Pate nhiễm độc và nghịch lý “thực phẩm nhà làm”

08/09/2020 - 09:28

PNO - Từ sở thích nấu ăn, thường đăng ảnh trên Facebook, tôi tình cờ trở thành người bán món “thịt xíu nhà làm” với một chút bí quyết tạo mùi thơm từ củ nén.

 

Vụ ngộ độc pate Minh Chay cho thấy rủi ro về mất an toàn thực phẩm vẫn rất lớn
Vụ ngộ độc pate Minh Chay cho thấy rủi ro về mất an toàn thực phẩm vẫn rất lớn

Ban đầu, chỉ vài người quen đặt mua với số lượng nhỏ; sau đó, số người đặt hàng tăng dần nên có lúc, tôi làm một mẻ gần chục ký thịt. Để làm ra món thịt xíu thơm ngon, tôi chọn mua thịt ba rọi rút sườn của một thương hiệu lớn, các gia vị đi kèm cũng thuộc loại đắt tiền. Dù vậy, tôi không thể biết chính xác món thịt mình làm ra có thể bảo quản được bao lâu.

Rắc rối bắt đầu xuất hiện khi nhiều người đặt hàng cùng lúc. Tôi phải mua một lượng thịt lớn về sơ chế để qua đêm, hôm sau mới nấu chín. Trước khi mang đi giao, tôi nếm thử và nhận thấy thịt có vị hơi chua, không ngon như thường lệ. Tôi hủy bỏ toàn bộ mẻ thịt đó để làm lại nhưng cảm giác món thịt xíu được làm với số lượng lớn không còn đặc biệt như trước.

Sau hai lần thất bại, sợ món thịt mình làm với số lượng lớn khó đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là khâu bảo quản, đóng hộp, giao hàng, tôi quyết định dừng bán hàng qua mạng. Theo tôi, để đảm bảo an toàn, từ khâu chọn mua nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến giao hàng phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học. Nếu bán với số lượng lớn, phải được cơ quan chuyên môn kiểm tra, cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thế nhưng, trên thực tế, “thực phẩm nhà làm” lại là một nghề kinh doanh vô cùng đơn giản. Từ phong trào “trà sữa nhà làm”, chỗ nào cũng bán thức ăn đường phố đủ sắc phẩm màu chạy như tôm tươi; giờ ngay cả bữa sáng, bữa trưa, người ta cũng đặt hàng qua mạng… 

Tôi không rõ cụm từ “thực phẩm nhà làm” xuất hiện từ đâu, nhưng ai là người đầu tiên nghĩ ra cách tiếp cận đó quả là nhà tâm lý đại tài. Giữa lúc người tiêu dùng hoang mang vì thực phẩm “bẩn” với những câu chuyện truyền tai như: người trồng rau không dám ăn rau mình trồng, người nuôi cá không dám ăn cá mình nuôi, người bán thức ăn không dám ăn món ăn mình nấu… cụm từ “thực phẩm nhà làm” như xóa bỏ những hoài nghi, tạo ra niềm tin rất thật.

Mấy năm trước, lúc rộ lên nạn thực phẩm “bẩn”, bạn tôi phải gom tiền mua một mảnh đất ở vùng ven Sài Gòn để trồng rau, nuôi heo, tự cung cấp thực phẩm cho gia đình. Mỗi khi tôi đến chơi, anh thường cho một ít rau mang về và không quên nhắc nhở: “Đừng mua rau ngoài chợ nghen, họ toàn phun thuốc đó”. Để hạn chế mua nhầm thực phẩm “bẩn”, nhiều người quen của tôi đang sinh sống tại TPHCM cũng phải thường xuyên nhờ người thân ở quê gửi vào từng mớ rau, cân thịt.

Một lần, nhờ người quen ở quê mua giùm một ít thực phẩm “sạch”, bạn tôi thắc mắc: “Lúc trước, người ở quê xem những loại thực phẩm được sản xuất với quy mô lớn, được đóng gói, đóng hộp và ghi rõ nơi sản xuất từ thành phố gửi về mới đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, sao bây giờ ngược lại?”. Tôi thật sự bối rối trước câu hỏi này và không biết giải thích ra sao. 

Trước khi xảy ra vụ pate Minh Chay gây ngộ độc, loại thực phẩm cả chay lẫn mặn này được bán phổ biến khắp nơi. Ghé vào tiệm bánh mì nhỏ lẻ nào, tôi cũng thấy một hộp pate không ghi nhãn mác. Thắc mắc về nguồn gốc thì người bán phân bua: “Pate nhà làm, chú đừng lo”. Không chỉ pate, những loại thực phẩm khác như chà bông, ruốc khô, thịt xíu… cũng không ai biết nguồn gốc ra sao, cách chế biến, bảo quản thế nào, nhưng ai ai cũng bán. 

Có lần, theo chân đoàn kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm ở TPHCM, tôi không khỏi rùng mình khi thấy chà bông được rải phơi trên sàn nhà cáu bẩn, nhớp nhúa. Nguyên liệu lại nhập nhằng, hóa đơn nhập hàng ghi “thịt gà phế phẩm” nhưng trên bao bì thành phẩm lại thể hiện là “chà bông heo”. Rồi những chất phụ gia dùng để tẩm ướp cũng không được thể hiện rõ ràng là chất gì. Dù vậy, những kiểu sản xuất như thế chỉ cần quảng cáo “nhà làm” là được đông đảo người mua.

Điều đáng lo là, không phải loại thực phẩm nào mất vệ sinh cũng gây ngộ độc tức thì. Có những loại, độc tố tích tụ qua thời gian rồi gây bệnh lúc nào không biết. Vì thế, khi những loại “thực phẩm nhà làm” được kinh doanh với số lượng lớn nhưng không được kiểm soát, những cái chết từ từ cũng rình rập, bủa vây người tiêu dùng. 

Trung Thanh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI