Cần thống nhất tiêu chí chăm lo đối tượng ngoài quy định

10/07/2021 - 22:49

PNO - Ngày 10/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động, thực hiện chăm lo và giám sát chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM. Bên cạnh triển khai hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tập trung bàn phương án chăm lo cho các đối tượng nằm ngoài gói hỗ trợ.

 

Phó Chủ tịch Hội Phụ Nữ TPHCM Trần Thị Phương Hoa cho rằng cần sớm có các tiêu chí thống nhất cụ thể về đối tượng ngoài chính sách để các nơi tiện triển khai công tác chăm lo.
Phó Chủ tịch Hội Phụ Nữ TPHCM Trần Thị Phương Hoa cho rằng cần sớm có các tiêu chí thống nhất cụ thể về đối tượng ngoài chính sách để các nơi tiện triển khai công tác chăm lo.

Phó chủ tịch Hội Phụ Nữ TPHCM Trần Thị Phương Hoa cho rằng, để đảm bảo không bỏ sót, đúng và trúng đối tượng cũng như đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng được hỗ trợ cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn về các đối tượng nằm ngoài chính sách.

“Như đối với nhóm dịch vụ giúp việc nhà, nhóm giữ trẻ gia đình… thì có nơi có phép, nơi lại không phép sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Cần có hướng dẫn thống nhất từ ban đầu để cơ sở biết cách triển khai, tránh mỗi nơi làm mỗi kiểu…”, bà Trần Thị Phương Hoa góp ý.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Đoàn Trung nêu các vấn đề thực tiễn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Đoàn Trung nêu các vấn đề thực tiễn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.


Về vấn đề này, Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Đoàn Trung nêu thực tế rằng, việc xác định các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM đòi hỏi phải tương đối rõ ràng nhưng có những doanh nghiệp thực hiện chưa đúng (nghĩa là không có hợp đồng lao động nhưng không phải là lao động tự do). Đối tượng này khá nhiều và chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cần được xem xét quan tâm.

“Cũng cần lưu ý tình hình thực tiễn triển khai chính sách trong thời điểm TPHCM áp dụng Chỉ thị 16 và giai đoạn đầu tháng khi đa phần các doanh nghiệp chưa chi trả lương cho công nhân. Các đối tượng này đã nằm trong diện chính sách rồi sẽ không có những hình thức chăm lo khác nhưng trong thời gian chưa có lương và chờ giải quyết chính sách, phải duy trì trong giai đoạn giãn cách như thế nào cũng là một thách thức. Đây là thực tế chứ không phải chính sách không quan tâm, chính sách nào cũng cần có thời gian nhưng cuộc sống thì không thể chờ”, ông Trần Đoàn Trung đặt vấn đề.

Đồng thời ông Trần Đoàn Trung cũng cho biết, Liên đoàn Lao động TPHCM đang xin ý kiến Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động giải quyết trong những tình huống phát sinh (nhất là ở các khu nhà trọ công nhân) và rất cần sự phối hợp chặt chẽ của hệ thống MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội để nắm dư luận, kịp thời xử lý mọi tình huống, tránh các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng an ninh, chính trị - xã hội.

Tại cuộc họp, TP. Thủ Đức và các quận huyện cũng cho biết đang rà soát các đối tượng và mong muốn sớm có hướng dẫn chi tiết, thống nhất về các đối tượng nằm ngoài quy định (bảo mẫu, phụ hồ, người giúp việc…) và cả mức chi cụ thể để có cơ sở triển khai thực hiện và tổ chức giám sát.

Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động, thực hiện chăm lo và giám sát chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM
Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động, thực hiện chăm lo và giám sát chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM

Nêu ý kiến về các đối tượng chăm lo ngoài quy định, bà Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng phòng Lao động tiền lương Bảo hiểm xã hội - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, Sở xây dựng chính sách trên cơ sở chỉ đạo của TP đảm bảo sử dụng ngân sách TP một cách hiệu quả, đúng đối tượng. “Ở đây, có sự hiểu khác nhau về “lao động tự do”.

Trường hợp bảo mẫu làm việc trong các trường học, phụ hồ làm việc cho các chủ thầu xây dựng thì Sở Lao động, Thương binh và Xã hội không xem đây là “lao động từ do”.Trường hợp chủ sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động với người lao động là vi phạm quy định. Chủ sở hữu lao động phải có trách nhiệm với người lao động của mình và các đối tượng này không nằm trong hỗ trợ của Nghị định 09 của HĐND TPHCM.

“Lao động tự do” phải là đối tượng tự làm, những người làm việc bên ngoài bị ảnh hưởng bởi chính sách giãn cách xã hội (bán hàng rong, bán vé số, xe ôm truyền thống…) thì mới xem là đối tượng yếu thế, cần phải chăm lo ngay”, bà Nguyễn Hồng Hà chia sẻ và cho rằng Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ có phương án chăm lo được cho các đối tượng phát sinh.

Lao động tự do là những người tự làm, làm việc bên ngoài và chịu ảnh hưởng bởi tình hình giãn cách xã hội, như: xe ôm truyền thống, bán hàng rong, bán vé số...
"Lao động tự do" là những người tự làm, làm việc bên ngoài và chịu ảnh hưởng bởi tình hình giãn cách xã hội, như: xe ôm truyền thống, bán hàng rong, bán vé số...

Được biết, TPHCM đang chi trả cho các lao động tự do theo Nghị quyết 09 (hơn 230.000 người). Đến nay, đã chi được 17 tỷ/303 tỷ dự trù ban đầu. Trong 2 ngày cuối tuần 10 và 11/7, các phường họp xét duyệt và có ý kiến phê duyệt của cấp quận thì phường lập tức chi trả cho các đối tượng.

Theo chỉ đạo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM trong ngày 11 phải chi ít nhất 50% dự đoán ban đầu, và trước ngày 15/7 phải hoàn tất việc chi cho lao động tự do (303 tỷ đồng).

Tam Bình

 
TIN MỚI