Nước mắt phụ huynh

08/09/2018 - 06:00

PNO - Cậu học trò tôi cho là “cá biệt” trở nên lặng lẽ mỗi ngày lên lớp, tôi hiếm khi thấy em mở lời kể từ sau buổi họp phụ huynh. Còn người mẹ, mỗi khi nhớ lại chuyện cũ là chị lại rơm rớm nước mắt.

Trong buổi họp phụ huynh, tôi tranh thủ thông báo ngắn gọn và đầy đủ về tình hình học tập, sinh hoạt của học sinh rồi kết thúc một cách nhanh chóng. Mục đích buổi họp của tôi chủ yếu tập trung vào cậu học sinh mà tôi đã gửi thư mời đặc biệt cho phụ huynh trước đó. Trước khi nói lời kết thúc để các phụ huynh khác ra về, tôi còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần yêu cầu phụ huynh của học sinh cá biệt ở lại để trao đổi một số vấn đề về học lực lẫn hạnh kiểm của em.

Nuoc mat phu huynh
Học sinh rất cần thầy cô thấu hiểu và chia sẻ

Khi lớp học chỉ còn lại ba người, tôi đổi sắc mặt. Chưa kịp để người mẹ nói gì, tôi lật sổ điểm ra, cầm cây bút gí vào con điểm 2 mang tên cậu học trò đang ngồi trước mặt mình, tức giận nói: “Học đã dốt mà còn thiếu đạo đức. Làm bài 2 điểm thì sau này làm gì mà ăn? Sự tôn trọng cô giáo em để ở đâu?”.

Người mẹ ngồi im lặng, lắng nghe tất cả những lời lẽ khó chịu nhất tôi dành để kể tội con chị. Khuôn mặt chị đỏ lên, đôi lúc cố nén nghẹn ngào. Cậu học trò mà tôi cho là cá biệt đang vòng hai tay trên bàn, khép nép bên mẹ, chưa một lần ngẩng mặt lên kể từ lúc cùng mẹ vào phòng họp.

“Xin cô giáo cho phép tôi được nói đôi lời”, người mẹ mở lời sau một khoảng lặng im. Chị nhìn thẳng vào mắt tôi, cương nghị, trái với điều tôi đang hình dung trong đầu về phản ứng tôi sẽ nhận được từ chị là thái độ biết lỗi, là lời hứa sẽ về nhà dạy lại con, hay mắng con ngay trước mặt cô giáo... mà tôi đã quá quen với những phụ huynh lao động nghèo vùng biển.

Nhưng không, chị rõ ràng từng tiếng một: “Thưa cô, chúng tôi làm thợ nên cũng không dám mong sau này con mình sẽ làm thầy, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng cho con đến trường, học từ thầy cô, để đời nó không phải chịu cảnh dốt nát như cha mẹ. Vậy mà nó vẫn dốt là vì đâu? Tôi không dám quy trách nhiệm cho những người trực tiếp dạy nó, mà tự nhủ một điều rằng con tôi dốt, vì cha mẹ nó dốt. Nhưng khi cô cho rằng, con tôi thiếu đạo đức, thì đó là điều tôi không chấp nhận được. Tôi hiểu rõ con mình. Nhà tôi có thể thiếu rất nhiều, nhưng đạo đức thì không…”. Nói đến đây, những giọt nước mắt của người mẹ tức tưởi tuôn ra. Cậu học trò ngồi kế bên mẹ bật khóc theo, những giọt nước mắt lã chã rơi xuống mặt bàn. 

Trong khoảnh khắc, tôi trở nên bối rối, không biết mình nên làm gì, ứng xử như thế nào. Rồi nhận thấy mình đã sai một điều gì, nhưng tôi vẫn cố gắng để chứng minh với người mẹ rằng, con của chị “thiếu đạo đức”, khi cùng bạn bè xé bài kiểm tra điểm 2 môn toán do tôi dạy để xếp máy bay ném nhau.

Nhưng tôi lại tiếp tục sai khi biết sự thật bài kiểm tra không phải do con chị xé mà do bạn bè tự động lấy trong giờ ra chơi.

Đó là một vết đen trong cuộc đời đi dạy, mà nếu không có những giọt nước mắt của người mẹ, tôi không nhìn thấy được. Đến hôm nay, câu chuyện trôi qua đã khá lâu, nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác thẹn với lòng mình.

Cậu học trò tôi cho là “cá biệt” trở nên lặng lẽ mỗi ngày lên lớp, tôi hiếm khi thấy em mở lời kể từ sau buổi họp phụ huynh. Còn người mẹ, qua người khác tôi biết được, mỗi khi nhớ lại chuyện cũ là chị lại rơm rớm nước mắt.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI