Phụ huynh "tố" giáo viên trường Việt - Úc đánh học sinh

21/10/2015 - 08:55

PNO - Một số phụ huynh của lớp 1/3 tiếp tục tố giáo viên cấm học sinh tiểu tiện, đại tiện, uống nước trong giờ học.

Chiều tối ngày 20/10, trong cuộc gặp với Ban giám hiệu trường dân lập quốc tế Việt-Úc (VAS), rất nhiều phụ huynh lớp 1/3 (cơ sở Phan Xích Long, Q.Bình Thạnh) phản ứng hướng giải quyết của trường trước thông tin giáo viên đánh học sinh, yêu cầu để giáo viên và học sinh cùng đối chất. Một số phụ huynh của lớp 1/3 tiếp tục tố giáo viên cấm học sinh tiểu tiện, đại tiện, uống nước trong giờ học. Thậm chí, có học sinh còn cho biết bị đánh, bắt đứng phơi nắng nhiều lần…

Sau sự kiện học sinh (HS) viết chữ không đẹp bị cô chủ nhiệm mắng “ngu như bò”, HS lớp 1/3 trường quốc tế Việt-Úc tiếp tục cho biết cô Võ Thị Thu Hồng - chủ nhiệm lớp 1/3 còn tịch thu bình không cho các em uống nước.

Trong suốt buổi học, HS mắc tiểu tiện, đại tiện cũng không được đi vệ sinh; cô còn xách lỗ tai, nhéo HS… Chưa dừng lại ở đó, trong buổi nói chuyện với phụ huynh (PH) có ghi hình lại, một HS nói:

“Buổi trưa, bạn nào không ngủ, nếu là con gái sẽ bị cô giáo dọa cắt tóc, nếu là con trai sẽ bị cô lấy thỏi son trét lên mặt, bắt đứng cuối lớp rồi để các HS khác chê cười, lêu lêu. Đến tận giờ ăn xế, bạn đó mới được cô giáo chùi, rửa mặt cho hết vết son…”.

Phu huynh
Cuộc họp chiều tối ngày 20/10 giữa ban giám hiệu trường Việt-Úc và phụ huynh

Một PH là chị L. bức xúc: “Trẻ con đang hình thành nhân cách, phát triển giới tính mà cô làm vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển đúng đắn của các bé. Nhưng đáng buồn hơn là sau khi PH gặp ban giám hiệu phản ánh thì ngay trong buổi chiều, con tôi bị cô chủ nhiệm kêu lên hỏi tại sao lại đưa chuyện đó về kể cho ba mẹ… Thậm chí, cô dùng thước kẻ đánh vào tay con gái tôi. Cô còn nhắn tin cho tôi là “PH nên gặp và trao đổi với cô giáo trước khi gặp ban giám hiệu”.

Tương tự, PH của em T.B. bức xúc: “Con tôi bị cô bắt phạt đứng ngoài nắng nhiều nhất, đến chín lần. Ban đầu, con tôi rất thích đi học nhưng thời gian gần đây cháu sợ đến lớp. Con tôi còn nói là bị thầy T. dùng thước đánh vào mặt...”.

Trong cuộc gặp giữa PH và ban giám hiệu hệ thống VAS vào ngày 19/10, PH của HS L. bức xúc nói: “Con tôi bị cô M. đánh, ai sẽ chịu trách nhiệm việc này? Nằm ngủ mà phải lấy chăn đắp lên mặt thì sao an toàn, có sự cố gì thì sao? Tại sao chỉ quy trách nhiệm cho một mình cô chủ nhiệm trong khi sự việc như thế mà ban giám hiệu, quản lý không hay biết để xử lý kịp thời?”.

Trao đổi với PH vào chiều tối ngày 20/10, bà Nguyễn Hoa Mai, Hiệu trưởng Hệ thống trường dân lập quốc tế Việt-Úc đưa ra hướng giải quyết, cụ thể, từ ngày 21/10 sẽ có cô giáo khác thay thế cô Võ Thị Thu Hồng.

Với hai giáo viên (GV) bị PH phản ánh đánh HS, trường tiếp thu ý kiến và sẽ làm rõ sự việc. Trường không dung túng hành vi trái đạo đức nghề nghiệp nhưng nhà trường cần có thời gian để tìm hiểu và để các GV liên quan có cơ hội giải thích trước khi trường đưa ra quyết định.

Ban quản lý cơ sở Phan Xích Long gồm cô Trần Thị Phương Dung và thầy Phan Lê Hưng phải tạm ngưng công tác quản lý và chuyên môn tại cơ sở, trường sẽ xử lý theo đúng quy trình xử lý kỷ luật…

Trước phần trả lời của đại diện nhà trường, các PH không đồng tình khi nhà trường cứ nói “sẽ tìm hiểu” nhưng không đưa ra được thời gian cụ thể, hướng xử lý để PH, HS yên tâm.

Đại diện nhà trường cho rằng muốn xử lý GV phải đúng quy trình, có thời gian, không thể nghe HS nói GV đánh HS là đủ, khi trường làm việc với GV bị “tố” đánh HS thì GV không thừa nhận. Nhiều PH yêu cầu nhà trường nên để GV trực tiếp đối thoại với HS trước mặt mọi người để sự việc được rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, nhà trường không đồng ý.

Đến chiều 20/10, do tinh thần các bé vẫn còn bị ảnh hưởng nên nhiều HS của lớp 1/3 chưa thể đi học trở lại. Nhà trường đưa ra phương án sẽ bố trí phòng học khác, tổ chức hoạt động vui để HS có tâm lý thoải mái. Với những HS sẽ chuyển trường, trường hoàn 100% học phí năm học này và các khoản phí chưa sử dụng hết…

“Tôi nghĩ, chọn trường vì chất lượng giáo dục và muốn con mình được chăm sóc tốt hơn nên dù học phí có cao vẫn cố gắng. Mỗi năm, tiền học phí của con mình là 100 triệu đồng, ngoài ra, còn tiền giáo trình năm triệu đồng, cơ sở vật chất bảy triệu đồng, tiền ăn 25 triệu đồng… tổng cộng khoảng 150 triệu đồng/năm nhưng không ngờ đổi lại là con mình bị GV đối xử tệ như vậy”, chị L. nói.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI