Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Bài học xương máu nằm ở khâu... phòng thủ bệnh viện

21/08/2020 - 18:16

PNO - Tại cuộc họp của Chính phủ về COVID-19 chiều 21/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: khâu phòng thủ của các bệnh viện đang có vấn đề, là bài học xương máu trong đợt bùng phát dịch lần này vì bất cứ ca nhiễm nào cũng đều dẫn đến bệnh viện.

Dẫn lại sự "hú vía" của Bệnh viện E (Hà Nội) suýt phải phong tỏa vì ca dương tính nhầm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, đây là điều may mắn nhưng cũng cho thấy bệnh viện chưa nghiêm chỉnh trong phòng chống dịch COVID-19. Nhiều bệnh viện khác trong cả nước cũng chưa thực sự nghiêm chỉnh chống dịch, Phó thủ tướng đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh thành phải siết lại tình trạng này.

Khoảnh khắc Bệnh viện E được dỡ bỏ phong tỏa, tối ngày 20/8/2020. Ảnh: An Vũ
Khoảnh khắc Bệnh viện E được gỡ bỏ hàng rào cách ly vào tối 20/8- Ảnh: An Vũ

Tình trạng này được ông Ngô Văn Quý - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội báo cáo chi tiết hơn tại cuộc họp này. Theo đó, khi kiểm tra 36 bệnh viện về việc thực hiện tiêu chí an toàn chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, Hà Nội phát hiện 7 bệnh viện tiêu chí an toàn chỉ là mức độ... thấp; 29 bệnh viện đạt mức an toàn khá. Lãnh đạo Hà Nội đánh giá công tác chống dịch tại một số cơ sở y tế còn đáng lo ngại như Bệnh viện Thanh Nhàn hay Bệnh viện E. Ông dẫn ra trường hợp khi có 1 ca bệnh thì có đến 54 cán bộ, nhân viên y tế là đối tượng F1.

Vào ngày mai (22/8), Hà Nội sẽ làm việc với tất cả các bệnh viện, kể cả bệnh viện của các bộ ngành, bệnh viện ngoài công lập... về công tác phòng chống dịch trong bệnh viện.

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiến nghị lãnh đạo các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra các bệnh viện của mình về chống dịch COVID-19. 

Nhân viên y tế Bệnh viện E (Hà Nội) chờ đợi lệnh bỏ cách ly vào tối 20/8
Nhân viên y tế Bệnh viện E (Hà Nội) chờ đợi lệnh bỏ cách ly vào tối 20/8

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam còn chỉ ra một tình trạng có thể trở thành nguy cơ lây lan dịch bệnh, đó là với những chuyên gia được nhập cảnh về nước, đang được các địa phương quản lý.

Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, sau khi kiểm tra việc cách ly những chuyên gia tại các khách sạn, đã phát hiện một số vấn đề như: có hộ dân ở cùng trong khu vực cách ly khách sạn; nhân viên khách sạn chưa tuân thủ quy định về vệ sinh phòng hộ, vệ sinh khử khuẩn...

Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các khách sạn làm nơi cách ly tập trung có thu phí cho các chuyên gia phải sử dụng cho đúng đối tượng đã được phê duyệt, thông báo quy định về phòng chống dịch bệnh cho các chuyên gia, tuyệt đối tuân thủ quy định phòng dịch...

Hiếu Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Phân bố y tế TW bất hợp lý ở miền Trung! 21-08-2020 19:07:27

    Đà Nẵng nằm trung điểm cả nước, TP TW vai trò hạt nhân cả Vùng, đô thị nén đông dân nhất miền Trung, nên đương nhiên nguy cơ và nhu cầu y tế lớn nhất miền Trung, cả bây giờ và tương lai càng hơn thế. Vậy không thể y tế tuyến TW gần như trắng ở ĐN, ngược lại tuyến TW BYT lại cho nằm ở Huế (BV TW Huế, ĐH Y, Trung tâm huyết học) rồi Nha Trang (Viện Paster) rồi Bình Định (Viện sốt rét TW) rồi Quảng Nam (BV TW)... Thật nực cười và phi lý lắm! Những cái đó đáng ra phải ở ĐN, chả lẽ Tp thuộc TW chỉ là cái tên bánh vẽ? Đà Nẵng rủi ro nhiều mà gãy cánh thì chắc chắn ảnh hưởng cả nước!
    Chính phủ cần tái phân bố lại tất cả lĩnh vực tuyến TW dịch vụ cao kỹ thuật cao của miền Trung bắt buộc phải nằm ở Đà Nẵng nếu Chính phủ không muốn các tỉnh miền Trung kéo nhau cùng xuống đáy, chứ phi logic làm sao phát triển được?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI