Phạt ‘kẻ giấu mặt’ khó như ‘đuổi hình bắt bóng’

14/06/2017 - 11:00

PNO - Qui định phạt “Từ 2 - 5 triệu đồng nếu có hành vi cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân” đối với tài khoản mạng xã hội là vấn đề đang được nhiều cư dân mạng quan tâm.

Dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng vừa được Bộ Thông tin & Truyền thông công bố để lấy ý kiến. Ngay lập tức, ở Qui định phạt “Từ 2 - 5 triệu đồng nếu có hành vi cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.

Có thể quản thuê bao di động

Người ta quan tâm với câu hỏi phổ biến nhất là: Làm thế nào để bắt người dùng đăng kí thông tin cá nhân chính xác, nghĩa là không khai man khai dối? Và làm sao kiểm soát được việc này khi người dùng Facebook, Google, YouTube.v.v… hiện nay có đến cả trăm triệu tài khoản thật – giả lẫn lộn trong nhiều trường hợp không dễ phân biệt và không biết tin vào tài khoản, nickname nào?

Tuy nhiên nếu nhìn một cách toàn diện hơn về qui định này có thể tạm phân ra hai tuyến dịch vụ thường buộc người dùng kê khai thông tin cá nhân.

Phat ‘ke giau mat’ kho nhu ‘duoi hinh bat bong’
Việt Nam có khoảng 140 triệu thuê bao di động nhưng chẳng ai dám chắc các thuê bao trả trước đăng kí thông tin cá nhân chính xác chiếm bao nhiêu phần trăm. 

Thứ nhất, đó là các dịch vụ viễn thông, điện, nước. Nhưng câu chuyện nhức nhối về khai man thông tin cá nhân lâu nay rơi vào dịch vụ thông tin di động với các thuê bao trả trước.

Thuê bao trả trước khai man thông tin các nhân liên quan tới tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo, sử dụng thuê bao kê khai thông tin giả để phục vụ hành vi phạm pháp. Hiện cả nước có khoảng 140 triệu thuê bao di động, trong đó thuê bao trả trước chiếm khoảng 90%. Nhưng có một điều, chẳng ai dám chắc các thuê bao trả trước đăng kí thông tin cá nhân chính xác chiếm bao nhiêu phần trăm.

Còn nhớ cuối năm 2016, chính Bộ Thông tin & Truyền thông đã gây sức ép, buộc nhà mạng phải hủy đến hơn 11 triệu SIM rác, là cũng khoảng từng ấy thuê bao kê khai thông tin cá nhân không đúng.

Cũng trong khoảng thời gian đó, các nhà mạng thông báo cho thuê bao đăng kí lại thông tin cá nhân, thuê bao nào quá hạn không đăng kí sẽ bị chế tài ở nhiều mức khác nhau.

Từ thực tế những năm qua có thể khẳng định rằng: Hoàn toàn có thể kiểm soát được việc đăng kí thông tin cá nhân của thuê bao di động trả trước. Vấn đề là, các nhà mạng có thực hiện nghiêm qui định này hay không; có dễ dãi, vì lợi nhuận kinh doanh mà lơ là, buông bỏ cho các đại lí, mạng lưới phân phối muốn “lồng giả thành chân” thế nào cũng được không không?

Nếu nhà mạng nghiêm, thì gần như các thuê bao kê khai thông tin man dối khó có đất sống. Việc này có thể tham khảo trường hợp khi chúng ta sang một số nước, muốn sử dụng dịch vụ di động phải photo copy hộ chiếu của chính mình để lưu giữ thông tin. Như vậy, chế tài phạt từ 2-5 triệu đồng là cần thiết, và có thể giúp giảm thiểu tình trạng lơ là khai ẩu, khai cho có.

Nhưng khó quản người dùng mạng xã hội

Anh Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena – đặt vấn đề với status trên trang Facebook của mình: “Để luật này có hiệu quả thì nhà nước phải bổ sung luật chế tài các nhà mạng như Facebook, Youtube,... phải cung cấp thông tin khi nhà nước VN yêu cầu. Việc gì sẽ xảy ra nếu Facebook, Youtube, Google không tuân theo thì cấm tại VN?”.

Phat ‘ke giau mat’ kho nhu ‘duoi hinh bat bong’
Quản người dùng mạng xã hội rất khó khăn.

Thực tế là việc đăng kí thông tin cá nhân trên tài khoản mạng xã hội hiện nay rất lỏng lẻo. Các mạng xã hội không hề có chế tài đối với việc này. Còn nhớ cách đây gần 10 năm trước, khi mạng xã hội ZingMe vừa được lưu hành một thời gian, công ty chủ quản của nó là VNG đã phải sử dụng chính sách thưởng cho những tài khoản kê khai thông tin chính xác, nghĩa là chỉ có thể dùng chính sách khuyến khích, chứ không dám ép buộc.

Vì ai cũng biết, nếu ép quá người dùng bỏ đi, doanh nghiệp chủ quản mạng xã hội mất người dùng, kéo theo mất rất nhiều thứ, thậm chí là tất cả. Chính vì điều này mà các mạng xã hội nói chung trên thế giới và ở Việt Nam xưa nay, thường chiều theo “sở thích” không khai thật thông tin cá nhân của người dùng.

Và lúc này, vấn đề đặt ra của anh Thắng quả là hóc búa: Liệu Facebook, Google, YouTube có chịu cung cấp thông tin cá nhân người dùng tại Việt Nam cho các cơ quan hữu trách hay không khi cần? Đã có qui định buộc những mạng xã hội hoạt động xuyên biên giới này phải tuân thủ việc này? Hình như là chưa. Hình như là chúng ta muốn ban hành qui định trước, có sẵn đó, để khi cần đến là lấy ra vận dụng, xử lí các trường hợp vi phạm.

Phat ‘ke giau mat’ kho nhu ‘duoi hinh bat bong’
Nếu Facebook, Google, YouTube không chịu cung cấp thông tin cá nhân người dùng, cũng như không chịu hợp tác để buộc người dùng đăng kí thông tin cá nhân chính xác thì liệu có cấm họ tại VN?

Nên nhớ rằng, Google đã bật sới khỏi thị trường Trung Quốc chính vì không chấp nhận cung cấp thông tin người dùng cho các cơ quan chức năng sở tại, cho nên mới văng sang Hồng Kông để lại thị trường Trung Quốc đại lục hơn 1,3 tỉ dân cho Baidu một mình một chợ. Còn Facebook, dù thèm thuồng thị trường Trung Quốc lắm lắm và CEO của họ là Mark Zuckerberg đã từng sang vài lần nhưng đến bây giờ, vẫn không thể xâm nhập vào được.

Quay lại tình huống anh Võ Đỗ Thắng nêu ra: Có cấm (hoặc chặn như ở Trung Quốc) Facebook, Google, YouTube hay không nếu họ không chịu cung cấp thông tin cá nhân người dùng, cũng như không chịu hợp tác để buộc người dùng đăng kí thông tin cá nhân chính xác? Không giải được bài toán này, thì qui định phạt đối với tài khoản mạng xã hội đăng kí thông tin cá nhân không chính xác, cũng chỉ để cho vui mà thôi.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI