Phụ mẹ cưa nước đá, bé gái 11 tuổi bị máy "lột" hết da đầu

09/07/2020 - 13:30

PNO - Đang phụ mẹ cưa nước đá, bất ngờ tóc của bé A. bị quấn vào máy và... "lột" luôn mảng da đầu.

Sáng 9/7, ThS.BS. Diệp Quế Trinh, Phó khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này đã cấp cứu, cắt lọc, ghép vạt da cho bé N.T.A. (11 tuổi, ở Cà Mau), bị tai nạn do dây curoa trong máy cưa nước đá của gia đình cuốn vào tóc và... "lột" luôn mảng da đầu.

Trước đó, ngày 17/5/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau chuyển bé A. đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM trong tình trạng vùng đầu bị vết thương khá lớn, mất gần hết lớp da đầu, lộ một phần sọ não, cơ... 

Các bác sĩ đã thực hiện mổ cắt lọc phần mô, cơ dập nát cho bé, lấy da đùi ghép phủ vết thương lộ ở vùng đầu để tránh nhiễm trùng. 

Cuộc phẫu thuật có bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia hỗ trợ. Bác sĩ của 2 bệnh viện sử dụng vạt cân cơ (loại vạt da có mạch máu nuôi để che phần mềm mất da) ở đùi của bé A. lên làm "lớp màng" thay thế phần da mất đi ở vị trí lộ sọ não cho bệnh nhi. Theo đó, các bác sĩ phải phẫu thuật vi phẫu nhằm nối các mạch máu của vạt cân cơ đùi với mạch máu thái dương bé A. 

Khi vết thương và tâm lý ổn định, bệnh nhi sẽ tiếp tục lên bàn mổ để tiếp tục ghép da, gân cơ... nhằm rút ngắn quá trình điều trị.

Được điều trị và nâng đỡ tinh thần kịp thời, sức khỏe bé A. đang dần hồi phục, bé thoát khỏi ám ảnh của tai nạn và vui vẻ trở lại.
Được điều trị và nâng đỡ tinh thần kịp thời, sức khỏe bé A. đang dần hồi phục, bệnh nhi thoát khỏi ám ảnh của tai nạn và vui vẻ trở lại.

Theo bác sĩ Trinh, khó khăn lớn nhất trong cuộc phẫu thuật là các mạch máu nối phải đảm bảo nuôi sống vạt cân cơ để che lấp phần sọ não bị lộ. Ê-kíp bác sĩ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, chỉ cần một mạch máu bị tắc, ca ghép sẽ thất bại. May mắn, suốt 5 giờ đồng hồ căng thẳng, ca phẫu thuật đã thành công. Khoảng 2 tuần sau đó, các bác sĩ tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật thứ 3, dùng vạt da đùi của bé A. "đắp" ở những nơi hở còn lại của vùng đầu.

Hiện tại, bé A. đã qua nguy hiểm, được xuất viện về nhà và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu thuận lợi, thời gian tới bé sẽ được thực hiện những ca phẫu thuật tiếp theo, xử lý tạo hình, giúp da đầu đạt được sinh lý bình thường để tóc có thể mọc lại như trước đây.

Bác sĩ Trinh bật mí: "Bé A. cũng là ca bệnh nhi đầu tiên mà bệnh viện áp dụng kỹ thuật chuyển vạt tự do. Thay vì phải mất 6 tháng đến 1 năm để ổn định vết thương, kỹ thuật này khá hiệu quả khi chỉ sau hơn 1 tháng, vết thương của bệnh nhi đã ổn định. Điều này giúp bệnh nhi không phải chịu nhiều đau đớn như các trường hợp trước đây".

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI