏi trở về chữa bệnh cho người dân quê mình” - Samart nói.

“Ai cũng mong được du học Việt Nam”

Không chỉ chuyên ngành sức khỏe, lực lượng sinh viên Lào, Campuchia đông đảo tại TP.HCM đang được đào tạo đa dạng ngành nghề, từ luật, kinh tế, tài chính, quan hệ quốc tế, sư phạm, ngôn ngữ học, kỹ sư, du lịch, hàng không, tài chính công... Đặc biệt, cả các trường công an, quân đội của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng đã và đang đào tạo ra những lực lượng nòng cốt giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tổ quốc cho hai nước láng giềng. Tất cả sinh viên Lào, Campuchia sang học tại Việt Nam đều có một năm học tiếng Việt trước khi bước vào chương trình học. Do đó, phần lớn các em nghe nói tiếng Việt lưu loát.

Với khuôn mặt xinh xắn và phát âm tiếng Việt chuẩn, rất dễ nhầm tưởng Somchai Nammavongsa (đến từ tỉnh Savannakhet, Lào) là một cô gái Việt chính hiệu. Năm nay tròn 24 tuổi, Somchai đang học năm cuối tại Học viện Hàng không Việt Nam. Em đã có 5 năm ở TPHCM và trở nên quá thân thuộc với mảnh đất này. Trước đó, khi Nammavongsa đang theo học năm nhất ngành tiếng Anh của Trường đại học Savannakhet ở Lào thì được thông báo về chương trình học bổng tại Việt Nam. Với mong muốn có cơ hội học tập ở môi trường tốt hơn, em đã quyết tâm bỏ ngành đang học để bắt đầu lại từ đầu.

“Hầu như tất cả học sinh Lào đều mong có cơ hội học ở Việt Nam. Trong những năm học phổ thông, tụi em vẫn hay bảo nhau cố gắng học giỏi để nắm bắt các học bổng du học Việt Nam. Ở Lào, bằng đại học của Việt Nam rất có giá, sinh viên có cơ hội việc làm tốt hơn, được ưu ái tuyển dụng hơn rất nhiều” - Nammavongsa nhận xét. Theo em, điều yêu thích nhất ở TPHCM không chỉ là điều kiện học tập tốt mà con người rất thân thiện, hầu như đi đến đâu, em cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình. Còn nhớ ngày đầu khi vừa bước chân vào ký túc xá, điều ấn tượng với em là tất cả dụng cụ sinh hoạt cá nhân, từ những thứ nhỏ nhặt nhất đều đã được nhà trường chuẩn bị sẵn cho từng sinh viên. Điều này khiến những du học sinh lần đầu xa nhà đặt chân đến một đất nước xa lạ cảm thấy vô cùng ấm áp.

Đến từ Hủa-phăn - một tỉnh miền núi Đông Bắc Lào, Bounleuth Bouavanheuang (25 tuổi) đang là sinh viên năm thứ ba Khoa Xây dựng Trường đại học Văn Lang. Kể về quê hương của mình, em cho biết đó là nơi có nhiều hang động, địa danh gắn với lịch sử giữ nước của nhân dân Lào. Do bị tàn phá bởi chiến tranh, Hủa-phăn là một trong những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của Lào. Bởi vậy, dù sinh ra trong gia đình làm nông nghèo nhưng cậu bé Bouavanheuang vẫn nỗ lực học giỏi để lấy học bổng sang Việt Nam, với mơ ước rất đơn thuần là trở thành kỹ sư xây dựng giỏi, trở về tự tay xây nên những công trình trên mảnh đất quê hương. 

Khoảng 1.000 sinh viên Lào, Campuchia đang theo học tại TPHCM

Theo Thành đoàn TPHCM, hiện có khoảng 1.000 sinh viên Lào và Campuchia theo học tại các trường đại học trên toàn thành phố. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý khoảng 411 lưu học sinh Lào và Campuchia theo diện học bổng TPHCM. Đây là những em được hỗ trợ học phí đào tạo, chi sinh hoạt phí hằng tháng, chỗ ở, bảo hiểm y tế và trợ cấp một xe đạp/lưu học 
sinh/khóa.

Một số trường có lực lượng sinh viên Lào và Campuchia đông đảo, như Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có 80 sinh viên Lào và 32 sinh viên Campuchia, chủ yếu học ngành y đa khoa (90%), còn lại học các ngành dược, răng hàm mặt, kỹ thuật xét nghiệm y học, y tế công cộng. 

Trường đại học Nguyễn Tất Thành bắt đầu đào tạo sinh viên Lào, Campuchia từ năm 2015, đến nay đã tiếp nhận đào tạo hơn 200 sinh viên bậc đại học, thạc sĩ. Mỗi năm, trường trao tặng 20 suất học bổng toàn phần cho sinh viên Lào và Campuchia. 

Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cũng có 32 sinh viên Lào (từ khóa 2018 đến nay) học các ngành quan hệ quốc tế, kinh doanh quốc tế, luật quốc tế, luật, quản trị dịch vụ, lữ hành...

Hai thế hệ gắn bó với Việt Nam

Chandavong Moukdalin - nữ sinh viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - kể gia đình em rất có duyên với Việt Nam. Cách đây hơn 30 năm, cha của em là Chandavong Malaiphet (sinh năm 1969) cũng từng sang Việt Nam học về thiết kế. Sau khi trở về, cha em luôn dành tình cảm cho mảnh đất Việt Nam và thỉnh thoảng vẫn đưa cả nhà sang đây du lịch. Moukdalin kể cha thường khen người Việt cần cù, chịu khó. Bởi vậy, sau khi thành lập một công ty chuyên về thiết kế và xây dựng ở Lào, cha em luôn ưu tiên tuyển dụng người Việt Nam.

Minh Linh

Bài cuối: Gắn bó với nơi này như quê hương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI