Phố mùa đông: 'Có đôi khi nhớ thiên đường xưa'

08/12/2019 - 17:09

PNO - Mỗi năm một mùa, khán giả lại mở 'Phố mùa đông', nghe và để lại phía dưới những dòng comment đầy tự sự, hoài niệm. Nghe để rồi “có đôi khi nhớ thiên đường xưa”...

Tháng 12, trời Sài Gòn se lạnh, những cô gái ra đường với chiếc khăn choàng vội, đôi tình nhân nắm chặt tay như muốn truyền hơi ấm cho nhau… Và cứ mỗi mùa đông về, trên những con dốc nhỏ của xứ sương mù, trong những căn gác trọ, ngõ hẻm quanh co của Sài Gòn… Phố mùa đông lại vang lên. Nhạc sĩ Quốc Bảo từng nói, gần như đây là ca khúc về mùa đông hay nhất của nhạc Việt từ những năm 90 trở về sau.

Khúc tình của đơn độc và mất mát

Phố mùa đông, bài tình ca buồn bã và đẹp nhất của Bảo Chấn” - nhạc sĩ Quốc Bảo nhận định. Với “hoàng tử tình ca” Lê Hiếu, người được cho là hát Phố mùa đông hay nhất, thì đơn giản: “Đây là một trong những bài hát mà tôi thích nhất”. 

Pho mua dong: 'Co doi khi nho thien duong xua'
Nhạc sĩ Bảo Chấn

Nhiều người từng đặt câu hỏi, Phố mùa đông có phải là bài hát viết về Đà Lạt? Không có câu trả lời nào từ Bảo Chấn, hoặc giả ông không muốn nhắc về bài hát, hoặc đó là một câu hỏi thừa - tự lời hát đã trả lời, dù rằng trong ấy chẳng có từ “Đà Lạt” nào: “Phố sương mù, phố chưa lên đèn/ Núi quanh đồi nhớ mùa trăng cũ/ Từng dốc phố, quấn quanh núi đồi… Mai tôi đã rời xa núi đồi/ Sẽ mang theo hương đêm ngày cũ/ Lời tôi hát đồi núi chập chùng/ Có đôi khi nhớ thiên đường xưa…”.

Không chỉ vì có dốc, có phố, có đồi và có thông… mà dường như chẳng thể đặt cảm xúc của bài hát vào bất kỳ bối cảnh nào khác, ngoài Đà Lạt. Đó là cái lạnh hiu hắt của gã si tình độc bước trên con dốc dài, là nỗi hoài niệm đến đớn đau về một mối tình đã vụt mất. Và, dường như không có ai đặt chân đến Đà Lạt mà không “rẽ ngang phố chợ”- con phố có cà phê Tùng- ấn tích của Trịnh, của Lê Uyên Phương, của tân nhạc Việt Nam một giai đoạn không thể nào quên…

Theo lời nhạc sĩ Quốc Bảo, Phố mùa đông được Bảo Chấn viết tại một biệt thự của Văn Tuấn Anh - một doanh nhân cũng là một người mê âm nhạc. Căn biệt thự ấy trông sang bên kia là Đồi Cù. Trông ra từ ô cửa sổ, chập chùng đồi núi cùng hơi sương mờ phủ những tán thông già là khởi phát cho những câu từ nhiều ám ảnh mỗi độ đông về đối với những trái tim từng một lần mất mát. 

Đà Lạt dần không còn Đồi Cù nữa, hoặc không còn Đồi Cù của ngày xưa nữa, những đồi thông cũng thu hẹp diện tích cho một Đà Lạt phát triển, nhưng sự cô độc trong bài hát mãi còn nguyên vẹn, ở lại đó, trên từng dốc phố, ngọn đồi. 

Rất nhiều ca sĩ đã hát Phố mùa đông, Lan Anh, Uyên Linh, Hoài Nam… và gần đây là Hà Anh Tuấn. Nhưng như nhạc sĩ Quốc Bảo nhận xét, không ai làm người nghe đau bằng Lê Hiếu - nghĩa là, không ai hát Phố mùa đông hay như Lê Hiếu.

Phố mùa đông - ca sĩ Lê Hiếu:

 

Dẫu rằng, cảm xúc là phạm trù cá nhân và cũng mang nhiều tác nhân riêng tư, nhưng không thể phủ nhận Phố mùa đông như sinh ra dành cho Hiếu. Phố mùa đông và Hiếu, cả hai giống nhau đến lạ kỳ: Phố mùa đông không có điệp khúc cao trào, không có những nốt lên cao khắc khoải mà như một mặt hồ tĩnh lặng - cái tĩnh lặng ẩn chứa bên dưới nhiều bão tố; giọng hát của Hiếu cũng thế, nhẹ nhàng, thong dong. Hiếu hát như đang rong chơi, bình thản như không, nhưng đau như vết dao cứa mãi không thể chữa lành. 

Bản án chưa bao giờ được xóa

Cho đến bây giờ, nhắc đến Phố mùa đông nhiều người vẫn còn hỏi tại sao mọi việc lại ồn ào, nhất là khi dễ dàng tiếp cận các sản phẩm âm nhạc nước ngoài trong bối cảnh môi trường mạng phủ sóng khắp nơi như hiện tại, dù năm 2004 chính nhạc sĩ Bảo Chấn đã xác nhận: ông viết lời Việt dựa trên bài hát Eden của ca sĩ Dalena. Lời xác nhận được ông gửi về Việt Nam từ Pháp, bằng thư điện tử. Ca sĩ Lê Hiếu ngày đó cũng cho biết, khi thu âm Phố mùa đông cho album Vol.2 của mình (trước khi ồn ào về Phố mùa đông diễn ra), anh đã tìm Bảo Chấn để trả tiền tác quyền nhưng ông không nhận, vì giai điệu ấy là của Dalena. 

Bảo Chấn cho biết, một người bạn đã đưa bài hát Eden cho ông, đề nghị ông viết lời Việt - nhạc Việt những năm thập niên 80-90 rất phổ biến những bản nhạc ngoại-lời Việt. Tuy nhiên, vì Eden của Dalena mang tinh thần và lời từ của nhạc nhà thờ (Eden có nghĩa là “vườn địa đàng” - khu vườn được đề cập trong kinh thánh, mang một phần của câu chuyện thường được sử dụng để giải thích nguồn gốc của tội lỗi và sai phạm của loài người. Eden nằm trong album thứ 9, phát hành năm 1996 của Dalena, trên bìa album được mở ngoặc chú thích là Song of the cherubim - thánh ca) nên không dễ để viết dịch lại lời Việt. Bảo Chấn đã chọn một cảm xúc khác, tinh thần khác và lời hát khác cho giai điệu này. 

Nhưng, bản án “đạo nhạc” ngày đó với bài hát Tình thôi xót xa, dù chưa có một kết luận rõ ràng, đã khiến người ta lướt qua mọi giãi bày. Như mọi sự kiện khác, những chỉ trích và phán xét được dễ dàng tìm thấy hơn. Tiếng thưa của nhạc sĩ Bảo Chấn rơi vào thinh không. Ông lại không phải là người có thể chịu được vòng xoáy đấu tranh và chỉ trích, ồn ào. Ông thu mình lại, trân mình chịu đòn, chưa từng thêm lần nào giải thích. 

Pho mua dong: 'Co doi khi nho thien duong xua'
“Từng dốc phố, quấn quanh núi đồi”… lời bài hát khiến người nghe nghĩ ngay đến những con dốc lãng mạn ở Đà Lạt

Nhạc Việt sau sự kiện ấy không còn sáng tác mới nào đính kèm tên Bảo Chấn bên cạnh, dù ở thời cực thịnh với bảng xếp hạng Làn sóng xanh, không tuần nào ca khúc của Bảo Chấn không “làm mưa làm gió”, như Bên em là biển rộng, Một ngày mùa đông, Nỗi nhớ dịu êm, Hoa cỏ mùa xuân… 

Nhạc sĩ Trần Tiến - người đã kéo Bảo Chấn ra khỏi những ngày nằm viện vì không chịu nổi trận chỉ trích của dư luận, sau này cho biết, Bảo Chấn là một người rất dễ tổn thương và quá nhiều tự trọng. Rất nhiều gương mặt của nhạc Việt giai đoạn bối rối với khái niệm đạo nhạc ấy, như Quốc Bảo, Nguyễn Hà, Võ Thiện Thanh… sau này trở lại đường đua nhạc Việt, chỉ có Bảo Chấn là không. Không phải Bảo Chấn đã thôi sáng tác, nhưng những bài hát ông viết ra nằm im đó (mới đây ông “rón rén” đưa cho ca sĩ Hải Yến hai bài để thu album). Ông không đưa cho ai, dù nhiều ca sĩ dọ hỏi. Nói ông như chim sợ cành cong cũng đúng, mà nói rằng ông đã bị rơi khỏi guồng quay cũng có lẽ. 

Ông cũng chưa từng đáp trả bất kỳ cú đấm nào, dù đó là những lời nhận định không dễ chịu. Bảo Chấn nói, ông chỉ cần khán giả thích, những đánh giá của giới học thuật ở thời điểm nửa khép nửa hở mang đầy định kiến ấy ông nghe rồi để đó. Ông cũng biết có nhiều người nhân danh sự nhận xét để thỏa lòng miệt thị, nhưng không sao cả.  

Tròn 15 năm ngày Phố mùa đông xuất hiện trong album của Lê Hiếu, cũng là ngần ấy năm Bảo Chấn lặng lẽ với công việc của một người phía sau. Ông hòa âm phối khí cho rất nhiều chương trình, album trong và ngoài nước. Gần đây người ta mời ông làm giám khảo, ông lần nữa lắc đầu. Cuộc sống của ông bây giờ, nay Việt Nam mai Pháp kia Nhật… những chuyến đi không ngớt.

Pho mua dong: 'Co doi khi nho thien duong xua'
Eden của Dalena mang tinh thần và lời từ của nhạc nhà thờ. Bảo Chấn đã chọn một cảm xúc khác, tinh thần và lời hát khác cho Eden

Chỉ có mỗi năm một mùa, khán giả lại mở Phố mùa đông, nghe và để lại phía dưới những dòng comment đầy tự sự, hoài niệm. Nghe để rồi “có đôi khi nhớ thiên đường xưa”... 

Ca sĩ Dalena là cái tên rất quen thuộc với người Việt những năm 90 thế kỷ trước. Dòng nhạc Dalena yêu thích là Christian music, dòng nhạc của nhà thờ. Sinh ra ở tiểu bang Indiana và lớn lên ở Florida, là người Mỹ chính gốc nhưng Dalena rất sõi tiếng Việt và cô cũng hát rất nhiều ca khúc tiếng Việt. Dalena từng hát chung với các ca sĩ như Tuấn Ngọc, Ðức Huy, Thái Châu, Don Hồ, Hương Lan... 

Lương Hàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI