Phụ nữ mang thai mắc bệnh nền có nên tiêm vắc xin?

20/08/2021 - 07:04

PNO - Mới đây, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Trong đó, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên hoặc đang cho con bú vẫn có thể tiêm các loại vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, hướng dẫn lưu ý: “Chỉ nên cân nhắc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi”. Điều này khiến không ít bà bầu băn khoăn, liệu việc tiêm chủng có an toàn?

Tiêm vắc xin cho bà bầu tại Bệnh viện Hùng Vương, TPHCM - Ảnh: BVCC
Tiêm vắc xin cho bà bầu tại Bệnh viện Hùng Vương, TPHCM - Ảnh: BVCC

Liên quan vấn đề này, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, khi phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có thể khiến bệnh trở nặng, ảnh hưởng nguy hiểm tới thai nhi. Do thai nhi sống nhờ hô hấp của người mẹ, mẹ suy hô hấp sẽ gây suy thai rất lớn, nếu suy hô hấp phải mổ lấy thai ngay. Nguy cơ sinh con non tháng cũng cao gấp ba lần nếu nhiễm. Từ đó, PGS-TS Trần Danh Cường khẳng định, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu cho bà mẹ và thai nhi. 

Ngoại trừ vắc xin Sputnik V, chuyên gia sản khoa khẳng định, các vắc xin đã được cấp phép còn lại, theo công nghệ vector và mARN, đều không phải “vắc xin sống” mà là vắc xin bất hoạt, nên khẳng định khi tiêm không có nCoV vào em bé, rất an toàn. “Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin sẽ sinh ra kháng thể. Kháng thể này có khả năng qua nhau thai, giúp bảo vệ em bé trong những tháng đầu sau sinh, khỏi bị nhiễm virus bởi tác động xung quanh”, PGS-TS Trần Danh Cường khẳng định và lưu ý các bà bầu không nên kén chọn vắc xin vì các vắc xin hiện đều có hiệu quả phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, giảm bệnh nặng, giảm tử vong… 

Ngoài ra, nhiều bà bầu cũng băn khoăn, khi mắc bệnh nền như tiểu đường hay gặp phải một số vấn đề trong quá trình mang thai như bong nhau, phù chân, tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ… thì có nên tiêm vắc xin không? Trả lời về vấn đề này, PGS-TS Trần Danh Cường cho hay: “Trước khi tiêm vắc xin, phụ nữ mang thai đều phải được sàng lọc kỹ. Với những phụ nữ có nguy cơ tiền sản giật, bong nhau non… hay có nguy cơ gặp các tai biến sản khoa thì nên trì hoãn tiêm. Bởi những nguy cơ này cần phải xử trí, can thiệp ngay. Với phụ nữ mắc bệnh nền thì vẫn có thể tiêm, xong phải tầm soát kỹ hơn và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ”. 

Sau tiêm, thai phụ cần theo dõi tình trạng sức khỏe như những người bình thường. Cần liên hệ y tế khi có các dấu hiệu như tê quanh môi hoặc lưỡi, da phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, tím tái, đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì, mất ý thức, đau tức ngực, sốt cao liên tục… 

Huyền Anh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI