Phim truyền hình Việt: Đơn điệu trong khai thác đề tài

22/07/2021 - 07:06

PNO - Đợt giãn cách xã hội được xem là khoảng thời gian vàng cho các bộ phim truyền hình Việt bứt phá nhưng sự thiếu đa dạng trong khai thác đề tài và sự đuối sức thấy rõ của loạt tác phẩm dài tập khiến khán giả thất vọng.

Khoảng trống đề tài

Từ đầu năm 2021 đến nay, ngoại trừ Hồ sơ cá sấu, hầu hết các phim truyền hình Việt đều xoay quanh mảng đề tài quen thuộc câu chuyện gia đình. Điều này được thể hiện khá rõ khi nhìn vào danh sách phim đang phát sóng trên khung giờ vàng như Hương vị tình thân (120 tập, chiếu VTV1) kể về hành trình tìm bố ruột của Phương Nam (Phương Oanh thủ vai), cùng các mối quan hệ rắc rối xung quanh hai anh em Long (Mạnh Trường) – Huy (Anh Vũ) và Khánh Thy (Thu Quỳnh). Mùa hoa tìm lại Hãy nói lời yêu cũng quẩn quanh mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, tình bạn, tình yêu, chiếm sóng giờ vàng VTV3.

Ngoài những tác phẩm phát trên VTV, Cây táo nở hoa (70 tập) khai thác hoàn cảnh éo le của vợ chồng Ngọc - Hạnh (Thái Hòa - Hồng Ánh thủ vai) và 4 người em của Ngọc gồm Ngà (Trương Thế Vinh), Châu (Thuý Ngân), Báu (Nhã Phương), Dư (Song Luân) cũng đang lên sóng Đài Truyền hình TPHCM.

Hồ sơ cá sấu là bộ phim hiếm hoi khai thác đề tài hình sự nửa đầu năm 2021.
Hồ sơ cá sấu là bộ phim hiếm hoi khai thác đề tài hình sự nửa đầu năm 2021.

Không thể phủ nhận các bộ phim dài tập này phần nào gây được tiếng vang khi thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube… nhờ sự góp mặt của dàn diễn viên đẹp, diễn xuất tốt cùng lối xây dựng kịch bản chứa đựng nhiều cao trào. Tuy nhiên điều này cũng không thể khỏa lấp khoảng trống trong lòng khán giả khi những thể loại phim chính luận và hình sự từng gây ấn tượng một thời như Ma làng, Người phán xử, Sinh tử… dần mất hút trong dòng chảy phim truyền hình Việt. Để rồi hiện tại khi mở ti vi người xem cảm thấy bị bội thực khi nhan nhản chủ đề thương trường, ngoại tình, mâu thuẫn gia đình, chuyện người thứ 3…

Dẫu biết rằng sự thắng thế của các đề tài gia đình cũng xuất phát từ thị hiếu của khán giả, khi đối tượng xem phim chủ yếu là nội trợ và người lớn tuổi. Do đó, những mẩu chuyện xoay quanh mối quan hệ cha mẹ và con cái, mẹ chồng nàng dâu vẫn có một sức hút kỳ lạ dù được khai thác trong nhiều năm qua.

Mặc khác sự thiếu vốn sống, kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng nhất định trong các lĩnh vực đặc thù của đội ngũ biên kịch cũng được xem là lý do khiến các tác phẩm thể tài chính luận, hình sự, bác sĩ… vắng bóng.

“Biên kịch phim truyền hình Việt Nam hiện tại vẫn chưa biết cách khai phá những đề tài mới, họ còn thiếu tự tin và không dám đột phá. Chính vì vậy, họ cứ dọn những món ăn quen thuộc (chủ đề gia đình) mang đến khán giả nhưng về lâu về dài điều này sẽ là con dao hai lưỡi, bởi đến một lúc nào đó họ không còn khả năng tìm ra cái mới trong khi đòi thị trường ngày càng cao thì chính họ sẽ là những người bị đào thải” - Nhà thơ, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt chia sẻ.

Ngập tràn những bộ phim lấy đề tài gia đình lên sóng khung giờ vàng.
Ngập tràn những bộ phim lấy đề tài gia đình lên sóng khung giờ vàng.

Các bộ phim dài tập đuối sức

Quá nhiều phim đề tài gia đình na ná về nội dung cùng phát sóng một thời điểm khiến khán giả trở nên khắt khe hơn. Sau thời gian khởi đầu thuận lợi, nửa phần sau của Cây táo nở hoa đã giảm mạnh sức hút với tình tiết dàn trải, nhiều tập vẫn chưa kết xong một vấn đề. Điển hình như chỉ mỗi việc thông báo cho gia đình mình đã bị ung thư mà Ngọc lại chần chừ đến 5 tập phim vẫn không thể thốt nên lời.

Bị kịch chấp nối bi kịch lần lượt đẩy các nhân vật Ngọc, Ngà, Châu, Báu và Dư vào cảnh không lối thoát nhưng chẳng đưa ra được cách giải quyết hợp lý khiến người xem ngao ngán. Cố đấm ăn xôi để kéo dài phim dường như đã phá nát công sức ban đầu của cả ekip, từ diễn xuất đồng đều của các diễn viên từng là điểm sáng trong khoảng 30 tập đầu thì giờ chỉ vì sự thiếu chặt chẽ trong kịch bản khiến họ trở nên một màu, nhàm chán và không còn có tính bất ngờ với khán giả.

Trong khi đó, Hương vị tình thân dù chỉ mới gần kết thúc phần 1 nhưng cũng nhận khá nhiều phản ứng trái chiều về cách xây dựng nhân vật và nội dung. Với những lằng nhằng tình cảm giữa Nam và Long, sự mưu mô của mẹ con Khánh Thy, khán giả dự đoán Hương vị tình thân phần 2 nhiều khả năng đi vào vết xe đổ “đầu voi đuôi chuột” của Hướng dương ngược nắng.

Khán giả ngán ngẩm trước những tình tiết phi lý trong Cây táo nở hoa.
Khán giả ngán ngẩm trước những tình tiết phi lý trong Cây táo nở hoa.

Những năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ với những khung hình chuẩn, khai thác những góc quay đẹp cho đến bối cảnh và đạo cụ cũng được đầu tư bài bản không thua kém gì so với các nước phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc… nhưng để có thể giữ chân người xem trong một dự án dài tập thì vẫn cần nhiều hơn thế và kịch bản được xem là chìa khóa.

Do Cây táo nở hoaHương vị tình thân là những bộ phim remake nên đòi hỏi của công chúng lại càng cao hơn khi mọi người dễ dàng so sánh với bản gốc. Không dừng lại và kết phim lúc hay nhất như bản gốc What’s Wrong Poong San của Hàn Quốc, Cây táo nở hoa cứ mãi chìm đắm trong vòng luẩn quẩn và “đẻ” thêm nhiều tình huống, cố xoáy sâu vào nghịch cảnh của từng nhân vật... nhưng liên tục để lộ các tình tiết phi lý và nội dung hời hợt.

Thất bại của Cây táo nở hoa và trước đó là Hướng dương ngược nắng, Tiếng sét trong mưa, Gạo nếp gạo tẻ… một lần nữa buộc các nhà sản xuất và biên kịch phải nhìn nhận lại cách làm phim của mình. Thay vì cố kéo dài tác phẩm đến mức giới hạn không thể kéo thêm được nữa mới chịu kết thúc thì hãy dừng hợp lý, lúc phim hay nhất để khán giả nhớ mãi.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI