Phạm Trần Việt Nam 'chiêu hồn bằng tranh'

28/05/2018 - 14:00

PNO - Lấy cảm hứng từ Văn tế thập loại chúng sinh (hay còn gọi là 'Văn chiêu hồn') của đại thi hào Nguyễn Du, Phạm Trần Việt Nam đã thực hiện một ý tưởng lãng mạn, điên rồ bền bỉ suốt tám năm: chiêu hồn bằng tranh ngoại cỡ.

Soi vào chi tiết tranh, sẽ thấy những gương mặt bị cắt nát, chằng chịt, bấu víu vào nhau. Đâu đó là những linh hồn vật chất biến dạng, không còn thấy hình, cũng chẳng còn nhận ra bóng. Lấy cảm hứng từ Văn tế thập loại chúng sinh (hay còn gọi là “Văn chiêu hồn”) của đại thi hào Nguyễn Du, Phạm Trần Việt Nam đã thực hiện một ý tưởng lãng mạn, điên rồ nhưng bền bỉ suốt tám năm: chiêu hồn bằng tranh ngoại cỡ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Phạm Trần Việt Nam dành thời gian tìm hiểu về lịch sử, nhất là lịch sử chiến tranh. Xã hội với những điều trần ai, khổ cực; cộng những khó khăn, thất bại từng đi qua; Nam nhận ra, sự đau đớn, cùng cực của con người là điều khiến anh trăn trở nhất. Hình ảnh quỷ dữ và thây ma xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm của anh từ năm 2011, rồi phát triển thành chuỗi tác phẩm trong các năm kế tiếp.

Pham Tran Viet Nam 'chieu hon bang tranh'

Họa sĩ Phạm Trần Việt Nam

Phạm Trần Việt Nam sinh năm 1985, tại Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2010. Anh đã tham gia một số triển lãm và dự án như Dogma Prize (2017), Vietnam Eye (2016), Miền méo miệng (2015), Chị tôi (2010), Phía sau tri thức (2010)...  Dù là con trai của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, được đào tạo chuyên ngành điêu khắc, Phạm Trần Việt Nam chủ yếu thực hành hội họa. Triển lãm Văn tế thập loại chúng sinh sẽ kéo dài tới hết ngày 13/7 tại số 15 Nguyễn Ư Dĩ, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM

Khi tìm một cái tựa để đặt tên cho triển lãm, tiết trời tháng Bảy sắp tới với “mưa dầm sùi sụt/ Toát hơi may lạnh buốt xương khô” và “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du đã gợi cảm hứng và điển hình hóa cho tư tưởng của Phạm Trần Việt Nam. Và xưa - nay gặp gỡ, cùng lập đàn cầu độ chúng sinh. Khác chăng, một người diễn đạt bằng văn chương, một người mượn hội họa để tỏ bày.

Xem tranh Phạm Trần Việt Nam, ta sẽ bắt gặp nhiều giấc mơ và nhiều nhân dạng bị cắt nát. Thế giới trong tranh ám ảnh, đập mạnh vào thị giác. Nhấc bất cứ chi tiết nào ra khỏi bức tranh, cũng đều thành một bức tranh nhỏ trọn vẹn.

Với những bức tranh ngoại cỡ, người nghệ sĩ thường diễn tả tư tưởng vĩ mô liên quan đến đại cảnh, đại cuộc. Phạm Trần Việt Nam khác, tranh của anh đi vào những ngóc ngách li ti, soi tỏ từng phận người. Vì thế, lớn hóa ra lại nhỏ, nhỏ nhưng lại lớn. Trong 10 tác phẩm của triển lãm Văn tế thập loại chúng sinh đang trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory (TP.HCM), có tới 3 bức ngoại cỡ. Bức dài nhất tới 20m.

Theo giám tuyển Trần Lương, Phạm Trần Việt Nam “là một nhân tố thuộc lứa nghệ sĩ trẻ của Việt Nam dám thách thức những định nghĩa thông thường của hành vi “vẽ”, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử mỹ thuật và giáo dục ở nước ta, nơi thực hành vẽ được định nghĩa đơn thuần là việc sử dụng cọ và màu để thể hiện ý tưởng nghệ thuật”. Ở chuỗi tác phẩm lần này, anh sử dụng ngón tay hoặc tăm bông để vẽ thay vì cọ và bảng màu truyền thống, đục thủng thay cho bôi xóa, cắt toàn bộ tranh cũ để dán và thêu chúng trên nền toan mới.

Pham Tran Viet Nam 'chieu hon bang tranh'

Một góc triển lãm Văn tế thập loại chúng sinh

Việc cắt nát các tác phẩm cũ, giống như một sự phẫn uất của người nghệ sĩ; để rồi, anh biến ý tưởng về tâm trí đó thành đề tài - tái sinh trên nền sự hủy diệt. Phạm Trần Việt Nam nói, trí óc anh chất chứa quá nhiều sự ám ảnh chằng chịt, tréo ngoe, nương tựa và cũng nghịch lưu nhau. Nó giống bộ mặt sau một cuộc chiến rã rời, một cơn hoang tàn kiệt quệ. Đọng lại là một trạng thái khó nắm bắt, khó đọc vị. Nhưng nói cho cùng, đã là chúng sinh thì đâu tránh được khổ đau. Vấn đề là ta có đối diện và bước ra khỏi khổ đau hay không.

Tám năm, từ ngày bắt đầu ý tưởng cho tới khi thành hình là 8 năm Nam vắt kiệt mình. Có những ngày chôn chân trong studio 8-12 giờ, cũng chỉ để sống và chết trong khoảnh khắc. Nhưng nếu người ta sống với nhiều khoảnh khắc thì Phạm Trần Việt Nam chỉ chết trong một khoảnh khắc: cái “chết cho tư tưởng”. 

Giám tuyển Trần Lương

Trái ngược với hiệu ứng áp chế của những bức tranh ngoại cỡ, Phạm Trần Việt Nam không đưa vào tác phẩm những ý tưởng vĩ mô như thường làm trước kia. Việc sáng tác, hay vẽ, đối với anh là những cảm xúc tuôn ra tự nhiên và dai dẳng như hơi thở, xuất phát từ những trăn trở về xã hội và những điều trần ai trước mắt.

Việc tái cấu trúc các bức tranh cũ, mang cho chúng một sức sống mới không chỉ nhằm phục vụ một ý tưởng mà là nỗ lực chữa lành và hàn gắn nội tâm của chính người nghệ sĩ. Ta có thể nhận thấy ở toàn bộ triển lãm một sự vận chuyển âm ỉ từ cái chết, sự hủy diệt đến kỳ vọng to lớn về sự trở lại, sự hồi sinh. Phần nào đó, tác phẩm của Phạm Trần Việt Nam chia sẻ chung tâm thế với bài văn tế của Nguyễn Du - hướng con người đi theo con đường từ bi, để thoát cảnh tai ương khổ ải của kiếp luân hồi.

Du Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI