Nước mắt giữa mùa đau khổ

03/04/2020 - 22:33

PNO - Xin nghiêng mình tiễn đưa những người lính của thời bình. Và xin được cúi đầu trước những người mẹ, đã chịu nỗi đau và sự mất mát tận cùng này.

Bạn thấy gì trong đôi mắt người mẹ ấy?

Bạn đang thấy gì ở khoảng trống mênh mông trước cái nhìn tan tác ấy? Có phải vì chiếc khẩu trang đã che hết phần khuôn mặt mà nỗi đớn đau cùng cực như dồn nén vào hai khóe mắt chỉ còn lại sự mất mát. Cũng có lẽ, khi được đồng đội của con đưa bà vào trung tâm pháp y, nhìn mặt đứa con trai duy nhất lần cuối, bà đã gào thét gọi tên con mình, để rồi trong khoảnh khoắc, giữa lao xao người, ngắm nhìn con qua di ảnh, giọt nước mắt khô hay chính nỗi đau làm mẹ đã gần như hóa đá.

Bà tên Nguyễn Thị Hảo, là mẹ của đại úy Đặng Thanh Tuấn, một trong hai chiến sĩ đã hy sinh trong khi thực thi nhiệm vụ truy bắt các đối tượng tổ chức đua xe trái phép, cướp giật tài sản người đi đường tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng, đêm 2/4. 

Chiều ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm lên thiếu tá đối với đại úy Đặng Thanh Tuấn, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cũng có quyết định thăng cấp bậc hàm lên thượng sĩ đối với trung sĩ Võ Văn Toàn.

Lại thêm một lần chúng ta chứng kiến sự hy sinh giữa thời bình. Sự ngã xuống của những chiến sĩ công an trong khi thực thi nhiệm vụ truy cản đối tượng đua xe trái phép, theo đúng nghĩa đen, luôn phản ánh một thảm trạng xã hội qua bộ mặt “trẻ trâu” của những kẻ ngáo đá, độc ác, bất lương. Chừng nào luân lý - của những bậc làm cha làm mẹ có công sinh mà không dạy hay sự bất lực của giáo dục xã hội - và luật pháp còn nương nhẹ (như hiện nay) thì chừng đó, những cú ngã xuống bên vệ đường hay sự hy sinh trên từng cây số vẫn sẽ còn tái diễn, đầy phẫn uất và đau xót như vậy.

Những kẻ có tuổi đời chỉ mới 15-16, chúng ra tay hết sức tàn độc, man rợ, theo lời của một đồng đội thì khi bị truy cản đến khu vực cầu Mân Quang, lợi dụng thời điểm giãn cách toàn xã hội trong đại dịch COVID-19, chúng hùa nhau chèn và tạt đầu xe hai chiến sĩ. Theo nhật ký của người đồng đội, thiếu úy Nguyễn Thị Hồng Hoa thì “các anh ra đi thương tâm lắm, không còn vẹn hình hài”.

Tôi nhớ, cách đây tròn 2 tháng, ngày 3/1, cũng một người trẻ nằm xuống, một chiến sĩ công an đã hy sinh trong khi truy cản nhóm đua xe trái phép trên Quốc lộ 22, TPHCM. Con còn chưa kịp chào đời. Và nay, một người mẹ khóc lặng, một người mẹ chẳng hay rằng con trai mình từ đây sẽ không còn về nhà được nữa (theo thông tin, do sợ mẹ của trung sĩ Võ Văn Toàn không chịu đựng nổi nên ban đầu đồng đội chưa thể báo tin). Giữa những ngày cuồng quay của đại dịch COVID-19, chỉ mong ai nấy cứ “ở yên” hay giãn cách là đã phần nào mang lại sự an toàn cho bản thân, cộng đồng. Để rồi, trong sự cầu mong an toàn ấy, lại có những con người, với phận sự xã hội của mình đã đối diện sự an nguy, đối đầu với sự man rợ của những kẻ đội lốt người.

Các anh ngã xuống và ra đi giữa con đường vắng. Đồng đội các anh còn phải bám ca trực cách ly. Đến khi đón được các anh về, thu xếp cho cuộc tiễn đưa cuối cùng, cũng đơn sơ, gọn nhẹ bởi đang là cao điểm thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Xin nghiêng mình tiễn đưa những người lính của thời bình.

Và xin được cúi đầu trước những người mẹ, đã chịu nỗi đau và sự mất mát tận cùng này.

Để rồi trên mỗi chặng đường ta qua, những góc phố ta dừng, hay bên ngoài ngôi nhà bình yên ta trú ngụ, sẽ tự nhủ rằng, ngoài kia, ngay đây, ở đó luôn có những hy sinh thầm lặng, những giọt nước mắt khô và cả những “xác sống” man rợ…

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Văn Út Thơ 05-04-2020 02:44:33

    Tôi k biết phải dùng từ ngữ nào để nói thêm được nữa cả. Tận cùng nổi đau và ngược lại là sự tàn bạo đến man rợ, cái tất là phải trả giá nhưng k thể bù đắp được... Lên án và bài trừ ngay những cái gọi đúng là xác sống, sát nhân man rợ của xã hội.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI