Quyết định 588-TTg có bỏ sót đối tượng phụ nữ?

08/05/2020 - 08:50

PNO - QĐ588 vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua khiến cho nhiều chị em, đặc biệt là những người độc thân băn khoăn, đặc biệt là những người độc thân theo độ tuổi mà Quyết định này đề cập.

Khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi. Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Trên đây là một nội dung trong Quyết định 588-TTg (QĐ588), về phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 28/4/2020, gây băn khoăn cho nhiều chị em, đặc biệt là những người độc thân, còn độc thân theo độ tuổi mà QĐ588 đề cập.

những phụ nữ “không chồng mà có con” (tạm gọi là có con thụ động), thậm chí họ có hai con trước 35 tuổi, thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của QĐ588 hay không?
Những phụ nữ đơn thân sinh con, thậm chí họ có hai con trước 35 tuổi, thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của QĐ588 hay không? - Ảnh minh họa

Lo dân số già, thiếu hụt lực lượng lao động?

Tại điểm 1, mục I, Điều 1 của QĐ588 (Mục tiêu chung) có nói: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước”.

Cụ thể, QĐ588 nêu rõ: Một, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,0 con). Hai, giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con). Ba, duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 đến 2,2 con).

Như vậy, xét mục đích và các mục tiêu cụ thể của QĐ588 là nhằm ổn định chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã có từ mấy chục năm qua tại Việt Nam: mỗi gia đình sinh đúng, sinh đủ hai con. Song thực tế, vấn đề nhạy cảm này còn tùy thuộc vào suy nghĩ, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình, nhất là các gia đình trẻ. 

Số liệu mới nhất từ Liên hiệp quốc (LHQ), được công bố trên website: https://danso.org/vietnam/ cho biết, dân số Việt Nam tính đến ngày 7/5/2020 là 97.167.446 người, với độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi. Trong khi đó, số liệu được công bố ngày 19/12/2019 của Tổng cục Thống kê cho hay: với tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập niên qua.

Nói cách khác, Việt Nam đang ở vào thời kỳ “dân số vàng”, cứ một người phụ thuộc có hai người đi làm. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu dân số trong vòng một thập niên trở lại đây thì Việt Nam được Quỹ Dân số LHQ đánh giá là quốc gia có “tốc độ già hóa dân số nhanh nhất”: từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh - Ảnh minh họa
Liên hiệp quốc đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất - Ảnh minh họa

Phải chăng, chính vì yếu tố dân số đang già hóa nhanh; ở nhiều trường hợp gia đình sinh dưới hai con; tỷ lệ độc thân, còn độc thân ngoài 30 tuổi còn phổ biến dù chưa có bất kỳ con số thống kê chính xác nào; thách thức nguồn nhân lực trong tương lai trung hạn… là những nhân tố cơ bản dẫn đến sự ra đời của QĐ588 này? Câu hỏi cũng là câu trả lời.

Tăng trách nhiệm đóng góp xã hội và cộng đồng: QĐ588 có vi hiến, vi luật?

Như đã nói ở phần đầu bài, QĐ588 khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn, sớm sinh con và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi. Xin không đi sâu vào chi tiết này vốn cũng từng được các nhà chuyên môn biện giải.

Cái lợi của những cặp vợ chồng “được” ở đây đã thấy rõ. Ở mục b, khoản 3, chương II, Điều 1 của QĐ588 đã dành đến 4 “hỗ trợ” với những liệt kê mà bất kỳ công dân hay cặp vợ chồng nào nghe qua, đều phải phát thèm trong thời buổi kinh tế, cuộc sống, sinh hoạt còn đang gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử vài “ưu đãi” như: hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình: phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn. Hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ hai con: tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình. Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em.

Tuy nhiên, một nội dung nhỏ trong “gói hỗ trợ” thứ 4, lại làm “chạnh lòng” và đụng chạm cho những trường hợp “bị”. Đó là: “từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn” (hết trích).

Không quá đáng khi nói rằng, những trường hợp “bị” (không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn) và bị “chế tài” (tăng trách nhiệm đóng góp cộng đồng, xã hội) ở trên, đã làm đụng chạm đến bộ phận nhạy cảm nhất trong xã hội: những phụ nữ không/chưa muốn/thích lập gia đình hay lập gia đình muộn.

Tại sao đặt vấn đề đối với phụ nữ mà không phải là đàn ông, hay cả hai? Thì là cả hai, nhưng ở một khía cạnh nhất định về mặt tâm lý - xã hội, tình cảm gia đình, xúc cảm nội tâm… thì các đối tượng là phụ nữ “lỡ thời” luôn chịu/bị thiệt thòi nhiều hơn: ánh mắt, thái độ của xã hội đối với họ; thái độ và xúc cảm của họ đối với phần còn lại của xã hội; họ, hoặc sẽ rất khác, rất bản lĩnh, rất tự tin với quyết định/lựa chọn của mình, hoặc đánh mất đi niềm tin nào đó (?) đối với phần còn lại của xã hội, hoặc có thể chưa tìm được đức lang quân phù hợp cho mình, và khi đã “lỡ thời” thì họ sống chấp nhận và “tự lập”.

Dù có liệt kê bất kỳ một yếu tố “hoặc” nào đi nữa, việc “một cá nhân không muốn kết hôn, hoặc kết hôn quá muộn” mặc nhiên là quyền nhân thân hiến định của họ, không thể vì thế mà họ “bị chế tài” dù không nói rõ nội dung những chế tài có thể gồm những gì. 

Kết hôn hay sống độc thân là lựa chọn thuộc đời sống tình cảm, thậm chí như một mặc định số phận, nằm ngoài mọi lựa chọn, quyết định của một con người
Kết hôn hay sống độc thân là lựa chọn thuộc đời sống tình cảm, thậm chí như một mặc định số phận, nằm ngoài mọi lựa chọn, quyết định của một con người - Ảnh minh họa

Điều 26 Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ:
“1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự”.

Nói gì thì nói, những phụ nữ “chọn” đời sống độc thân thường có đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Những ví dụ về nhóm “độc thân đóng góp” tưởng cũng không cần phải nhắc ra trong phạm vi bài viết này, vì nhiều vô kể. Và họ làm điều ấy vì là quyền hiến định, được Hiến pháp bảo hộ. Luật cũng quy định như thế và bảo vệ họ. Nếu chế tài bằng cách tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với nhóm này, liệu có đi ngược lại Hiến pháp?

Hoặc giả thiết rằng, nhiều phụ nữ “yếu bóng vía” vì QĐ588 đã vội vàng nhắm mắt đưa chân, lấy đại một người đàn ông nào đó. Điều này nghe có vẻ dí dỏm, cắc cớ nhưng không phải là không thể xảy ra. Hôn nhân trong trường hợp này có còn tự nguyện? Thậm chí cả hai người phối ngẫu trong “cuộc tình bất đắc dĩ” này chưa hay chả hề yêu nhau? Đó là nói cho hết, cho ra được cái ý mà nhóm “bị” buộc phải gánh chịu, vì “cái tội hổng chịu có chồng” mà thôi!

Phụ nữ đơn thân có con, đối tượng có “bị bỏ rơi”?

Đây là nhóm đối tượng hết sức đặc biệt trong xã hội, một vấn đề hao tốn nhiều bút mực nhất, ý kiến trái chiều/đa chiều nhất trong lĩnh vực hôn nhân gia đình. Người ta còn chưa có một tên gọi chuẩn xác cho nó là gì: gia đình thì thiếu thành viên, hôn nhân thì có vẻ không ổn. Nó chỉ có duy nhất một lý do mà nghe qua, bất kỳ ai cũng cảm thấy ổn: phụ nữ có quyền làm mẹ!

Xin đi thẳng vào vấn đề. Vậy, những phụ nữ “không chồng mà có con” (tạm gọi là có con thụ động), thậm chí họ có hai con trước 35 tuổi, thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của QĐ588 hay không? Hay họ vẫn thuộc nhóm “bị”? Rồi nữa, những phụ nữ chọn có con đơn thân (ví dụ: thụ tinh trong ống nghiệm, hay lý do tế nhị khác…), cũng “thỏa mãn” những điều kiện như trên, họ thuộc nhóm “được” hay nhóm “bị”?

Trước đây, tại Việt Nam, phụ nữ đơn thân có con (nói nôm na là “có con ngoài giá thú”) là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Xã hội khó chấp nhận, gia đình và dòng họ không dễ gì chấp nhận. Những năm gần đây, độ chừng một thập niên trở lại, việc phụ nữ đơn thân có con không còn được xem là một vấn đề lớn lao nữa, đặc biệt là ở khu vực thành thị và đối với những phụ nữ thành đạt, mạnh mẽ. Họ thích vậy, muốn vậy và họ cũng ý thức được “quyền làm mẹ” của mình. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quyền làm mẹ đó có được pháp luật bảo hộ không? Xin trả lời là “có”. Khoản 4, Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nêu: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình”.

Khoản 2, Điều 93 của luật này còn quy định: “Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra (kể cả trường hợp người phụ nữ đó không có noãn, hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai, phải xin phôi, họ vẫn được xác định là mẹ của con được sinh ra)”.

Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về “sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”, cũng đã hướng dẫn rõ. Điều 4 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 cũng quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”.

Kể cả Luật Bảo hiểm xã hội 2006 cũng quy định, bà mẹ đơn thân cũng được hưởng chế độ thai sản như trường hợp mang thai thông thường.

Liệt kê ra để thấy rằng, phụ nữ đơn thân có con, phụ nữ không muốn/không chịu có chồng nhưng muốn làm mẹ và có con, là quyền được pháp luật bảo hộ. Mọi chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình đều không thể ở về phía đối ngược với quyền hiến định, luật định của công dân, của người phụ nữ.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vốn thuộc loại văn bản quy phạm pháp luật, nhưng là một dạng văn bản hành chính được ban hành để quy định các vấn đề như biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Những trường hợp cá nhân/phụ nữ chọn sống độc thân, những trường hợp phụ nữ đơn thân làm mẹ, những trường hợp phụ nữ đơn thân có con thậm chí thỏa mãn các điều kiện của QĐ588, không biết có thuộc phạm vi điều chỉnh của QĐ588 không, dù họ vẫn được pháp luật bảo hộ? Hay là, QĐ588 còn đang bỏ ngỏ họ? 

Xuân Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI