Theo thống kê, quận Gò Vấp có 20.395 người lao động (11.643 lao động tự do), 4.396 hộ kinh doanh và 777 thương nhân chợ truyền thống nhận được hỗ trợ với tổng kinh phí chăm lo dự kiến khoảng 43,6 tỷ đồng. Hiện đã chi trả được 24,1 tỷ đồng, Ủy ban MTTQ đang tiếp tục nỗ lực thẩm định và chi trả cho người lao động theo quy định.
Với các đối tượng yếu thế, ngoài nhóm đối tượng được hỗ trợ theo quy định, hệ thống chính trị, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội toàn quận đã ra sức triển khai nhiều hoạt động nhằm chăm lo, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, người dân trong khu vực phong tỏa, khu nhà trọ, người lang thang cơ nhỡ, lực lượng tuyến đầu chống dịch… bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ tiền mặt và nhu yếu phẩm thiết yếu (lương thực, thực phẩm), tổ chức các chương trình “Bếp ăn yêu thương”, “Phiên chợ 0 đồng”… và chia sẻ 17.386 phần quà với tổng trị giá hơn 4,3 tỷ đồng.
|
Bà Tô Thị Bích Châu thăm hỏi, động viên các gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh tại phường 14, quận Gò Vấp |
Trao đổi thêm với đoàn giám sát, chính quyền địa phương cho biết, ngay khi thực hiện Chỉ thị 10 trên địa bàn TP, nhất là khi phong tỏa quận Gò Vấp đến nay, đã thành lập các đường dây nóng tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của các đối tượng yếu thế. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chăm lo bước đầu cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn quỹ “Vì người nghèo” của phường có hạn, việc chăm lo các trường hợp này bị hạn chế. Mặt khác, lực lượng cán bộ tại cơ sở mỏng, lại phải phân bổ tại các điểm kiểm soát, khu cách ly… nên việc tiếp nhận và xử lý thông tin bị hạn chế, nhiều anh em kiệt sức và đã có trường hợp trở thành F1, F0 dẫn đến tình hình tại chỗ căng thẳng.
|
Gian hàng 0 đồng góp phần hỗ trợ người yếu thế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại quận Gò Vấp |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu ghi nhận những nỗ lực của hệ thống chính trị quận Gò Vấp, nhất là trong thời điểm TP chỉ đạo phải thực hiện giãn cách toàn quận theo Chỉ thị 16, đã tập trung giải quyết tốt việc chăm lo các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chia sẻ cùng những khó khăn của địa phương, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các đối tượng, bà Tô Thị Bích Châu đề nghị các cấp chính quyền, Mặt trận và đoàn thể quận, phường cần giải thích đầy đủ, rõ ràng để người dân hiểu và ủng hộ chủ trương của TP, thực hiện nghiêm túc việc giãn cách, sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng địa phương, cùng TP để nhanh chóng dập dịch.
“Về chăm lo cho các đối tượng yếu thế, cần chủ động thực hiện phương châm “5 tại chỗ” - nhiệm vụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ - theo chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy. Trong đó, cần linh động vận dụng nhiều biện pháp, tranh thủ vận động các nguồn lực để có thể chăm lo ngay những nhu cầu bức thiết cho đối tượng này chứ không nên tập trung vào nguồn quỹ “Vì người nghèo”, nguồn quỹ này chỉ sử dụng khi thật cần thiết, khi cấp bách mà chưa kịp tìm nguồn kinh phí hỗ trợ…”, bà Tô Thị Bích Châu đề nghị.
Tam Bình