Rong chơi Sài Gòn: Đi tìm em sư tử "ngủ chổng vó" năm ấy

13/09/2020 - 07:00

PNO - Khoảnh khắc nhìn thấy con sư tử ngủ chổng vó như... chó nhà, chúng tôi đã ôm bụng cười bò. Nhiều năm sau, vẫn còn nhớ "chú ấy" mãi.

Buổi sáng năm ấy, sau khi đã vòng quanh nhìn ngắm hươu cao cổ, ngựa vằn, đà điểu, linh dương, tê giác..., chúng tôi la cà sang các chuồng thú khác. Hết khu vực hươu nai đến chỗ voi, khỉ, qua khu nuôi hổ rồi ghé thăm chuồng sư tử.

Cái chuồng có vẻ yên tĩnh, tôi cố nhìn cho được "chúa sơn lâm". Nhưng rồi một phát hiện khiến tôi ôm bụng cười bò: chàng sư tử đang ngủ... chổng vó như chó nhà. Bốn chân giơ lên, cái bụng ễnh ra, chỉ khác cái bờm xồm xoàm. Bạn tôi nhanh chóng chụp lại ngay tư thế buồn cười của chàng. Nhiều năm sau, mỗi lần nhắc đến Thảo Cầm Viên, tôi đều nhớ đến kỷ niệm ấy.

Đây, dáng ngủ của chúa sơn lâm
Dáng ngủ của chúa sơn lâm năm ấy

Và cũng vì "dáng ngủ chổng vó" năm nào của sư tử mà lần trở lại này tôi đã chú tâm đi tìm ngay chuồng sư tử. Bảng hướng dẫn lối đi về chuồng sư tử có ghi: "Sư tử con được sinh năm 2006 có tên là Misa. Hiện nay Misa đã lớn tuổi so với tuổi thọ trung bình trong tự nhiên".

Còn trong cuốn sách Chuyện lạ Thảo Cầm Viên (Nhà xuất bản Kim Đồng), TS Phan Việt Lâm - Cựu Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn viết: "Ở khu chuồng Thảo Cầm Viên, dưới gốc cây xà cừ cổ thụ, có một con sư tử đực già tên Nô, sống cùng với sư tử cái và lũ con. Tên chính xác là Mi-Nô, do người làm chuồng đặt từ nhỏ. Con sư tử đực già này vốn là con đực duy nhất của đàn nên có nhiệm vụ canh chừng, bảo vệ bầy đàn. Nó thường nằm ở vị trí giữa sân, trên cái sạp được ghép bằng các đoạn cừ tràm với nhau...". 

Lần ghé thăm mới đây, tôi thấy trong chuồng có hai chú sư tử - cũng đang nằm ngủ. Nhưng đứng tần ngần, tôi không biết đó có phải chính là chú sư tử ngủ chổng vó năm nào đó không. Hay cả hai đều là con non trưởng thành sau này. Có hai chuồng kế cận nhưng nhìn vào bên trong không thấy có sư tử. Không rõ là chúng đang trốn ngủ đâu đó trong chuồng kín phía trong, hay là...

Có lẽ nuôi nhốt lâu ngày chúng đã quên mất bản năng của chúa tế rừng xanh rồi?
Có lẽ nuôi nhốt lâu ngày chúng đã quên mất bản năng của "chúa tể rừng xanh" rồi?

Trong Chuyện lạ Thảo Cầm Viên, cựu giám đốc Phan Việt Lâm có kể về những cuộc rời đi của những con thú đã quá già. Lúc đi ngang chuồng cọp Đông Dương, thấy cổng chuồng đã mở và có ghi chú đây là "chuồng mô hình". Cứ thấy lòng mình lặng đi một đỗi. Chuồng trống, có nghĩa là chủ nhân trong chuồng cũng đã qua đời. Sự thật đúng là hai chú hổ Đông Dương (tên Long và Pho) đều đã không còn nữa. 

Có những sự thật tôi không muốn tìm cho đến cùng. Trong nhiều trường hợp vẫn muốn tin theo "niềm tin nội tâm" của chính mình. Về nhà gửi ảnh cho bạn xem, tôi vẫn tin rằng hình ảnh mình vừa chụp được ở chuồng sư tử hôm nay chính là "em sư tử ngủ chổng vó năm ấy". Chỉ có điều, em nay đã già hơn mà thôi.

Chú hổ này cứ đi qua đi lại nhìn khách tham quan
Còn chú hổ này cứ đi qua đi lại nhìn khách tham quan
Tê giác thì lặng lẽ ăn lá
Tê giác thì lặng lẽ ăn lá
Đà Điểu: Nhìn gì mà nhìn!
Cặp đôi đà điểu
Bầy nai nghỉ ngơi thong thả
Bầy nai nghỉ ngơi thong thả

Thảo Cầm Viên là không gian quen thuộc với người Sài Gòn và đặc biệt là nơi thu hút các em thiếu nhi. Tôi đến vào những dịp cuối tuần, nơi này lúc nào cũng rộn ràng, xinh yêu với tiếng trẻ con véo von réo rắt. Đợt COVID-19 vừa rồi, Thảo Cầm Viên vắng khách đến nỗi phải "kêu cứu" cộng đồng. 

Bình thường, vé vào cổng được in ấn đàng hoàng, giờ thay bằng hóa đơn ghi số lượng khách. Giá vé 50.000đ/người, thay vì hẹn nhau ở quán cafe thì thôi chúng ta rủ nhau ra tản bộ ở Thảo Cầm Viên đi, vừa hít thở không khí trong lành vừa được nhìn ngắm muôn loài. Và đặc biệt là đóng góp nhỏ cho "bầy thú có thức ăn".

Lần trở lại này, tôi đã dừng lại bên những con vật lâu hơn, nhìn ngắm chúng một cách chậm rãi. Bọn đà điểu cứ đứng trong chuồng nhìn khách qua hàng rào. Đám ngựa vằn thì vừa châu đầu uống nước (hay ăn sáng) vừa... ve vẩy đuôi khi ai đó mở bài hát Trách ai vô tình. Nhìn buồn cười không chịu được. Hai em hươu cao cổ khoan thai ăn lá. Nhìn những cái miệng nhai lá cây hiền lành thấy mà thương. 

Cảm giác nhìn hươu cao cổ ăn lá thật trong trẻo
Cảm giác nhìn hươu cao cổ ăn lá thật trong trẻo

Mỗi lần đến Thảo Cầm Viên, tôi thường không nghĩ mình đang đi "khám phá" gì mà chỉ đơn giản là trở lại để thăm những "người bạn". Những người bạn đến từ rừng xanh nhưng cả cuộc đời sống trong "sở thú". Âu đó cũng là số mệnh của chúng vậy. Bao nhiêu đứa trẻ của đô thị đã được đến nhìn ngắm, được biết thế nào là lạc đà, linh cẩu, tê giác, cá sấu, chim công, chim trĩ, hồng hạc, đà điểu...

Nai: Chị nhìn gì em?

Tan chảy với ánh mắt ấy
Những đôi mắt nai ngơ ngác

Đi Thảo Cầm Viên và về đọc cuốn sách của người từng gắn bó cả đời mình với công việc chăm sóc động vật hoang dã - TS Phan Việt Lâm, mới thấy mỗi con vật đều có cho riêng nó một câu chuyện. Buồn cười có, ấm áp có, cả xúc động lẫn yêu thương sâu sắc. Có những con vật đã đến với Thảo Cầm Viên từ khi còn nhỏ, được "nuôi bộ" (bú sữa bình), lớn lên rồi già đi ở nơi này...

Đêm trở về từ vườn thú, nhắm mắt lại cứ thấy những đôi mắt nai hiền lành ngẩn nhìn khiến lòng mình tan chảy. Nhớ cả dáng bọn đà điểu rượt nhau, rồi đàn khỉ con chí chóe chuyền cành. Trong giấc mơ đã thấy những sư tử, hổ, gấu... vươn mình chạy về với rừng xanh miên viễn...

Một số hình ảnh từ Thảo Cầm Viên: 

Linh dương đang đùa giỡn
Linh dương đang đùa giỡn
Ngựa vằn vừa uống nước vừa ve vẩy cái đuôi theo nhạc
Ngựa vằn vừa uống nước vừa ve vẩy cái đuôi theo nhạc
Các em nhỏ thích thú khi bạn hươu cao cổ đến gần
Các em nhỏ thích thú khi bạn hươu cao cổ đến gần
Biểu cảm âu yếm của hai em hươu cao cổ
Biểu cảm "âu yếm" của hai em hươu cao cổ
Thân thiện
Thân thiện
Cà rốt và lá cây được cắt sẵn, 5.000đ/phần để khách mua cho hươu ăn
Cà rốt và lá cây được cắt sẵn, 5.000đ/phần để khách mua cho hươu ăn
Vườn nai luôn đông khách
Vườn nai luôn đông khách
Buổi sáng bình yên của tê giác
Buổi sáng bình yên của tê giác

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI