Phí, an toàn bảo mật là rào cản của thanh toán không dùng tiền mặt

09/02/2019 - 06:00

PNO - Đề án thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) sau hai năm đạt được một số kết quả, song hiện vẫn gặp khó khăn do người dân còn lo ngại về chi phí cũng như niềm tin về bảo mật của các ngân hàng.

Máy POS còn ít, nhiều nơi còn thu phí quẹt thẻ

Trong khi Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm mọi hình thức thu phí quẹt thẻ khi thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS, mPOS) để khuyến khích người dân TTKDTM thì một số cửa hàng trên địa bàn TP.HCM vẫn ngang nhiên thu phí quẹt thẻ của khách từ 1.8 – 2%/lần giao dịch.

Việc thu phí này còn được nhiều trang bán hàng trực tuyến áp dụng và niêm yết mức phí công khai ở mức 2,7%. Nhiều người mua hàng chấp nhận mức phí này vì cứ nghĩ đây là quy định của Nhà nước.

Phi, an toan bao mat la rao can cua thanh toan khong dung tien mat
Phí, an toàn bảo mật là trở ngại TTKDTM hiện nay

Nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, để hạn chế tình trạng thu phí của khách hàng, thời gian qua, một số tổ chức thanh toán thẻ đã siết chặt quản lý bằng cách cử người bí mật đến các POS, đóng vai khách hàng để kiểm tra. Nếu phát hiện điểm chấp nhận thẻ thu phụ phí sẽ thông báo cho ngân hàng phát hành POS xử lý.

Nhưng thực tế cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy đơn vị nào bị xử phạt trong khi tình trạng thu phí quẹt thẻ vẫn xảy ra nhan nhản. Cũng chính vì bị thu phí nên nhiều người dân khi nghe đến cụm từ “quẹt thẻ” đều lo ngại, né tránh và ưu tiên dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, mạng lưới đặt máy POS, mPOS hiện nay không đồng đều cũng là rào cản khiến người dân không mặn mà. Các máy quẹt này chủ yếu tập trung tại siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn. Nguyên nhân lượng máy POS, mPOS còn ít là do các cửa hàng sử dụng máy đang phải trả mức phí khá cao, từ 1,5 – 3,3% doanh  số sử dụng thẻ cho ngân hàng.

Trong khi đó, cửa hàng lại khó tăng giá bán nên họ chọn giải pháp không lắp đặt máy POS, mPOS. Thậm chí ngay cả các ngân hàng cũng ngại đầu tư đặt máy POS, mPOS tại vùng ngoại thành, nông thôn do số lượng khách thanh toán không nhiều, không đủ bù đắp chi phí đầu tư máy.

Ngay cả những khách hàng có ý thức TTKDTM cũng dễ nản không muốn sử dụng vì hệ thống máy POS, mPOS tại nhiều nơi xuống cấp. Một số khách hàng đi taxi phản ánh, họ muốn TTKDTM nhưng hệ thống máy POS tại các điểm này hoạt động chập chờn, lỗi hoạt không hoạt động được.

Hiện nay, nở rộ thanh toán bằng ví điện tử được cho là một bước tiến mới của TTKDTM. Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, mức tăng trưởng không dùng tiền mặt qua NAPAS và các ngân hàng trong năm qua tăng mạnh. Hệ thống NAPAS đã xử lý hơn 1,3 triệu giao dịch/ngày, tăng 1,75 lần so với năm ngoái, tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống trong năm 2018 đạt 3.500 tỷ đồng, tăng trưởng 166% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy thói quen của người tiêu dùng trong thanh toán đang dần thay đổi theo hướng tích cực.

Nhưng thực tế cần phải nhìn nhận, ví điện tử vẫn còn nhiều hạn chế. Một số ví không thể sử dụng ở nước ngoài; không liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng, khách muốn dùng phải chuyển tiền từ tài khoản thẻ hay tài khoản ngân hàng vào ví mới có thể sử dụng; các đơn vị ví chưa thể liên kết với nhau nên người dùng phải tải rất nhiều app khác nhau về điện thoại để sử dụng…

Phi, an toan bao mat la rao can cua thanh toan khong dung tien mat
 

Nên giảm bớt mức phí lắp đặp để khuyến khích

Ông Từ Tiến Phát - Phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng, việc các ngân hàng đặt máy POS tại các cửa hàng giúp cửa hàng tăng thêm tiện ích để thu hút khách hàng, bên cạnh các khách hàng truyền thống sử dụng tiền mặt trong thanh toán từ trước.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng trong việc đa dạng phương thức thanh toán để tăng doanh thu, cũng như đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để khuyến khích khách hàng TTKDTM. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều rào cản liên quan đến chi phí đầu tư công nghệ, chi phí trả cho ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán, thuế…

“Đề nghị Ngân hàng nhà nước cần phải hạ phí quẹt thẻ để khuyến khích các cơ sở kinh doanh đặt máy POS. Hiện mức phí các tổ chức thẻ quốc tế áp dụng cho thị trường VN còn khá cao từ 2 – 2,5%. Vì vậy các tổ chức thẻ quốc tế nên có chính sách khuyến khích hoặc có chiến dịch giảm phí từng đợt. Bên cạnh đó cần phải đưa ra biểu phí chung vì thực tế mức biểu phí không lành mạnh cho các bên tham gia” - ông Từ Tiến Phát đề nghị.

Mối lo ngại lớn nhất của người dân về TTKDTM chính là mức độ bảo mật an toàn khi sử dụng vì thời gian qua xảy ra không ít vụ rút trộm tiền qua thẻ ATM. Ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, con số thanh toán điện tử liên ngân hàng vào khoảng 3.000 tỷ đồng/ngày. Đây là con số rất lớn nhưng cho đến nay chưa có rủi ro tài chính liên quan đến hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

“Vẫn có một số vụ việc mất tiền xảy ra nhưng do người dân làm lộ thông tin bảo mật của mình. Cho đến nay hệ thống thanh toán của nước ta vẫn đảm bảo an toàn. Ngân hàng Nhà nước bao giờ cũng đánh giá rủi ro để có giải pháp đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán, triển khai nhiều giải pháp đển bảo mật chặt chẽ, nhiều tầng, sử dụng cả các giải pháp phân tích qua hành vi giao dịch của khách hàng để nhận biết rủi ro. Do đó người dân nên yên tâm khi sử dụng thanh toán điện tử” - ông Lê Mạnh Hùng khẳng định.

Bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch Fulbright Việt Nam nhận định, việc sử dụng tiền mặt của người dân đã là thói quen, và nếu là thói quen sẽ rất khó bỏ. Nhưng nếu thanh toán điện tử phát triển thuận tiện, dễ sử dụng thì dần cũng sẽ trở thành thói quen.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI