Quyền lực của người tiêu dùng

12/04/2021 - 08:12

PNO - Làn sóng kêu gọi tẩy chay H&M đang bùng lên trên các cộng đồng mạng khi có thông tin thương hiệu thời trang này chấp thuận chỉnh sửa bản đồ có “đường lưỡi bò” theo yêu cầu của Trung Quốc cho thấy: quyền lực của người tiêu dùng là điều mà các thương hiệu cần hết sức tôn trọng.

Đến nay, khi sử dụng công cụ định vị cửa hàng trên website của H&M tại Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy, bản đồ hiển thị trên trang web của hãng này không có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. Chúng tôi cũng đã liên hệ với đại diện H&M tại Việt Nam để xác minh thông tin này, nhưng sau nhiều ngày, hãng thời trang này vẫn chưa hồi đáp. Dù vậy, trên fanpage của H&M, dưới các hình ảnh sản phẩm mới mà hãng tiếp thị, đang tràn ngập các lời bình luận (comment) phản đối hãng, kèm theo các lời kêu gọi tẩy chay từ người tiêu dùng (NTD) Việt Nam.

Thông báo của sàn thương mại điện tử fado.vn về việc ngưng hợp tác với H&M
Thông báo của sàn thương mại điện tử fado.vn về việc ngưng hợp tác với H&M


Không chỉ có NTD, sàn thương mại điện tử fado.vn cũng nhanh chóng tuyên bố ngừng kinh doanh sản phẩm của H&M dù sản phẩm của hãng này nằm trong top 10 thương hiệu thời trang được đặt mua nhiều nhất trên Fado. 

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, trước đây NTD đã từng tẩy chay sản phẩm của một công ty sản xuất gia vị khi nhà máy của họ lén lút xả thải gây ô nhiễm môi trường, hoặc tẩy chay các hãng có sản phẩm kém chất lượng. Vấn đề của H&M lớn hơn, liên quan đến chủ quyền quốc gia, lòng tự tôn dân tộc. “Nguyên tắc cơ bản của thị trường là thương hiệu của doanh nghiệp do chính NTD quyết định. Khi doanh nghiệp đi ngược lại quyền lợi, nguyện vọng, cảm xúc của NTD, họ có thể bị tẩy chay” - ông Quang phân tích. 

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TPHCM - cũng cho rằng, để có thể kinh doanh thành công ở một thị trường, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tôn trọng pháp luật, đặt lợi ích của NTD lên cao nhất. Việc NTD tẩy chay sản phẩm của một doanh nghiệp nào đó là chẳng đặng đừng nhưng lại là biện pháp hiệu quả để doanh nghiệp phải tự điều chỉnh cho phù hợp mong muốn của NTD. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - NTD có tám quyền cơ bản: quyền được bảo đảm an toàn, sức khỏe; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; quyền có ý kiến đối với hàng hóa, dịch vụ; quyền tham gia thực thi chính sách; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền khiếu nại, khởi kiện; quyền được tư vấn, hỗ trợ kiến thức. Khi quyền của NTD bị xâm phạm, họ có quyền tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp vi phạm. Phản ứng cần thiết của doanh nghiệp lúc đó là phải sớm công khai thông tin về vụ việc cho NTD. 

“Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, nếu doanh nghiệp vi phạm mà không tự giác công khai thông tin, sẽ bị xử phạt. Nếu doanh nghiệp có hành động gây ảnh hưởng tới chủ quyền của Việt Nam thì Nhà nước, NTD phải có thái độ cương quyết” - luật sư Hậu nói.
Các chuyên gia về thương hiệu nhận định, để tồn tại, phát triển bền vững, doanh nghiệp phải tôn trọng thái độ, phản ứng của NTD. Việc H&M để xảy ra một làn sóng phản ứng như vậy từ NTD là rất đáng tiếc. Họ cần công bố thông tin, có giải pháp khắc phục sai sót, xin lỗi NTD nhanh chóng, chân thành, mới mong thuyết phục các khách hàng của mình quay trở lại.

Nguyễn Cẩm 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI