Gia đình thứ hai của du học sinh Lào và Campuchia

23/05/2022 - 05:55

PNO - Ngày 20/5, tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam, Hội LHPN TPHCM phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TPHCM tổ chức chương trình đồng hành “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM.

Trước đó, chương trình đã tạo điều kiện để các du học sinh Lào và Campuchia có được môi trường sống và học tập trải nghiệm trong các gia đình Việt.

“Đây là mẹ của em!”

Thienleungsavang Đaothịp - học viên cao học ngành quản trị kinh doanh, Trường đại học Văn Lang - vén tà áo dài màu tím và tươi cười với chúng tôi: “Thấy em giống cô gái Huế không mọi người?”. Đaothịp mặc chiếc áo dài tím - chiếc áo dài đầu tiên bạn có, do các cán bộ Hội LHPN Q.6 tặng. Đaothịp đã kết hợp áo dài sắc tím ấy với nón bài thơ khi đến thăm Bảo tàng Áo dài Việt Nam.

Bà Lê Thị Minh Huệ chăm chút trang phục cho “con gái” Soulita - một sinh viên Lào
Bà Lê Thị Minh Huệ chăm chút trang phục cho “con gái” Soulita - một sinh viên Lào

Đaothịp nói tiếng Việt khá rành vì đã có hai năm học tập tại TP.HCM, và đặc biệt là gần đây, bạn chuyển về sống chung với một gia đình người Việt. Kéo tay người phụ nữ đi cùng đến gần mình, Đaothịp chậm rãi giới thiệu: “Đây là mẹ của em. Bố mẹ thương em lắm, chăm sóc sức khỏe, ăn uống đầy đủ. Ở nhà thoải mái hơn vì có phòng riêng, việc học cũng hiệu quả hơn ở ký túc xá”. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (thứ tư và thứ năm từ trái sang) trao tặng những chiếc áo dài đã mặc trong những năm tháng công tác
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (thứ tư và thứ năm từ trái sang) trao tặng những chiếc áo dài đã mặc trong những năm tháng công tác

Nghe “con gái” nói về mình, bà Đỗ Liên Ngọc Lý (P.2, Q.6) cười trìu mến: “Đi học về lúc nào cũng đòi làm việc nhà, nấu cơm nấu nước, nhưng ít khi tôi cho. Nhiệm vụ của các con là lo học trước đã, vì các con sang đây là để học mà”. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tặng Hội LHPN TP.HCM hơn 100 bộ áo dài 

Tham dự chương trình đồng hành “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM” tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã trao tặng cho bảo tàng chiếc áo dài mà bà đã mặc khi nhậm chức Phó Chủ tịch nước và chiếc áo dài đã theo bà suốt bao năm công tác.

Với bà, đó là chiếc áo dài rất quý, không chỉ bằng chất liệu nhung, thêu đính tỉ mỉ, mà đó còn là chiếc áo dài bà đã mặc để thực hiện những nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Cùng với chiếc áo dài trao tặng cho bảo tàng, nguyên Phó Chủ tịch nước còn tặng Hội LHPN TP.HCM hơn 100 bộ áo dài đã từng mặc với mong muốn đóng góp để gìn giữ truyền thống Việt Nam. “Tôi mong muốn Hội sẽ tặng lại những chiếc áo dài này cho chị em hội viên phụ nữ, những người đạt thành tích trong công tác để khích lệ chị em, coi như đó là một kỷ niệm, đồng thời cũng là một sự nhắc nhớ đến vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp của Đảng, đất nước và của giới” - bà nhắn gởi.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM - cũng gửi tặng chiếc áo dài đã gắn bó với mình rất nhiều năm trên cương vị là đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội và là chiếc áo dài được chọn mặc đi thăm hai nước bạn Lào và Campuchia trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch HĐND thành phố. “Với tôi, chiếc áo dài không chỉ là trang phục mà còn gợi lên bóng hình đất nước, là động lực để tôi phấn đấu làm tốt hơn những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bộc bạch.


 


 

Đaothịp là một trong hai sinh viên Lào mà bà Lý nhận nuôi trong năm nay. Trước đó, bà đã có sáu năm tham gia chương trình “Tàu thanh niên Đông Nam Á”, nhận nuôi tám bạn sinh viên Đông Nam Á, trong đó có năm sinh viên Lào. Bà cho biết, lý do bà tình nguyện nhận nuôi các bạn là vì nhà bà làm homestay và bà có hai đứa con gái cũng trong độ tuổi sinh viên. “Khi con tôi đi xa, làm mẹ, tôi lo sợ đủ điều. Bởi thế, khi các con rời quê hương sang đây học tập, tôi muốn các con cũng có ba có mẹ, có cảm giác gia đình” - bà Lý nói. Có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ sinh viên nước ngoài, bà Lý biết rõ các bạn thiếu gì và cần gì. Những việc bà cố gắng làm khi Đaothịp về ở nhà bà là đặt ra nhiều tình huống để giúp con nói tiếng Việt nhiều hơn, cắt nghĩa những từ khó và nói cho con biết thêm về phong tục của người Việt từ những tình huống nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày.

Cũng xem cô sinh viên Lào mà mình nhận nuôi như con, trong suốt chuyến đi, bà Lê Thị Minh Huệ (P.14, Q.10) và Lassamee Soulita quấn quýt nhau không rời. Thỉnh thoảng, bà Huệ quay sang vuốt mái tóc dài của Soulita, còn Soulita thì ôm lấy tay và tựa vào người bà. “Em không ngờ mình có một gia đình thứ hai tại Việt Nam đầy yêu thương như vậy. Lâu nay em không còn nhớ nhà nhiều như trước nữa” - Soulita nói.

Sở dĩ như vậy vì ngoài giờ học, Soulita có rất nhiều hoạt động để tham gia khi ở cùng với gia đình mẹ nuôi. Những ngày cuối tuần, bà Huệ sẽ nấu món Việt hoặc Soulita sẽ nấu món Lào cho cả gia đình thưởng thức. Soulita cho biết, ở Việt Nam không có loại cá đặc trưng cho món xốt cay truyền thống của Lào, do đó bạn thường dùng cá diêu hồng thay thế, tuy nhiên vẫn cảm thấy vui vì giới thiệu được món ăn truyền thống của quê hương cho gia đình mẹ nuôi. 

Bà Huệ cho biết, để Soulita biết được nhiều hơn về đặc trưng văn hóa Việt Nam, bà đã giữ nguyên lối sinh hoạt thường ngày của gia đình, không cố gắng kiểu cách như những khi có khách. Bà cũng sẵn sàng khi Soulita chủ động phụ mẹ nấu ăn, nhờ đó mà Soulita thích ứng rất nhanh với cuộc sống tại Việt Nam. Đến nay, bạn cảm thấy ngon miệng hơn với những món ăn Việt Nam và biết tự mình chế biến nhiều món.

Trải nghiệm văn hóa Việt trong yêu thương

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho biết thực hiện đề án “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025” của thành phố, trong thời gian qua, Hội LHPN đã cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội TP.HCM triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là trong công tác tổ chức đào tạo, quản lý và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên Lào, Campuchia. Từ năm 2004 đến nay, đã có hơn 700 sinh viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh Lào và Campuchia tốt nghiệp tại TP.HCM, trở về nước phục vụ quê hương.

Sinh viên Lào và Campuchia đang giới thiệu văn hóa truyền thống của đất nước mình
Sinh viên Lào và Campuchia đang giới thiệu văn hóa truyền thống của đất nước mình

Riêng năm 2022 đã có 51 sinh viên Lào và Campuchia được các gia đình Việt tại 17 quận huyện và TP.Thủ Đức nhận hỗ trợ. Các em sinh sống như người thân cùng các gia đình. “Với sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của các thành viên trong gia đình Việt, các sinh viên Lào và Campuchia được trải nghiệm đời sống sinh hoạt hằng ngày trong gia đình Việt Nam; được học tiếng Việt thông qua giao tiếp và cùng các gia đình Việt đi thăm các di tích lịch sử, tham gia các hoạt động tại địa phương… Nhờ đó, các em đã yên tâm học tập với tinh thần lạc quan, hiểu biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống, đất nước, con người Việt Nam” - bà Phượng Trân nói.

Với ý nghĩa thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam, Lào và Campuchia, đồng thời muốn truyền bá hình ảnh chiếc áo dài với bạn bè quốc tế như một nét đẹp văn hóa truyền thống đất nước Việt Nam, Hội LHPN Q.6 đã trao tặng các bạn sinh viên Lào - Campuchia 30 chiếc áo dài. 

Thu Lê

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI