Nữ hộ sinh nhảy lên băng ca 'cướp' thai nhi trước lưỡi hái tử thần

28/02/2018 - 05:00

PNO - Vừa phát hiện sản phụ gặp biến chứng nguy cấp, chị nhảy ngay lên băng ca, thông báo để đồng nghiệp chuẩn bị cho cuộc sinh nở thần tốc.

Bài 1: Nữ điều dưỡng không buông tay bệnh nhân ung thư đến cuối cuộc đời

Bài 2: Người nữ hộ sinh đặt tên cho hàng trăm trẻ bị bỏ rơi

Bài 3: Mặc kệ hội chứng thận hư, nữ điều dưỡng vẫn ngày đêm chăm sóc bệnh nhân

“8 năm trong nghề, tôi không nghĩ mình gặp ca đó sớm như vậy, vì sa dây rốn rất hiếm và nguy hiểm với thai nhi. Tôi buộc phải nhảy tót lên băng ca, đưa tay vào âm đạo thai phụ để giữ em bé và thông báo ngay cho đồng nghiệp”, nữ hộ sinh Ngô Thị Thanh Kiều (30 tuổi, khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM) cười tươi khi kể lại khoảnh khắc đáng nhớ trong nghề của mình.

Nhảy lên băng ca giúp sản phụ sinh nở

Nu ho sinh nhay len bang ca 'cuop' thai nhi truoc luoi hai tu than
Những thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao trong quá trình mang thai và sinh nở được chăm sóc tại khoa Sản bệnh.

Sau thông báo của chị Kiều, các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng của tua trực bắt tay ngay vào cấp cứu khẩn cho thai phụ trẻ. Lần đầu tiên, chị cảm nhận rõ ranh giới giữa sống - chết, và chính chị là người đang giữ cánh cửa tử thần. Chị nhảy lên băng ca, đồng nghiệp đẩy chị và thai phụ V.T.T.D. (22 tuổi, nhà ở Q.6, TP.HCM) lao đi vùn vụt.

Khi nghe tiếng khóc của em bé, tôi sực tỉnh, buông tay ra cảm giác vỡ òa rất khó tả!

Chị Kiều dồn hết tâm trí vào cảm nhận mạch đập của dây rốn, hồi hộp như chính mình sắp trải qua hành trình vượt cạn này. “Tôi nín thở để “nghe” mạch đập của dây rốn, nếu không còn mạch, có nghĩa tất cả những cố gắng của người mẹ, của thai nhi và cả những người đồng hành cùng đồng hành với thai phụ trong suốt 9 tháng liền sẽ trở nên vô nghĩa. Thai nhi sẽ hóa thai lưu trong tích tắc”, chị Kiều bồi hồi nhớ lại.

Tấm màn phẫu thuật được kéo ngang, tay chị Kiều vẫn giữ em bé với sự tập trung hết mức có thể. Trong vòng 5 phút từ khi phát hiện biến chứng, em bé khóc thét, chị Kiều mới biết mình vừa… "cướp" được một sinh mạng ngay cửa tử. 

Nu ho sinh nhay len bang ca 'cuop' thai nhi truoc luoi hai tu than
Chị Kiều luôn túc trực theo y lệnh của bệnh viện để kịp thời phát hiện những tình huống xấu xảy ra với thai phụ.

Bé trai kháu khỉnh được trao cho mẹ trong niềm hân hoan, phấn khởi. “Cuộc chiến đấu” giữa các nhân viên y tế và thần chết “bí mật” đến nỗi bế con trai trên tay, sản phụ vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.

Ánh mắt xúc động, chị Kiều nói: “Không chỉ riêng tôi, mà cả anh, chị ở tua trực đã làm hết mình. Bất kỳ nữ hộ sinh nào trong trường hợp đó cũng sẽ không biết gì ngoài mạch đập của dây rốn. Tiếng mạch lớn lắm, át hết tất cả sự ồn ào xung quanh. Tôi chỉ cần biết còn mạch thì em bé còn sống, chỉ vậy thôi”.

Theo chị Kiều, kể cả khi thai phụ, ổn định về tất cả chỉ số y học, thai nhi phát triển khỏe mạnh, lúc sinh nở vẫn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Ở khoa Sản bệnh, chị đang công tác, lằn ranh giữa sự sống và cái chết còn mong manh hơn rất nhiều.

Nơi của những phép màu

Tại khoa Sản bệnh, những thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao như huyết áp không ổn định, đái tháo đường, tim mạch, nhau tiền đạo, nhiễm độc thai nghén, sảy thai, tiền sản giật… đều được chuyển đến khoa.

Nu ho sinh nhay len bang ca 'cuop' thai nhi truoc luoi hai tu than
Vì thuộc nhóm nguy cơ cao nên thai phụ phải được thăm khám liên tục phòng ngừa biến chứng.

Nhân viên y tế có nhiệm vụ chăm sóc, theo dõi bệnh từ khi thai phụ được chuyển đến, cho tới khi đứa trẻ được ra đời. Chính vì thế, đây là nơi chứng kiến nhiều “trận chiến sinh tử”, cuộc chiến chỉ có mẹ, hoặc con trở về.

Trường hợp thai phụ lên cơn co giật, sùi bọt mép, bất tỉnh thường xuyên xảy ra. Do đó ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, các y, bác sĩ còn phải có những phản ứng nhanh chóng, kịp thời, nụ cười hạnh phúc mới được trọn vẹn. 

Như lần khám cho thai phụ hơn 30 tuổi bị nhau tiền đạo, lúc khám, các hệ số của thai phụ vẫn bình thường, nhưng khi chị Kiều vừa quay đi, thai phụ chợt ra máu xối xả. Chị Kiều phải nhờ thêm một đồng nghiệp hỗ trợ vừa nâng cao chân bệnh nhân, vừa nhanh chóng đẩy bệnh nhân xuống phòng phẫu thuật. Trong tích tắc, tiếng khóc chào đời của đứa trẻ như xóa tan hết cơn mệt nhọc giữa khuya. 

Theo chị Kiều, không ít thai phụ được đưa vào, thai nhi quá yếu, người mẹ, gia đình quá mong mỏi, hy vọng cứ hỏi về con mình. Nếu không thành công, đứa trẻ không thể khóc thét trong phòng mổ, nhân viên y tế sẽ không thể quên được những ánh mắt thất vọng, đau khổ, kể cả im lặng xót xa trước lời dọa nạt, bạo lực từ thân nhân.

Nu ho sinh nhay len bang ca 'cuop' thai nhi truoc luoi hai tu than
Tự nhận tuổi nghề mình còn trẻ, nhưng chị Kiều đối mặt với rất nhiều ca sinh hiếm. May mắn, tất cả ca chị phát hiện, ekip đều cấp cứu thành công cả mẹ lẫn con.

Khó khăn nhất với các nhân viên y tế là những lần thai phụ biết con mình đã chết lưu, nhưng vẫn cầm chặt tay người đến khám cho mình, cầu xin sự giúp đỡ. Họ như muốn níu kéo một chút hy vọng, phép màu từ những cố gắng.

Áp lực từ những hy vọng, vừa muốn buông xuôi, vừa như cầu xin... khiến các y, bác sĩ nơi đây dường như không thể ngủ.

Xe cộ ngoài đường dần thưa thớt, thành phố chìm vào lặng yên sau cả ngày làm việc căng thẳng.

Chị Kiều cùng đồng nghiệp của mình vẫn âm thầm thay nhau thăm khám cho thai phụ. Sẵn sàng đối mặt trước những tình huống nguy cấp. Chính vì tinh thần “chiến đấu” không mệt mỏi, bất kể thời gian, nước mắt tuyệt vọng dần được thay thế cho nụ cười hạnh phúc.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI