Nữ trí thức lặng lẽ góp sức vào cuộc chiến phòng, chống COVID-19

26/11/2021 - 09:54

PNO - Đến với Đại hội đại biểu Nữ trí thức Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội Nữ trí thức TP.HCM mang theo nhiều thành quả.

 Chỉ riêng trên mặt trận phòng, chống COVID-19, các chị đã vận động được hơn 5,6 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ những người khó khăn. Ở tuyến sau, nhiều chị em cũng đã âm thầm hỗ trợ “vắc-xin tinh thần” cho bà con.

Bác sĩ phải đóng nhiều vai
“Chị ơi, bệnh nhân không sợ chết, họ bỏ ăn, họ không tập thở, chỉ có bác sĩ sợ cho bệnh nhân thôi” - lời nghẹn ngào của một nữ bác sĩ cứ ám ảnh tôi. Đó là những tháng ngày không thể nào quên trong cuộc đời, những ngày mà bác sĩ phải làm luôn cả những công việc của điều dưỡng, hộ lý, rồi đóng vai làm con, làm cháu của bệnh nhân trong những ngày cuối cùng của họ. Do chưa có vắc-xin nên sức khỏe của những bệnh nhân cao tuổi giai đoạn ấy trở nên khó khăn, không qua khỏi. Họ bị bệnh tật hành hạ, lại không có người thân kề cận. Nhân sự thiếu nên bác sĩ phải vào nhiều vai, làm nhiều việc, kể cả việc tắm táp, thay áo quần cho bệnh nhân… Thế mà họ không một lời than vãn. Họ chỉ lo lắng, trăn trở cho sự sống còn của bệnh nhân” - bác sĩ Trương Mỹ Thục Uyên, Phó Giám đốc, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP.HCM, hồi tưởng.

Phút thư giãn hiếm hoi của các nữ bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 10
Phút thư giãn hiếm hoi của các nữ bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 10

Ngày 18/7, theo điều động của Sở Y tế TP.HCM, BV Tai Mũi Họng (Q.3) phải chia một nửa nhân sự đến BV Dã chiến số 10 (P.An Khánh, TP.Thủ Đức), nửa ở lại tiếp tục tách đôi, một bên điều trị các bệnh thông thường và một bên điều trị COVID-19. Là BV chuyên khoa tai mũi họng, mà SARS-CoV-2 lại ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp, nên BV Tai Mũi Họng TP.HCM thời điểm ấy bỗng thành BV tuyến đầu của tuyến đầu, nhận bệnh điều trị cao tầng. 

Bác sĩ Thục Uyên kể: “Do đặc thù chuyên ngành nên ở BV chúng tôi nữ nhiều hơn nam, có đến 202 nữ/380 nhân viên, trong đó chi hội nữ trí thức có 20 bác sĩ. Trong suốt thời gian dịch bệnh kéo dài, lực lượng này đã ngày đêm đi cùng bệnh nhân và phải sáng tạo trên từng công việc để đạt hiệu quả cao trong công tác chăm sóc người bệnh. Vì hầu như cái gì cũng mới nên chúng tôi vừa làm vừa học hỏi, làm đến đâu rút kinh nghiệm và chia sẻ cho nhau đến đó, nên công việc dần đỡ áp lực. May mắn nữa là trước khi vào cao điểm chống dịch COVID-19, BV từng có năm bác sĩ và tám điều dưỡng tăng cường cho BV Dã chiến số 2, nên có kinh nghiệm trong điều trị, phòng chống dịch, nhân viên y tế đều đã được tiêm hai mũi vắc-xin, nhờ đó, số lượng các bạn bị nhiễm bệnh rất thấp và đều vượt qua để tiếp tục cứu chữa bệnh nhân”.

Bốn tháng trôi qua, các nữ trí thức của BV Tai Mũi Họng thành phố đã cùng đồng nghiệp, đồng đội không một ngày ngơi nghỉ. Những lúc căng thẳng, mệt mỏi, họ giúp nhau thư giãn dù chỉ qua mạng chứ không thể gặp nhau. “Có lẽ sau đợt dịch lần này, chi hội sẽ có thêm nhiều hội viên mới nữa” - bác sĩ Thục Uyên hy vọng.

“Vắc-xin tinh thần” 

“Em không biết mặt chị ấy, nhưng nếu không có cuộc gọi từ chị ấy, có lẽ em đã chết theo ba mẹ!” - L.T.H., 18 tuổi, ở xã Trung Chánh, H.Hóc Môn, nói. 
Là đứa con gái duy nhất trong gia đình, H. mất đi cả cha lẫn mẹ trong tuần lễ đầu tháng 11. Mất mát và bị cách ly cùng với căn bệnh nguy hiểm khiến em chơi vơi. Đêm đêm, em lặng lẽ một mình bên bàn thờ nhìn di ảnh hai đấng sinh thành mà nước mắt giàn giụa. Trong lúc đang chới với trước mất mát quá lớn ấy thì H. nhận được cuộc gọi từ tổng đài 1022. H. nhớ: “Cuộc gọi ấy vào khoảng 8g tối, em nói với chị ấy em không biết mình cần gì nữa rồi im lặng, rồi khóc rất lâu. Nhưng chị ấy vẫn chờ. Hôm sau, vào giờ ấy, chị lại gọi… Suốt một tuần như vậy. Sau đó em mới gọi lại cho chị ấy để hỏi rằng em có nên đi học tiếp không, bởi năm nay em mới vào lớp 12, khó khăn lắm khi phải sống một mình tự lo việc học. Em nghe chị ấy cười khẽ trong điện thoại, cảm thấy thân thiết và như có thêm một người thân dù không biết mặt”. 

“Chị ấy” của H. là một trong hơn 40 nữ tư vấn viên tư vấn về khủng hoảng tâm lý cho người dân thông qua tổng đài 1022 (nhánh số 6) của chương trình “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch” (gọi tắt là chương trình “Vắc-xin tinh thần”) do Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) triển khai với sự điều hành trực tiếp của phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức của trường. Chương trình vận hành từ ngày 5/9, sau hai tháng hoạt động, đến ngày 16/11 đã khám, tư vấn và điều trị cho 946 bệnh nhân (mỗi người được hỗ trợ từ 3 - 12 buổi). Với hơn 40 nhà tâm lý có trình độ tham gia trị liệu tâm lý, hơn 10 giảng viên của Khoa Tâm lý tham gia giám sát chuyên môn và điều phối, 10 cộng tác viên tham gia hỗ trợ tiếp nhận và quản lý ca, chương trình đã tiếp nhận và tư vấn tâm lý khủng hoảng ban đầu cho 7.899 trường hợp. 
 

Chị Phạm Thị Thanh Quí đang lắng nghe câu chuyện của một bệnh nhân
Chị Phạm Thị Thanh Quí đang lắng nghe câu chuyện của một bệnh nhân

Bên cạnh tư vấn thông qua tổng đài 1022 (nhánh số 6), chương trình còn lập hotline miễn phí (0987.111.801) tiếp nhận tham vấn và trị liệu tâm lý cho hơn 600 trường hợp, trong đó có gần 300 trường hợp cần được hỗ trợ tâm lý lâu dài. Tình nguyện viên Phạm Thị Thanh Quí (học viên cao học ngành Tâm lý lâm sàng) cho biết, vì ý nghĩa của chương trình nên vừa phát động đã có 20 học viên lớp cao học khóa 1 của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đăng ký tham gia. Quí phụ trách địa bàn Q.Bình Thạnh, cho đến nay đã thực hiện hơn 1.000 cuộc gọi đến các bệnh nhân, thân nhân của người bệnh và người đã mất vì COVID-19 để chia sẻ nỗi đau mất mát, giúp họ nhận diện các vấn đề tâm lý của chính mình để bước qua khủng hoảng. Cứ hai ngày chị lại được chương trình gửi thêm một thân chủ để tư vấn chuyên sâu, can thiệp, trị liệu. Chị cho biết: “Chín năm làm nghề tư vấn, trị liệu tâm lý cho trẻ tự kỷ, chưa bao giờ tôi bị áp lực tinh thần nhiều như vậy. Nhưng chính áp lực công việc cho thấy nhiều người dân đang rất chơi vơi trong đại dịch này và tôi cảm nhận được việc học, việc làm cùng những nghiên cứu của mình bỗng trở nên vô cùng ý nghĩa”. 

Trong hai ngày 25 và 26/11, Đại hội đại biểu Nữ trí thức Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã diễn ra dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đoàn đại biểu TP.HCM có 10 người tham dự trực tiếp tại Hà Nội, 14 đại biểu còn lại dự đại hội trực tuyến tại điểm cầu TP.HCM.
Hội Nữ trí thức TP.HCM tham dự đại hội lần này với nhiều kỳ vọng, trong đó có việc làm sao để mở rộng mạng lưới tổ chức hội, bởi hiện tại mới chỉ có tám tỉnh, thành có Hội Nữ trí thức, trong khi vai trò, vị thế cũng như những đóng góp của nữ trí thức là rất lớn lao. 

 

Hạnh Chi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI