Họ đã làm nên một nông thôn mới nơi miền bản:

Phụ nữ bản Mường góp công lớn giành giải du lịch ASEAN

26/04/2021 - 10:15

PNO - Qua mười năm, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Góp phần vào sự thay đổi tích cực này, không thể không nhắc đến những phụ nữ đã mạnh dạn đi tiên phong bằng lối canh tác an toàn, áp dụng công nghệ cao vào chế biến nông sản, kết hợp nông nghiệp với du lịch…

Phụ nữ Mường, Dao vùng Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình bao năm gắn với gùi măng rừng, những bó nứa nặng oằn vai. Nhưng giờ đây, nhiều chị em trở thành người làm du lịch chuyên nghiệp. Ven lòng hồ sông Đà, còn có cả một bản từng giành giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN.

Doanh thu 300 triệu đồng/năm

Từ huyện lỵ Đà Bắc, chạy mấy chục cây số đường rừng lắt léo, nhỏ hẹp hoặc lênh đênh trên lòng hồ sông Đà mới đến được bản Đá Bia, xã Tiền Phong. Nhưng bù lại, dù là đường thủy hay đường bộ cũng đều được chiêm ngưỡng núi non diễm tình cùng dòng Đà Giang xanh như mơ như thực. Đá Bia nằm sát mép sông. Mùa tích nước để phục vụ thủy điện, ngồi ở lán nhà bà Bùi Thị Mong là đã khỏa chân được xuống dòng nước biếc. Non nước hữu tình, bản làng êm đềm, mang đậm nét văn hóa Mường Ao Tá (một nhánh của dân tộc Mường) nên Đá Bia chủ yếu đón khách quốc tế.

Phụ nữ đến từ các cộng đồng thiểu số ở tỉnh Sơn La tham gia các lớp học về canh tác bền vững, chế biến nông sản công nghệ cao
Phụ nữ đến từ các cộng đồng thiểu số ở tỉnh Sơn La tham gia các lớp học về canh tác bền vững, chế biến nông sản công nghệ cao

Nhà bà Mong là một trong năm hộ cung cấp dịch vụ lưu trú homestay ở bản Đá Bia này. Hôm chúng tôi đến thăm, bà Mong đang bắt cá, nhồi lá móc mật nướng gà phục vụ khách du lịch nội địa. Lúc chạy sang nhà hàng xóm xin nắm lá chanh, gặp đoàn khách nước ngoài tản bộ dọc bản, bà Mong reo lên: “I miss you so much”. Gần mười khách quốc tế cùng cười rạng rỡ, bắt tay, ôm vai bà Mong như quen biết đã lâu. Một giọng tiếng Việt lơ lớ hẹn: “Chiều, chúng tôi sang nhà bà chơi nhé”. 

Nhìn nhóm khách khuất sau bãi ngô, bà Mong chợt vui, chợt buồn: “Năm ngoái, năm nay, vì COVID-19 mà lượng khách vắng hẳn. Chứ như mấy năm trước, doanh thu của nhà tôi mỗi năm 300 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, tiền làm du lịch khá gấp chục lần trồng rừng đấy”.

Sát nhà bà Mong, cũng ở bìa con nước là homestay của gia đình bà Đinh Thị Yệu. Homestay có cái tên “Lake view” thơ mộng này do con gái Lò Thị Trang của bà thiết kế không gian, từ vườn tược, bếp núc đến từng bộ bàn ghế. Chị Trang còn tự tay đóng từng cánh cửa, để mỗi ô cửa nhìn xuống lòng sông là một khoảng trời riêng. Khi dịch COVID-19 chưa ập đến, mỗi tháng, homestay của mẹ con bà Yệu đón khoảng chục đoàn khách, doanh thu cũng ở mức khá cao, đảm bảo kinh tế cho cả gia đình. 

Ở bản Đá Bia này, Trang là người năng động, nhanh nhẹn nhất trong việc chăm lo cho khách du lịch cũng như phân phối, điều tiết lượng khách cho các hộ cung cấp dịch vụ lưu trú. Không mạnh ai nấy làm như nhiều nơi, Đá Bia “chia việc” cho các hộ rất rõ ràng: ngoài năm hộ làm homestay, các hộ khác nếu có người nằm trong đội múa thì sẽ không cung cấp dịch vụ khác; hộ nào cung cấp thực phẩm thì phải dành hoạt động khác cho hộ chưa tham gia gì. 

Trên con dốc dẫn xuống “Lake view”, mấy “quầy tự túc” dựng từ tre nứa, lợp lá cọ cũng xôm hết sức. Sáng sớm, trước khi đi rừng, bà con mang buồng chuối, rổ trứng gà, chai mật ong, bó rau bỏ lên quầy kèm theo mảnh giấy ghi giá tiền. Nông sản để đó, người trong bản hay du khách muốn mua gì thì cứ lấy và bỏ tiền vào hộp. Thói quen ấy của người Mường Ao Tá đã có mặt trong đời sống từ mấy chục năm qua. 

Chị Đinh Thị Nguyện thì tiếc, bởi lớp học tiếng Anh do chính con em thế hệ 9X của bản làm “cô giáo” đang xôm thì dịch COVID-19 làm đảo lộn mọi thứ. Bà Mong, bà Yệu bảo: “Những người già như chúng tôi chỉ nói được chút ít thôi, chứ cái Trang, cái Nguyện nói chuyện với khách nước ngoài tốt lắm đấy. Đến đây, họ làm cơm, bắt cá, hái rau cùng gia đình, cùng bà con trong bản, vui lắm”.

Giữ được đặc trưng của du lịch cộng đồng

Bà Bàn Thị Kim Quy - Phó Chủ tịch UBND H.Đà Bắc - cho biết từ cuối năm 2019, theo báo cáo từ các đơn vị, tất cả ngày cuối tuần của cả năm 2020 đã kín khách đăng ký, đủ thấy hoạt động du lịch cộng đồng ở Đá Bia nói riêng và Đà Bắc nói chung có sức hấp dẫn du khách thế nào. Năm 2019, Đá Bia là một trong ba bản giành giải du lịch cộng đồng trong khuôn khổ giải thưởng Du lịch ASEAN nhờ sự kết hợp hài hòa của ba yếu tố: định hướng phát triển du lịch của địa phương, dự án hỗ trợ và tư duy mở của bà con. 

Từ năm 2008, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Australia vì nhân dân châu Á - Thái Bình Dương (AFAP), bản Đá Bia bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Nhà bà Mong và nhà chị Bùi Thị Nhềm là hai hộ đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở đây. Từ chỗ chỉ biết đi rừng hái măng, trồng tre nứa, nấu nướng qua loa cho xong bữa, cuộc sống của họ đã khác hơn rất nhiều. Họ học nấu ăn để làm cho các món ăn phong phú mà vẫn giữ được đặc trưng của ẩm thực Mường, phục dựng những điệu múa truyền thống của người Mường Ao Tá. Họ còn tìm đến những lớp nghiệp vụ du lịch để học cách phục vụ khách, cách quản lý homestay.

Bà Mong nhớ lại ngày đầu được vay vốn làm du lịch: “Bấy giờ sợ lắm, vì cả gia đình chưa bao giờ cầm một số tiền lớn như thế, những 125 triệu đồng cơ mà. Rồi lại lo không biết có khách không, không biết làm ăn có hiệu quả không”. Năm 2014, dự án Du lịch cộng đồng Đà Bắc với sự hỗ trợ ban đầu của tiến sĩ Vance Gledhill và một phần tài trợ từ Chính phủ Australia thông qua Tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam được triển khai. Với dự án này, bà Mong được vay 50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư làm du lịch. Mấy năm sau, không những trả hết được vốn vay, bà Mong còn dựng thêm được một ngôi nhà sàn để phục vụ du khách.

Quyết liệt thay đổi xóm núi của mình nhất là Lò Thị Trang. Ngoài 50 triệu đồng vay từ dự án, chị còn vay ngân hàng 200 triệu đồng để san nền, mua nhà sàn về dựng, thiết kế cảnh quan để làm du lịch. Đến nay, không chỉ là homestay “nhỉnh” nhất bản Đá Bia, chị còn nhận trọng trách điều phối khách đến từng hộ gia đình để đảm bảo công bằng trong hoạt động du lịch của bản. 
Bà Quy nói chắc nịch: “Đá Bia thành công cũng chính nhờ những phụ nữ quyết tâm thay đổi, chủ động tiếp cận cái mới, vừa phù hợp với đời sống hiện đại, vừa giữ được bản sắc của cộng đồng”. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI