Ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em đầu tiên tại TPHCM

24/03/2023 - 14:24

PNO - Ngày 24/3, “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM” đã chính thức ra mắt tại Bệnh viện Hùng Vương.

 

Việc xây dựng và thực hiện mô hình này nó góp phần xây dựng chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2025. Vì trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cũng như chương trình ứng phó và phòng ngừa bạo lực trên cơ sỡ giới đều đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu nhằm tăng sự tiếp cận các dịch vụ và tăng sự tiếp cận của người dân nói chung và người bị bạo lực trên cơ sở giới đối với các nơi cung cấp dịch vụ tôi đánh giá rất cao. Tôi hy vọng trong thời gian tới, TPHCM nói riêng và các địa phương khác sẽ có các mô hình, những dịch vụ để cung cấp, hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới nói chung và cho phụ nữ và trẻ em gái nói riêng
Ông Lê Khánh Lương - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng việc xây dựng và thực hiện mô hình này sẽ góp phần xây dựng chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 

Đây là mô hình đầu tiên thí điểm tại TPHCM theo Quyết định số 4275/QĐ-UBND ngày 7/12/2022 của UBND TPHCM, được thực hiện dựa trên sự phối hợp của Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội LHPN TPHCM, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em TPHCM, Bệnh viện Hùng Vương, Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và sự đồng hành của Tổ chức PE&D tại Việt Nam.

Mô hình một cửa sẽ thực hiện chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục đặt tại bệnh viện Hùng Vương. Sau khi khám, sàng lọc, tư vấn cho bệnh nhân, nhân viên Công tác xã hội của bệnh viện sẽ cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ hỗ trợ tại mô hình một cửa để người bị bạo lực tự lựa chọn phương án trợ giúp do mô hình cung cấp.

Căn cứ nhu cầu của người bị bạo lực, Bệnh viện Hùng Vương sẽ liên hệ, phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố (địa chỉ tại số 14 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp) - đầu ra của mô hình để triển khai, cung cấp và chuyển gởi các dịch vụ chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu. Người bị bạo lực, xâm hại tình dục cần được trợ giúp có thể liên hệ đường dây nóng của mô hình là 1900 54 55 59 hoặc đến trực tiếp phòng Một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực và xâm hại tại bệnh viện Hùng Vương.

Đại diện các đơn vị thực hiện mô hình và các bên liên quan cùng bấm nút khởi động mô hình
Đại diện các đơn vị thực hiện mô hình và các bên liên quan cùng bấm nút khởi động mô hình

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết: “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM khi vận hành sẽ rà soát khoảng trống về chính sách, quy định riêng của các ngành tiến tới thống nhất về nguyên tắc, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ một đầu mối cho nạn nhân.

Mô hình một cửa là điểm đến an toàn, là nơi can thiệp, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu khép kín và phù hợp cho từng nạn nhân ngay từ đầu vào tại Bệnh viện Hùng Vương và đầu ra tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố. Mô hình sẽ tuân thủ nguyên tắc công khai nơi tiếp nhận, bí mật thông tin, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực và người gây bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”.

Là đơn vị phối hợp, bà Tô Thị Kim Hoa - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM - cho biết đơn vị sẽ tư vấn và hỗ trợ về pháp lý để những vụ bạo hành trẻ em được đưa ra xét xử một cách nghiêm túc. Riêng những trường hợp phụ nữ bị bạo hành có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ được điều trị, chăm sóc sức khỏe, tinh thần.

Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women - nhận định, việc ra mắt mô hình là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của các bên liên quan tại TPHCM trong thời gian vừa qua, hướng đến việc cung cấp dịch vụ thiết yếu đa ngành có sự điều phối nhịp nhàng dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của họ.

“UN Women cam kết tiếp tục đồng hành với TPHCM trong thời gian tới để thực hiện thí điểm thành công mô hình. Chúng tôi kỳ vọng mô hình một cửa tại TPHCM này sẽ làm cơ sở để nhân rộng các mô hình trên toàn quốc” - bà Elisa nói.

Các đại biểu tham dự cùng tham quan phòng một cửa tại bệnh viện Hùng Vương
Các đại biểu tham dự cùng tham quan phòng một cửa tại bệnh viện Hùng Vương

Kinh phí hoạt động của “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM” sẽ do ngân sách TPHCM đảm bảo và được tổng hợp trong dự toán hằng năm của Sở Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thời gian thực hiện thí điểm mô hình sẽ kéo dài đến năm 2026.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI