NSƯT Trần Vương Thạch: Nhà hát sẽ làm mát công viên

19/03/2013 - 02:25

PNO - PN - Một phần công viên 23/9, phía gần chợ Thái Bình, vừa được UBND thành phố chấp thuận cho xây dựng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch (HBSO). Chủ trương này đang trở thành tiêu điểm của cộng đồng. Trước dư luận nhiều chiều về...

* Thưa ông, vị trí xây dựng nhà hát đã được đề xuất nhiều nơi nhưng vì sao cuối cùng lại được chọn xây dựng ở công viên 23/9?

- HBSO được Thành ủy, HĐND, UBND xác định phải là công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu của thành phố. Đó không chỉ là nhà hát hiện đại mà còn thể hiện thành tựu của đất nước từ sau ngày thống nhất. Những địa điểm từng được chọn để xây dựng HBSO là Hội trường Xổ số kiến thiết; Công viên 23/9 (Q.1), Thủ Thiêm (Q.2), Sàn giao dịch chứng khoán... Trong đó, công viên 23/9 đáp ứng được tốt nhất các yêu cầu đặt ra cho một HBSO hiện đại: ngay trung tâm, thuận lợi giao thông, thuận lợi cho nhu cầu thưởng lãm, giải trí nơi công cộng của người dân lao động thành phố.

* Các chương trình của HBSO đậm tính hàn lâm, vốn rất kén chọn người thưởng thức, ông có thể nói rõ hơn về nhu cầu thưởng lãm, giải trí nơi công cộng của người dân lao động là như thế nào không?

- Theo thiết kế, nhà hát sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 1,2 hecta, gồm một sân khấu chính và năm sân khấu phụ, ba nằm ngang với sân khấu chính, một dưới tầng hầm và một trên tháp cao để phục vụ việc chuyển cảnh. Khán phòng có sức chứa hàng ngàn người, đủ chuẩn để là điểm đến của nhiều đoàn nghệ thuật đỉnh cao thế giới. Bên cạnh đó, mặt tiền nhà hát cũng sẽ được xây dựng như một sân khấu ngoài trời để phục vụ công cộng trong các dịp lễ, tết. Hiện nay, chúng ta đang tận dụng mặt tiền Nhà hát thành phố để làm việc này nhưng ít người có thể đến nghe vì vấn đề an toàn giao thông. Với yêu cầu này, việc xây dựng nhà hát trong công viên là rất phù hợp.

NSUT Tran Vuong Thach: Nha hat se lam mat cong vien

Những cô thiên nga này sẽ ra ngoài trời và kéo khán giả đến công viên...

* Công viên được ví như lá phổi của thành phố, là nơi để người dân đến hít thở không khí trong lành. Xây dựng HBSO ở đây có làm công viên... nóng?

- Nhà hát không bao giờ mâu thuẫn với thiên nhiên. Thậm chí từng có ý kiến táo bạo, khi di dời Thảo cầm viên thì xây dựng HBSO trong đó là phù hợp với cụm văn hóa có Đền Hùng, có bảo tàng và có nhà hát. Mặt khác, trước khi quyết định xây dựng HBSO, nơi đây cũng từng có chủ trương ít nhất hai dự án khác. Với dự án xây dựng bốn tầng hầm để xe, sẽ không thể trồng cây cổ thụ trên mặt đất, vì vậy gọi nơi đây là lá phổi cũng chưa thật chuẩn nếu so với công viên Tao Đàn và Thảo cầm viên. Hiện số người đến công viên 23/9 lại chưa nhiều. Nếu có nhà hát hiện đại với sân khấu biểu diễn ngoài trời đạt yêu cầu, người dân sẽ đến công viên nhiều hơn, thậm chí có thể nằm trên thảm cỏ để nghe các nghệ sĩ biểu diễn hàng tuần mà không phải lo lắng vấn đề an toàn giao thông. Tôi không muốn nói đến cụm từ đa năng, nhưng HBSO không đơn thuần chỉ dành cho giao hưởng, múa ba lê... mà còn có thể phục vụ tốt cho các loại hình nghệ thuật khác như cải lương, hát bội... Nhà hát sẽ kéo người dân đến công viên nhiều hơn. Nói cách khác, nhà hát sẽ làm mát công viên chứ không nóng như nhiều người vẫn nghĩ.

* Xin cám ơn ông.

NGUYỄN THIỆN (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI