Quản lý các ngành kinh doanh nhạy cảm: Chính ta trói tay mình!

11/04/2017 - 09:08

PNO - Những biến tướng và chiêu trò tại các điểm kinh doanh nhạy cảm đều bị lực lượng chức năng biết hết nhưng… thua hết.

Những biến tướng và chiêu trò tại các điểm kinh doanh nhạy cảm đều bị lực lượng chức năng biết hết nhưng… thua hết.

Đã hơn bảy năm TP.HCM ngừng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCN ĐKKD) dịch vụ karaoke vì đây là một dịch vụ nhiều biến tướng, dễ phát sinh tệ nạn xã hội (TNXH). Thế nhưng, như tiết lộ của CA TP.HCM thì số lượng các cơ sở kinh doanh karaoke chẳng những không giảm mà còn tăng. 

Cụ thể, hiện TP.HCM có 325 cơ sở kinh doanh karaoke (chưa kể karaoke trong các khách sạn được xếp sao), bar - vũ trường (không kể các beer club biến tướng), 400 cơ sở ghi âm trên nền nhạc - mà theo Sở VH-TT thì đó chính là những nơi kinh doanh karaoke trái phép, 500 nhà hàng sử dụng tiếp viên nữ có yếu tố dễ phát sinh tệ nạn, 100 nhà hàng ăn uống dạng biến tướng quán bar. 

Quan ly cac nganh kinh doanh nhay cam: Chinh ta troi tay minh!
Tại TP.HCM có nhiều cơ sở kinh doanh nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn.

Ngoài những biến tướng về TNXH, các cơ sở này còn không đảm bảo PCCC, điều kiện thoát hiểm. Những vụ cháy karaoke gây chết người gần đây ở Hà Nội, Rạch Giá đã cho thấy rõ mức độ thiếu an toàn ở các cơ sở này.

Theo đại diện CA TP.HCM, trong phiên họp giải trình về hoạt động cấp GCN ĐKKD đối với các ngành nghề dễ xảy ra TNXH, do Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP.HCM tổ chức sáng 7/4, dù TP.HCM  không cấp mới GCN ĐKKD karaoke nhưng vẫn không thể làm giảm số lượng các đơn vị kinh doanh dịch vụ này, trái lại còn tạo ra một kiểu lách luật trước cái nhìn bất lực của cơ quan quản lý nhà nước: mua bán giấy phép. 

Thay vì ngừng hoạt động, chuyển sang ngành nghề khác, chủ cơ sở karaoke có thể bán lại giấy phép cho người khác, rồi xin thay đổi địa điểm kinh doanh, xin đổi tên người đại diện pháp luật. Thế là một cơ sở hoàn toàn mới xuất hiện thay cơ sở cũ mà cơ quan chức năng buộc phải chấp nhận vì nó đúng quy trình và đúng pháp luật. 

Ở một góc độ khác, dù Sở KH-ĐT TP.HCM  không cấp phép karaoke, nhưng luật lại cho phép các quận, huyện được cấp GCN ĐKKD dịch vụ ghi âm trên nền nhạc, mà thực chất là karaoke trá hình. Trong âm nhạc, để ghi âm, cơ sở kinh doanh tất nhiên phải có phòng thu cách âm, nhưng tại các cơ sở ghi âm trên nền nhạc này thì chỉ có đầu phát karaoke và những bản ghi được lưu trên đĩa, như một món quà tặng khách mà thường thì chẳng khách hàng nào buồn hỏi đến. 

Biết rõ là nhiều cơ sở kinh doanh karaoke có sai phạm, có TNXH, nhưng khi Đoàn kiểm tra liên ngành của TP đến, như lời vị đại diện đoàn 1 là: “Hễ có kiểm tra là có sai phạm”, thì các đơn vị này đối phó bằng cách như đùa với luật: đưa ra những GCN ĐKKD khác nhau trong mỗi lần bị kiểm tra.

Khi thì là giấy phép karaoke, lúc là giấy phép ghi âm trên nền nhạc; khi thì chủ doanh nghiệp trên giấy phép tên này, lúc lại tên khác. Kết quả là tất cả các sai phạm đều là sai phạm lần đầu nên không đủ cơ sở để thu hồi GCN ĐKKD. Trong số 219 cơ sở bị kiểm tra trong năm 2016, có 14 cơ sở kinh doanh karaoke không phép, 78 nơi hoạt động bia ôm, 43 quán cà phê ôm, bảy nơi hoạt động xông hơi xoa bóp, ba nhà hàng-bar, 30 điểm kinh doanh trò chơi điện tử, 16 nơi hớt tóc thanh nữ đều phát sinh tệ nạn. 

Quan ly cac nganh kinh doanh nhay cam: Chinh ta troi tay minh!

Trước câu hỏi vì sao lại có chuyện một địa chỉ lại có thể có nhiều GCN ĐKKD như vậy, Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết vì việc đó... đúng luật. Cụ thể như một tòa cao ốc chỉ có một địa chỉ nhưng có thể có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp cùng hoạt động tại tòa nhà, nên hoàn toàn có thể có rất nhiều GCN ĐKKD được cấp. 

Kẽ hở của luật đã bị lợi dụng khiến các đơn vị chuyên trách xử lý vi phạm gần như bất lực - biết rõ hiện trạng, biết rõ mọi trò luồn lách, biết chủ nhân thực sự trong bóng tối, nhưng chỉ có thể xử lý vi phạm lần đầu với mức xử phạt chẳng đủ “gãi ngứa”. 

Từ khía cạnh bản quyền tác giả, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke ngày nay đã hiện đại hơn về công nghệ; thay vì lưu một loạt tác phẩm lên ổ cứng của máy (và phải đóng tiền bản quyền cho các tác phẩm này), họ đã đưa các bản ghi lên Youtube và tận dụng tốc độ của mạng internet để khách hàng hát thoải mái, né được nghĩa vụ tác quyền. Cơ quan quản lý biết. Các đơn vị quản lý tập thể quyền cũng biết và cũng bất lực trước sự tinh ranh đó. 

Để “đối phó” với những vi phạm mà mình biết quá rõ, lực lượng chức năng đã phải làm một việc mà dưới góc nhìn của Luật Doanh nghiệp hoặc theo quan điểm gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện để doanh nghiệp làm ăn là rất tệ: gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị này. Một mặt, cơ quan chức năng vận động các chủ địa điểm cho thuê ngừng cho thuê mặt bằng. 

Mặt khác là tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kiểu “chà xát” - kiểm tra liên tục để “họ không thể làm ăn được, vì khách không dám đến nữa, thì phải dẹp thôi”. Có thể vì chủ các cơ sở vi phạm biết rõ mình phạm pháp nên kiểu “chà xát” đó tạm thời còn hiệu quả; nhưng nếu họ thẳng thừng khiếu nại, cáo buộc cơ quan chức năng gây khó dễ cho doanh nghiệp, “hành” doanh nghiệp thì lực lượng chức năng sẽ rơi vào cảnh tình ngay lý gian, dù dư luận hay cơ quan cấp trên có muốn ủng hộ cũng khó lòng lên tiếng. 

Ở mảng game, đặc biệt là game bắn cá mà thời gian qua báo chí đã lên tiếng rất nhiều về những biến tướng của nó, theo CA TP.HCM - phương thức chà xát đã rất hiệu quả. Hiện toàn huyện Củ Chi chỉ còn một điểm kinh doanh game bắn cá. Tuy nhiên, điều quan trọng chúng ta chưa tính đến là lượng máy bắn cá không thể tự nhiên mất đi sau khi các điểm kinh doanh ngừng hoạt động. Chắc chắn chúng sẽ được chuyển đi nơi khác, và mang theo cả các tệ nạn, hệ lụy.

Đối với mảng dịch vụ massage đang xuất hiện nhan nhản, nhiều điểm núp dưới vỏ bọc cơ sở cắt tóc, gội đầu, thì chuyện “tịch thu phương tiện” của lực lượng chức năng là… chẳng đáng quan tâm, bởi họ chỉ có vài chiếc ghế hay cái bảng hiệu. Vấn đề lớn hơn nằm ở các cơ sở kinh doanh spa và thẩm mỹ. Ngành y tế không quản các spa, các phòng gym có kết hợp spa nhưng trong mắt người dân thì những cơ sở này đều là nơi chăm sóc sức khỏe. 

Thậm chí, luật còn cho phép cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú - khách sạn, nhà nghỉ được hoạt động massage. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp thay vì mở phòng massage ngay trong cơ sở kinh doanh, thì đã thuê những căn nhà lân cận để kinh doanh massage trên cùng tờ giấy phép. 

Buổi giải trình tại HĐND TP.HCM còn cho thấy, ngoài các cơ sở massage trá hình, kích dục giữa nam và nữ, hiện đã phát sinh các hình thức massage trá hình giữa nam và nam và kiểu “massage nóng” dành cho quý bà. Các cơ quan chức năng có liên quan đều biết và “đều” chỉ có thể “chà xát”, chấp nhận mang tiếng "hành" doanh nghiệp trong khi chờ đợi điều chỉnh luật. 

Thậm chí, không thiếu những nguyên nhân từ chính pháp luật đã khiến việc xử lý vi phạm trở nên khó khăn. Cụ thể, theo Sở VH-TT, luật hiện còn chưa minh định được thế nào là hoạt động kinh doanh beer club và quán bar. Một kiến nghị khác từ các quận huyện và các đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã được đưa ra - lập cơ sở dữ liệu các cá nhân, đơn vị, địa chỉ vi phạm để những nơi cấp phép có cơ sở đối chiếu trước khi quyết định cấp phép hay không. 

Nhưng, để làm được điều đó cần có thời gian, trong khi các sai phạm đang diễn ra từng ngày mà với rất nhiều trường hợp, lực lượng chức năng đành bó tay chịu thua.

 Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI