Quấy rối tình dục đối với nhà báo nữ tại Việt Nam ở mức 20%

23/05/2018 - 08:26

PNO - Số liệu giật mình nói trên được Viện Nghiên cứu báo chí Fojo (Thủy Điển) công bố tại Tọa đàm “Báo chí về đề tài bình đẳng giới”, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 22/5.

Chương trình do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện đào tạo báo chí FoJo – Thủy Điện (FoJo), Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) và Diễn đàn Nhà báo nữ Việt Nam (WeNet) đồng tổ chức.

Theo đó, Nghiên cứu Bình đẳng giới trong ngành báo chí Việt Nam do Fojo phối hợp với MDI tiến hành vào tháng 9/2017, dựa trên phiếu điều tra 247 người ở Việt Nam, 8 cuộc thảo luận nhóm (với 41 nữ, 25 nam tham dự, trong đó 20 người ở các tỉnh), cho thấy tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo ở mức cao, trên 27%.

Quay roi tinh duc doi voi nha bao nu tai Viet Nam o muc 20%
Toàn cảnh tọa đàm "Báo chí về đề tài bình đẳng giới" diễn ra ngày 22/5 tại Hà Nội.

Các nguồn tin cao cấp thường là thủ phạm. 56% nói thủ phạm là đồng nghiệp, cấp trên, quấy rối ở mức đưa ra lời khiếm nhã, sờ soạng, hiếp dâm… Gần 1/3 người trả lời cho rằng quấy rối tình dục ảnh hưởng đến họ nhưng chưa có cơ chế, chính sách giải quyết nạn này. 

Vẫn còn nhiều người lẫn lộn trong khái niệm quấy rối tình dục. Ngay các nhà báo cũng chưa có cách hiểu thống nhất về các yếu tố cấu thành hành vi quấy rối tình dục. Trong khi hầu hết các tòa soạn chưa có chính sách, đào tạo phòng chống hành vi này.

“Nạn quấy rối, đối với cả nhà báo nữ và nhà báo nam, là một lực cản ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công việc và sức khoẻ tinh thần của một bộ phận nhà báo”, Trần Lệ Thuỳ, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) và đồng sáng lập Diễn đàn Nhà báo nữ Việt Nam (WeNet), nói.

Trước đó, trong các cuộc thảo luận nhóm của FoJo do MDI tổ chức, ban đầu hầu hết phóng viên tham dự đều phủ nhận việc từng bị quấy rối hoặc không muốn đề cập đến. Hầu hết các phóng viên đều nói rằng họ không báo cáo chính thức lên cơ quan. Một số trường hợp cho biết sẽ lên tiếng thì khi được mời đến tham dự và phát biểu tại Toạ đàm, họ lại từ chối. Điều này cho thấy đây là vấn đề rất nhạy cảm trong các Toà soạn và trong văn hoá Việt Nam.

Đại diện của WeNet cũng phát biểu thêm, các cách để phòng chống quấy rối của các phóng viên thường khá cô độc và bất thành văn. Ví dụ như truyền tai nhau lưu ý về một nguồn tin để tránh tiếp xúc, hoặc phóng viên nam khéo léo, tế nhị “cứu" nếu thấy phóng viên nữ hay thực tập sinh bị ép rượu, hoặc bỏ việc, tránh né. Nhưng đa số đều sẽ im lặng chịu đựng một mình vì ngại tai tiếng và cũng không giải quyết được gì.

“Quấy rối tình dục đang là vấn đề nổi cộm toàn cầu, không phải là vấn đề riêng của từng nước. Chúng ta cần nhìn nhận đó là tình trạng chung cần cùng nhau giải quyết và tháo gỡ thông qua việc xây dựng một hành lang pháp lý  bảo vệ có hệ thống và cung cấp các chương trình đào tạo kĩ năng để bảo vệ an toàn cho phóng viên nữ”, cố vấn đặc biệt về giới của Fojo, Agneta Soderberg Jacobson nói.

Được biết, trong thời gian tới, MDI và WeNet sẽ tích cực hỗ trợ các nhà báo trong việc tăng cường bình đẳng giới trong tòa soạn và hỗ trợ đưa thông tin báo chí có hiểu biết về bình đẳng giới, phòng chống và giảm thiểu hậu quả các hành vi bạo lực, quấy rối đối với nhà báo.

Các hoạt động sẽ nhằm các mục tiêu: Tăng cường nâng cao nhận thức trong ngành báo chí truyền thông về quấy rối và quấy rối tình dục; Đào tạo cho nhà báo (cả nam và nữ) về cách nhận biết thế nào là quấy rối và cách đối phó; Chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân bên trong ngành báo chí truyền thông và trong nội dung trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hỗ trợ kỹ thuật đối với các tòa soạn để thiết lập các cơ chế, chính sách nội bộ chống quấy rối.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI