Nữ tu Phật giáo bền bỉ gieo hạt từ tâm

15/01/2023 - 06:38

PNO - Bên cạnh công tác Phật sự, nữ tu Phật giáo còn có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội với phương châm “tốt đời đẹp đạo”.

 

20 năm qua, ni sư Thích Nữ Nhựt Thành tất bật mỗi ngày để cung cấp những suất ăn miễn phí cho bệnh nhân, người nghèo  - Ảnh: Thu Lê
20 năm qua, ni sư Thích Nữ Nhựt Thành tất bật mỗi ngày để cung cấp những suất ăn miễn phí cho bệnh nhân, người nghèo - Ảnh: Thu Lê

Bếp ăn tình thương 20 năm đỏ lửa

“Có hôm mệt quá, muốn nghỉ mà không nghỉ được”. Ni sư Thích Nữ Nhựt Thành - Trụ trì chùa Vĩnh Xương, quận 3, TPHCM - nói như vậy về việc duy trì bếp ăn tình thương suốt 20 năm qua, mỗi ngày phát hàng trăm suất ăn miễn phí. 

“Cho con xin 2 phần cơm”. Nghe giọng nói vọng từ ngoài cổng, ni sư liền đứng dậy đi về phía chiếc bàn, lấy 2 suất cơm chay có đủ món canh, xào đã được gói riêng từng bọc, đưa cho người đang đứng đợi. Ni sư tiếp tục câu chuyện đang dang dở: “Duy trì được bếp ăn là sự kết hợp của nhiều nhân duyên. Bệnh nhân, người lao động nghèo rất cần thức ăn, trong khi bá tánh hảo tâm khắp nơi cứ hỗ trợ rau, củ nên mình không thể không tiếp tục làm”. 

Nghe chúng tôi trò chuyện, người đàn ông làm nghề chạy xe ôm vừa xin 2 hộp cơm liền nói góp vào như để thay lời cảm ơn: “Tôi ở bên cầu Bông (quận Bình Thạnh, TPHCM) lận. Mấy năm nay, hễ có cuốc xe nào chạy qua hướng này, tôi đều ghé lấy cơm. Có bữa không có cuốc mà trong túi không còn đồng nào, tôi cũng chạy từ bên đó qua đây lấy, bởi không chỉ lấy cho riêng mình mà còn lấy cho bác bảo vệ khó khăn gần đó. Nhờ sư cô mà tụi tôi đỡ phần nào”.

Người đàn ông chạy xe ôm vừa rời đi thì cụ già bán vé số, người lượm ve chai lần lượt ghé vào. 400 phần cơm trưa cứ thế vơi dần. 

Ni sư Thích Nữ Nhựt Thành kể: “Những năm 2000, tôi nằm bệnh viện liên tục. Buổi sáng ở bệnh viện, tôi chỉ ăn bánh mì không, bởi không có gì ăn được. Nhìn những bệnh nhân xung quanh có được chén cháo nóng để ăn, tôi thầm cầu nếu mình lành bệnh, nhất định sẽ nấu cháo cho bệnh nhân. Bếp ăn của nhà chùa ra đời từ ngày mùng Bốn tết Quý Mùi 2003”. 

Ngày đó, ni sư đã nấu 100 suất cháo, phát ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Nhưng để có những phần cháo nóng ấm cho người bệnh, ni sư phải chuyển tất cả rau củ, nồi niêu sang và mượn bếp ăn của bệnh viện để chế biến, nấu tại chỗ từ 2g sáng mỗi ngày. Đến năm 2006, bếp ăn chuyển sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định bởi bệnh nhân ở bệnh viện này và lân cận rất đông. Năm 2018, bếp ăn bệnh viện không đáp ứng nổi nhu cầu của người bệnh nên ni sư trở về chùa Vĩnh Xương, lắp đặt bếp và nấu tại chỗ, mỗi ngày hơn 1.000 suất, rồi chở đến các bệnh viện Ung Bướu, Gia Định, Bình Dân, Mắt… 

Tháng 5/2021, dịch COVID-19 bùng phát, bếp ăn tạm ngưng phục vụ ở các bệnh viện do phải giãn cách xã hội. Khi đó, ni sư định sẽ nghỉ một thời gian, nhưng thấy nhiều người khó khăn do mất việc, mất thu nhập, bếp ăn từ thiện lại tiếp tục đỏ lửa, ai cần tới lấy. Ni sư nhớ lại: “Mỗi ngày, tôi nấu 400 phần nhưng có hôm vẫn không đủ để phát. Mấy người lượm ve chai, bán vé số, chạy xe ôm nhận cơm miễn phí, họ mừng lắm”.

Trọn đợt dịch COVID-19 năm 2021, chùa Vĩnh Xương trở thành “ATM cơm”. Khi đó, đường Trần Văn Đang bị phong tỏa. Do không thể trực tiếp mang cơm đến từng nhà, ni sư Nhựt Thành nghĩ ra cách làm một đường ống nối từ chùa vào khu cách ly rồi thả từng suất ăn theo đường ống để bà con tự phân phối. 

Ni sư cho biết, để bếp ăn hoạt động đều đặn trong thời gian dài, ai cho gì, chùa đều nhận, thiếu thì mua thêm để các suất ăn có đủ dinh dưỡng.

Nhà chùa ra quân tổng vệ sinh đường phố

Nhiều năm qua, các ni sư, ni cô tại chùa Bồ Đề Lan Nhã, phường 8, quận 6, TPHCM luôn đồng hành với mọi hoạt động xã hội, từ thiện của địa phương. 

Bà Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 6 - cho biết, ngoài việc chuyên tâm tu tập, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, các ni sư, ni cô còn chủ động tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa. Khi tuyến đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm còn nhếch nhác, chính các ni sư, ni cô chùa Bồ Đề Lan Nhã đã tổ chức lễ phát động, kêu gọi người dân cùng dọn dẹp vệ sinh hằng tuần, qua đó tuyên truyền việc hạn chế dùng túi ni lông, phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà.

Chùa ni Thanh Tâm - Phật Cô Đơn tổ chức lễ ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tháng 12/2022 - Ảnh: Phạm Phan
Chùa ni Thanh Tâm - Phật Cô Đơn tổ chức lễ ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tháng 12/2022 - Ảnh: Phạm Phan

Là Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 6 đặc trách ni giới nên ni sư Thích Nữ Như Hiền - Trụ trì chùa Bồ Đề Lan Nhã - luôn quan tâm đến phong trào phụ nữ và công tác hỗ trợ phụ nữ. 

4 năm liền, chùa Bồ Đề Lan Nhã là đầu mối tổ chức chương trình “Ngày hội nữ tu quận 6 làm công tác từ thiện, xã hội”. Chính ni sư Như Hiền vận động các nữ tu Phật giáo, Cao Đài và Công giáo đến chùa để cùng chăm lo cho người nghèo.

Tháng 6/2022, khi đến chùa Bồ Đề Lan Nhã, chúng tôi bất ngờ khi thấy chùa xây dựng một không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ni sư Thích Nữ Như Hiền cho biết, với việc làm này, nhà chùa mong muốn cùng với chính quyền thành phố làm lan tỏa tư tưởng và tinh thần của Bác Hồ trong đời sống nhân dân. 

5 năm, hơn 2.330 tỉ đồng chăm lo cho đối tượng khó khăn

Ngày 10/1, Phân ban Ni giới của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022). Theo báo cáo, trong 5 năm qua, ni giới Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác Phật sự, đặc biệt là công tác từ thiện, xã hội dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng số tiền làm từ thiện hơn 2.330 tỉ đồng.

Ngoài tổ chức các cơ sở từ thiện như trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật, viện dưỡng lão, Tuệ Tĩnh đường, bếp ăn từ thiện… phân ban ni giới cấp trung ương và cấp tỉnh, thành còn tổ chức nhiều chuyến đi làm từ thiện, như tặng học bổng và dụng cụ học tập cho sinh viên, học sinh nghèo hiếu học, in kinh bằng chữ nổi cho người khiếm thị và học sinh khiếm thị, hiến máu nhân đạo, tặng nhà tình nghĩa, xây nhà tình thương, thay thủy tinh thể, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, phát xe lăn, xe đạp, tham gia quỹ vì người nghèo, xây cầu, khoan giếng…

Đặc biệt, trong năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, Phân ban Ni giới của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực đóng góp nguồn lực cho quỹ phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị y tế, xe cứu thương, cung cấp hàng trăm tấn lương thực, nấu hàng triệu suất ăn để hỗ trợ vùng có dịch. Nhiều vị ni trẻ tuổi đã tình nguyện phục vụ trong các bệnh viện dã chiến.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI