Ông Nguyễn Hữu Vạn làm Tổng Kiểm toán Nhà nước

24/05/2013 - 20:13

PNO - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 24/5, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà...

Ong Nguyen Huu Van lam Tong Kiem toan Nha nuoc

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hà Giang, Ninh Bình và Hậu Giang thảo luận tại tổ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Nguyễn Hữu Vạn.

Theo kết quả kiểm phiếu, trong số 461 phiếu bầu, có 343 đại biểu tán thành (chiếm 68,87%), số đại biểu không tán thành 118 đại biểu, chiếm 23,69%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Quốc hội đã làm việc khẩn trương nghiêm túc, kết quả bầu cử của Quốc hội có hiệu lực ngay.

Chúc mừng ông Nguyễn Hữu Vạn đã trúng cử chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội mong tân Tổng Kiểm toán Nhà nước nỗ lực phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và cũng là trọng trách rất cao cả mà Quốc hội đã tin tưởng giao cho.

Trước đó, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội và thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú.

Về cơ bản, các đại biểu tán thành với những đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm qua đến nay và dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội.

Đa số đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ lùi thời hạn trình Quốc hội dự án luật Luật Hải quan (sửa đổi), dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; điều chỉnh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội thành dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và chuyển sang Chương trình năm 2014, đồng thời, lùi thời hạn trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sang năm 2014 để xem xét cùng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); lùi dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) sang năm 2014, để xem xét, thông qua sau khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua.

Các đại biểu cũng thống nhất chưa đưa dự án Luật Hộ tịch vào Chương trình, đợi đến khi thông qua xong Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 sẽ xem xét, bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu thì số lượng dự án luật, pháp lệnh được đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 là quá nhiều so với khả năng chuẩn bị, cũng như quỹ thời gian của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội và khả năng xem xét, thông qua của Quốc hội.

Để bảo đảm tính khả thi của Chương trình, tránh bị điều chỉnh quá nhiều, thì việc xem xét, quyết định đưa các dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần phải cân nhắc một cách thận trọng, xác định rõ sự cần thiết, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và những nội dung cơ bản của dự án, các điều kiện cần thiết bảo đảm việc soạn thảo, cho ý kiến và trình xem xét, thông qua .

Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần phải cân nhắc xem xét thêm, quỹ thời gian có hạn, cần lựa chọn ưu tiên số 1 cho những dự án luật phục vụ sau khi sửa đổi Hiến pháp, tiếp đến là ưu tiên đến các dự án luật liên quan đến phục vụ tái cơ cấu là ý kiến của đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội). Đây cũng là quan điểm của đại biểu Đỗ Kim Tuyến, Bùi Thị An (Hà Nội) với nhìn nhận danh sách các luật ưu tiên xem xét còn phân tán, có luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhưng lại được xem xét sau sẽ làm ảnh hưởng tiến trình sửa đổi Hiến pháp.

Theo đánh giá của các đại biểu Đỗ Kim Tuyến, Bùi Thị An (Hà Nội) một số bộ luật đã có hiệu lực nhưng đi vào thực tiễn chuyển động chưa thực sự rõ nét, các văn bản quy định dưới luật còn chậm làm cho hiệu lực của Luật bị hạn chế. Đề nghị tại kỳ họp sau Quốc hội nên có đánh giá hiệu lực thực tiễn của Luật, ra nhiều nhưng đi vào cuộc sống được bao nhiêu, tốt hay chưa, vì sao, để đỡ mất thời gian, sức lực của người dân và của Quốc hội.

Theo thống kê, tính đến tháng 4/2013, Chính phủ còn nợ 53 văn bản quy định chi tiết 23 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị phải làm rõ ai chịu trách nhiệm về thời hạn, chất lượng dự án luật, cũng như việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị các Ban soạn thảo và cơ quan, tổ chức trình dự án Luật cần hạn chế tối đa các quy định khung, quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo Luật có thể đi ngay vào cuộc sống sau khi có hiệu lực và hạn chế việc phải sửa đổi liên tục. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng chương trình xây dựng luật năm 2014 có số dự án Luật sửa đổi và sửa đổi, bổ sung chiếm phần lớn (21/23 dự án Luật Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8).

Ông Phạm Huy Hùng đề nghị Quốc hội quan tâm hơn trong việc xây dựng các dự án Luật mới nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và phát triển đất nước, đặc biệt là lĩnh vực phát triển kinh tế biển, đảo.

Phân tích những mặt bất cập liên quan đến quản lý chính quyền đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Ngô Ngọc Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2014 cho phép địa phương này xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Đối với Luật cư trú (sửa đổi), các đại biểu đánh giá Ban soạn thảo đã tiếp thu chỉnh lý tốt hơn so với lần trình trước đây, các nội dung sửa đổi đã nêu rõ những vấn đề bức bách. Về cơ bản, các đại biểu đồng tình với kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định về hành vi bị nghiêm cấm; về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; về thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; về đăng ký tạm trú; về lưu trú và thông báo lưu trú nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật cư trú hiện hành và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, nhất là ở khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Các đại biểu cho rằng việc xác nhận về diện tích nhà ở và số lượng người đang cư trú tại nơi ở đó sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) thì việc quy định thời hạn đăng ký tạm trú là không cần thiết, luật hiện hành không xác định thời hạn tạm trú tối đa 24 tháng là hết hạn. Việc cấp lại đăng ký tạm trú sẽ gây nhiều tốn kém về chi phí và thủ tục hành chính rườm rà phức tạp, nên giữ nguyên là không quy định hạn đăng ký tạm trú, mà bổ sung nội dung mỗi năm người đăng ký tạm trú phải đến thông báo với công an phường.

Để tránh tình trạng diện tích nhà quá nhỏ nhưng lại có nhiều người đăng ký cùng chung sống, cán bộ thừa hành nhiệm vụ đăng ký cư trú có thể trục lợi, các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng nhiều Luật cư trú cần phải bổ sung hành vi bị nghiêm cấm dành cho cán bộ, cơ quan quản lý cho đăng ký thường trú mà người có sổ hộ khẩu không đồng ý, diện tích nhà không đảm bảo mức tối thiểu./.

Theo CHU THANH VÂN (TTXVN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI