Phủ xanh công trường xử lý và tái chế chất thải

03/06/2020 - 07:14

PNO - Bước chân trên thảm cỏ xanh mượt, chúng tôi lách mình vào những khu nhà màng đang vụ mùa dưa lưới, nghe bước chân như nhẹ tênh. Nếu không được giới thiệu cho biết trước, nhiều người sẽ nghĩ mãi cũng không ra, giữa bạt ngàn xanh mát ấy xưa từng là bãi chôn lấp rác khổng lồ của thành phố: bãi rác Đông Thạnh.

Cây đã đơm hoa, kết trái 

Đoàn chúng tôi được các kỹ sư, công nhân của công trường đưa thăm nơi canh tác nông nghiệp hiện đại này. Khắp khu vực xanh mát bóng cây với hơn 1.000 gốc ổi, 2.000 gốc mai và bao loại lan cắt cành, trồng chậu được sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Nhưng có lẽ điều gây thích thú nhất với người đến tham quan công trường Đông Thạnh hôm nay chính là vườn dưa lê trĩu cành trồng trong nhà màng rộng đến 3ha. 

Đây là khu vực luân canh dưa lê, dưa lưới và dưa leo giống Nhật Bản. Bây giờ là mùa dưa lê, mỗi cây một quả tròn lúc lỉu. Bước chân vào vườn, bạn sẽ nghe thoang thoảng hương thơm man mát.

Vườn dưa lưới lúc lỉu ở công trường Đông Thạnh
Vườn dưa lưới lúc lỉu ở công trường Đông Thạnh

Theo kỹ sư nông nghiệp Quách Ngọc Phương, người chăm sóc nhà màng, trong mỗi nhà màng đều có quạt đối lưu, điều hòa nhiệt độ. Các nhà màng trồng dưa theo công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Dù việc tưới nước và bón phân đều thực hiện tự động theo quy trình đã cài đặt sẵn, chỉ tốn nhân công cắt tỉa lá, quả để mỗi cây một quả và treo theo dây lên cao để quả phát triển đều về kích thước. Kỹ sư Phương cho biết, toàn bộ khu vực nhà màng chỉ có 24 công nhân. Tính ra, mỗi người chăm khoảng 1.000 gốc dưa từ ngày ươm hạt cho đến ngày thu hoạch, việc cắt tỉa lá hằng ngày không chút dễ dàng. Đòi hỏi những công nhân phải yêu nghề, thương cây mới gắn suốt được với nó năm này qua tháng khác. 

Nhìn những quả dưa vàng ươm, lúc lỉu mới cảm nhận hết sự kỳ diệu của đôi tay vun trồng. Càng ngạc nhiên hơn khi đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM khẳng định, bởi tuân thủ quy trình kiểm soát nghiêm ngặt trong sản xuất, nên không chỉ trái, rau mà cả hoa của công trường đều là sản phẩm sạch, không hóa chất… Từ năm 2016 đến nay, toàn bộ nông sản của công trường đều được đưa vào hệ thống siêu thị lớn nhỏ trên khắp thành phố này. 

Tuy nhiên, vườn rau, vườn cây không chỉ có ý nghĩa về mặt tiêu dùng, theo ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng, phụ trách truyền thông và thông tin Công ty Môi trường đô thị TPHCM, hiện 44ha công trường đã được phủ xanh hoàn toàn. Vườn cây, hoa trái trong khu vực có vai trò chính là cải tạo môi trường, giúp công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh không mùi, không bụi, tạo cảnh quan tươi đẹp, việc mang lại nguồn lợi kinh tế là vai trò phụ. Mỗi năm, doanh thu từ việc bán các loại rau, hoa trái ở công trường chỉ khoảng 300 triệu đồng, chủ yếu để trả tiền đầu tư chăm sóc cây và chi phí nhân công.

Việc khó được giao vào tay người giỏi

Còn nhớ trước năm 2001, bãi rác Đông Thạnh từng là địa điểm chôn lấp rác của toàn TPHCM với công suất chôn lấp hơn 10 triệu tấn rác, gây ô nhiễm nghiêm trọng về mùi hôi, nước rỉ rác và nguồn nước ngầm. Năm 2001, do ô nhiễm môi trường, UBND TPHCM quyết định đóng cửa bãi rác Đông Thạnh, giao bãi rác Đông Thạnh cho Công ty Môi trường đô thị quản lý và khắc phục ô nhiễm tại đây.

Vốn nguyên thủy, bãi chôn lấp rác thải Đông Thạnh đã được đổ đất sét dày 4m và lớp sỏi 50cm ở các lối đi. Từ khi bãi chôn lấp rác thải Đông Thạnh được giao về cho Công ty Môi trường đô thị TPHCM, công tác cải tạo đất được thực hiện triệt để. Không chỉ cày xới, mà các kỹ sư, công nhân của công trường còn làm nhiều cách thức như ủ cỏ, phân sinh học… để đẩy bớt hóa chất mà đất đang “ngậm”. Trước tiên, họ trồng cây xanh cải tạo môi trường, cảnh quan, rồi dần hình thành nên các vườn cây ăn quả, vườn mai, vườn lan… Do đất bị nhiều loại hóa chất độc hại từ bãi rác thấm sâu nên việc trồng cây gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu các kỹ sư, công nhân của công trường phải thử qua nhiều loại cây rồi lọc lại những giống loài phù hợp nhất.

Bên cạnh việc biến bãi chôn lấp rác thải Đông Thạnh thành công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh, trồng cây phủ xanh gần như hoàn toàn khu vực, Công ty Môi trường đô thị TPHCM còn phối hợp với UBND huyện Hóc Môn và xã Đông Thạnh thành lập tổ giám sát nhân dân nhằm giám sát hoạt động xử lý rác thải y tế của nhà máy nằm trong khuôn viên công trường; giám sát vấn đề xử lý nước thải, mùi hôi của bãi rác cũ cũng như vấn đề trồng cây phủ xanh công trường. Nếu có vấn đề về ô nhiễm môi trường, tổ giám sát nhân dân sẽ báo cáo với xã, huyện và công ty để xử lý kịp thời.

Sau khi được UBND TPHCM giao công trường xử lý rác Đông Thạnh cho công ty quản lý, từ năm 2003 đến nay, công ty đã đề ra các giải pháp nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường tại đây và thường xuyên thực hiện hút nước rỉ rác phát sinh từ bãi rác và chuyển vào hệ thống xử lý nước thải để xử lý nhằm hạn chế nước rỉ rác thẩm thấu làm ô nhiễm môi trường. Toàn bộ nước rỉ rác được thu gom đưa vào hệ thống xử lý luôn đạt theo quy định về tiêu chuẩn môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trước khi được xả môi trường.

Định kỳ, công ty còn cho phun xịt chế phẩm sinh học để xử lý mùi hôi phát sinh từ bãi rác, tạo taluy, lấp đất phủ tạo mảng xanh toàn bộ bãi rác. Với những nỗ lực không ngừng này, tháng 10/2013 Sở Tài nguyên và Môi trường đã quyết định chứng nhận bãi chôn lấp rác Đông Thạnh đã hoàn thành việc thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đến nay, toàn bộ bãi rác đã được chuyển biến thành khu vườn sinh thái, không còn phát tán mùi hôi như trước khi công ty tiếp nhận quản lý. Nhìn lại thành quả này, nhiều người nói vui: “Thành phố giao việc khó vào tay người giỏi nên đất đã nở hoa”. 

Nhà máy xử lý chất thải y tế, công nghiệp nguy hại 

Từ 2011 đến nay, Công ty Môi trường đô thị TPHCM đã đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải y tế ở công trường Đông Thạnh. Đây là dự án ODA giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Bỉ hợp tác đầu tư, giao cho Công ty TNHH Môi trường đô thị TPHCM tiếp nhận và vận hành. 

Mục tiêu dài hạn là giải quyết triệt để lượng rác y tế; còn mục tiêu ngắn hạn là hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển rác y tế trên địa bàn thành phố. Hiện trạm xử lý chất thải nguy hại TPHCM có công suất gần 30 tấn/ngày đêm. 

Các kết quả kiểm tra do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện định kỳ và gần đây nhất cho thấy, chất lượng khí thải lò đốt sau hệ thống xử lý, chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý, chất lượng nước dưới đất đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Báo cáo tình hình vệ sinh môi trường, vệ sinh y tế công cộng tại công trường Đông Thạnh của Trung tâm Y tế dự phòng nhận xét: Công ty Môi trường đô thị TPHCM có chế độ kiểm soát côn trùng, khử mùi, phun xịt khử trùng, rửa thùng, chế độ khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, hồ sơ môi trường đầy đủ. Kết quả giám sát môi trường nước mặt, nước thải, nước ngầm, khí thải, chất lượng môi trường không khí xung quanh tại công trường Đông Thạnh được thực hiện giám sát định kỳ đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép. Công ty Môi trường đô thị TPHCM đã trang bị bảo hộ, phun khử khuẩn triệt để và ra một quy trình nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe công nhân vệ sinh toàn ngành cũng như cộng đồng dân cư sống khu vực xung quanh. 

Thăng Long

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI