NSƯT Hoàng Hải: Cuộc sống gia đình là cả một nghệ thuật

28/04/2014 - 02:08

PNO - PNCN - Với gần trăm vai diễn lớn, nhỏ, gương mặt diễn viên (DV) Hoàng Hải đã trở nên quen thuộc với nhiều khán giả điện ảnh và màn ảnh nhỏ. Tại cuộc bình chọn DV truyền hình được yêu thích nhất năm 2005 của tạp chí Truyền...

edf40wrjww2tblPage:Content

* Nhìn lại quãng thời gian đã qua, nếu khái quát gọn trong hai từ thích hợp nhất với mình, anh sẽ chọn...

- Nửa ngày. Người ta vẫn nói nửa ngày về chiều, tôi giờ cũng đã gần 50 tuổi. Trước đây người ta thường mời tôi vào những vai như chiến sĩ giải phóng, bộ đội về làng… trẻ trung năng động lắm. Giờ thì toàn trung đoàn trưởng, tướng này, tướng kia. Được thể hiện vai tướng lĩnh cũng sướng, nhưng ngoài đời thì sự thực là già rồi, nửa ngày về chiều rồi. Nhiều lúc cũng tiếc nuối, ước giá mà… tôi sẽ… Nhưng đã là quy luật thì không thể khác được.

NSUT Hoang Hai: Cuọc sóng gia dình là cả mọt nghẹ thuạt

* Từng rất thành công với bộ phim Đường đời, thực tế đường đời của anh xem ra cũng lắm gian truân.

- Với vai anh Hải trong Đường đời thì bạn đã biết rồi đấy. Tôi nhập vai một cách tự nhiên vì cuộc sống của tôi đã trải qua cũng có nhiều nét tương đồng. Đói có nhiều mức độ, đói có thể là không có tiền tiêu, nhưng đến mức không có cơm ăn mới hiểu đói thực sự là như thế nào. Tôi đã trải qua điều này và quả thực đường đời tôi cũng rất nhiều chông gai. Tôi trở thành DV kịch trong những năm 87-94, đó là giai đoạn sân khấu khó khăn kinh khủng, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền, một đêm diễn vất vả, cát-sê chỉ đủ ăn đêm, ăn sáng. Nhưng đó là khó khăn chung. Tôi đã phải kiếm sống bằng cách đi buôn, làm mọi nghề miễn là để sống. Tôi đi buôn lợn, buôn đỗ rồi thua lỗ, lại cày kéo để trả nợ. Tôi cũng làm tài xế xe tải, buôn sắt, nói chung đủ nghề để có thể kiếm tiền hoặc nghĩ rằng nó có thể kiếm được tiền.

Cũng vì những trải nghiệm đó mà tôi có thể hóa thân vào vai diễn một cách thật nhất. Những khổ ải của anh Hải trong Đường đời tôi diễn ngon lành vì nó không xa lạ với tôi. Cũng vì đã từng là tài xế xe tải, nên trong phim Hà Nội, Hà Nội tôi vào vai dễ dàng. Đạo diễn người Trung Quốc đã ngạc nhiên không ngờ có DV Việt Nam lái xe công-ten-nơ xịn như thế này, cũng biết đổ đèo như thật, thậm chí có thể đâm qua barie tàu hỏa. Với vai diễn này tôi được giải DV phụ xuất sắc. Vai tướng Dinh trong Những người viết huyền thoại, để thể hiện đầy đủ những góc cạnh của một vị tư lệnh bản lĩnh, có tài cầm quân, mạnh mẽ nhưng cũng rất đời thường, thì đó là tổng hợp của những gì tôi đã trải qua, những gương mặt tôi đã gặp và những gì mình thu thập được. Nói chung, mỗi sự vất vả nghề nghiệp đã qua giúp tôi nhiều trong nghệ thuật. 

* Còn sự tuyệt vọng thì sao, anh đã bao giờ nếm trải?

- Tuyệt vọng ư? Không đâu, tính tôi vô tư kinh khủng. Dù thế nào, trong hoàn cảnh nào tôi cũng xác định cuộc sống ngắn ngủi lắm. Nếu nhìn lại cuộc đời có thể 70-80 năm là một quãng thời gian dài. Thế nhưng, như tôi đây, mới đói ăn và loay hoay buôn bán; mới loi choi, lấc cấc, chưa hiểu sự đời mà bây giờ đã gần 50 rồi. Đi làm phim, các em DV trẻ vẫn gọi anh Hải, nhưng hỏi ra các em bảo: “Anh bằng tuổi mẹ em”. Con lớn của tôi cũng đã học cấp III rồi. Nhưng dù thế nào tôi vẫn luôn tâm niệm: già tuổi nhưng tâm hồn không được già.

NSUT Hoang Hai: Cuọc sóng gia dình là cả mọt nghẹ thuạt

Trong phim Đường lên Điện Biên  

* Anh đang tham gia một vai trong bộ phim mới, đó là lý do anh có mặt ở Hà Nội lần này. Anh có thể chia sẻ về vai diễn này và những dự định sắp tới?

- Tôi vừa xong những cảnh cuối trong Đường lên Điện Biên. Nếu như trong phim Bí mật Tam giác vàng tôi vào vai một nhân vật phản diện núp danh chính diện, thì ở bộ phim này tôi vào vai nhân vật có tên là Tạc, một nhân vật phản diện đúng nghĩa, nếu không muốn nói là cực kỳ phản diện. Chắc chắn đó sẽ là một Hoàng Hải rất khác. Tôi không có những dự định phim ảnh tiếp theo, thường sau khi làm dứt điểm phim này tôi mới nhận lời vào vai phim khác để toàn tâm toàn ý cho từng vai diễn. 

* Bắt đầu từ DV sân khấu, nhưng nếu không có phim truyền hình, chắc người ta cũng chẳng biết Hoàng Hải là ai?

- Hiện tại sân khấu nước ta đang trong giai đoạn khó khăn. Đến bây giờ, Hà Nội có một vài nhà hát đỏ đèn tuần ba buổi là mừng lắm rồi. Khi mới ra trường tôi phải học việc, vị trí lúc nào cũng ở kíp 2, kíp 3, đợi DV chính ốm thì mới được thay thế, nhưng chuyện đó chả bao giờ xảy ra. Những cái bóng quá lớn còn đó và DV trẻ không có chỗ bước lên. Khi không được diễn, không được thể hiện thì thật khó trở thành cái gì. 

* Khó khăn là thế, nhưng với nhiều DV, họ vẫn luôn coi sân khấu là thánh đường. Còn với anh thì sao?

- Với tôi sân khấu vẫn là thánh đường, có những quyền năng riêng. Sân khấu là nơi mà DV đứng dưới ánh đèn và diễn trực tiếp với khán giả, nếu người xem thích họ sẽ ồ lên ngay, nếu không họ im lặng. Nơi mà DV thực sự cần tài năng, bản lĩnh; có trách nhiệm với vai diễn của mình từ lời nói, hình thể, cảm xúc… Nếu phim truyền hình có thể lồng tiếng, sửa, cắt, để khán giả không thấy những điểm yếu của DV, thì ở sân khấu, khán giả có thể nhìn thấy ngay cái sai, cái không tốt, cả sự xuất thần của DV. Tôi đã giã từ sân khấu từ năm 1994. Trong lúc đi làm kinh tế vẫn nhớ, vẫn tiếc và ước ao được đứng dưới ánh đèn sân khấu. Có những lúc tự vào nhà hát, làm một khán giả để xem vở của bạn bè, đồng nghiệp mà người cứ gai lên vì xúc động, hoặc nghĩ nếu mình ở đó mình sẽ làm thế này, thế kia… Mong ước được đứng trên sân khấu với tôi thực sự chưa bao giờ tắt. Năm 2010, nhờ một sự tình cờ, tôi được đóng thay DV chính trong vở Tôi đi tìm tôi, cảm giác sướng kinh người. Thời đoàn kịch Đà Nẵng bị giải thể, tôi và đồng nghiệp cũ đã dựng một vài vở với hy vọng sẽ làm được điều gì đó. Tất cả anh em hào hứng, bỏ tiền túi ra để làm, bỏ cả công việc kiếm tiền khác. Thế nhưng, những nỗ lực nhen nhóm cũng chẳng sống nổi và sau đó tắt ngấm.

NSUT Hoang Hai: Cuọc sóng gia dình là cả mọt nghẹ thuạt

Trrong phim Những người viết huyền thoại 

* Khác với thời của anh, các DV trẻ bây giờ có rất nhiều cơ hội để thể hiện mình, thế nhưng cái gì cũng có hai mặt...

- Thế hệ trẻ giờ có quá nhiều sự may mắn, thuận lợi. Với nghề DV cũng thế, các em có nhiều cơ hội đến với các vai diễn. Các em có lợi thế hình thể đẹp, điều kiện dễ dàng để phát huy khả năng. Mà với nghề diễn cứ phải có đất diễn mới có thể làm tốt, chứ nói giỏi thì chẳng làm gì cả. Thế nhưng tôi có cảm giác rất ít em yêu nghề thật sự, biết chăm bẵm cho từng vai diễn. Trong khi đó, nghề DV chỉ khi sống chết với nó mới có thể được một lời khen kiểu “tạm được”. 

* Là một DV nhưng cũng là một doanh nhân, người ta thường hoài nghi nghệ sĩ làm kinh tế thường bốc đồng và dễ làm hỏng chuyện kinh doanh. Nhưng thực tế, anh đã làm tốt cả hai vai trò này đấy chứ?

- Công việc kinh doanh không thể bốc đồng. Ở hai vai trò này, tôi luôn rạch ròi. Nếu làm DV có thể thử nghiệm hoặc máu lên một chút làm khác đi để nhân vật lạ lùng, ấn tượng. Nhưng với kinh doanh thì không. Lúc cần tôi vẫn tách hai con người mình ra như thế. Nhưng thực tế, công việc tưởng chẳng liên quan gì đến nhau này lại có sự bổ trợ cho nhau. Khi đi giao dịch trong vai trò giám đốc đại diện Toto miền Trung mọi người nhận ra tôi ngay, có khi là chào “đại úy Minh”, “anh thầy thuốc Hải”… thế rồi câu chuyện cởi mở, thân tình và mọi việc cũng dễ dàng hơn. 

* Cuộc sống hàng ngày của anh thường diễn ra như thế nào?

- Giờ tôi bận rộn vô cùng, nhưng đó là niềm vui. Hàng ngày tôi đưa đón các con đi học, lo việc công ty. Trong vai trò DV, tôi có thể bay ra, bay vào với các vai diễn. May mắn, tôi có được bà xã làm hậu phương vững chắc, nếu không, tôi sẽ chẳng làm được gì. Đúng là phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. 

* Hôn nhân với nghệ sĩ thường khó bảo toàn, bản thân anh lại là một DV tài hoa, một doanh nhân thành đạt, chắc cũng không có ít cám dỗ. Thế nhưng, lúc nào anh cũng nói về gia đình, về người vợ của mình với sự ngưỡng mộ...

- Đúng thế, nhưng ơn trời, gia đình tôi vẫn bình yên. Với một người vợ tốt như thế, bản thân tôi cũng tự biết mình phải sống thế nào cho phải. Thực ra vợ chồng là hai người bạn, hiểu nhau và thông cảm là chuyện quan trọng vô cùng. Sẽ không có ai chịu đựng được mãi nếu một bên cứ quá đáng. Cuộc sống gia đình là cả một nghệ thuật. Tôi sống với vợ đã 18 năm, cũng có vài lần cãi nhau. Nhưng cứ khi cãi nhau là tôi dắt xe ra khỏi nhà. Lúc quay về cơn nóng giận đã tan đi rồi, lúc đó nói hay phân tích đúng sai gì chẳng được. Thằng nghệ sĩ cũng hay chểnh mảng lắm, nhưng thật may vợ tôi lại là mẫu phụ nữ biết vun vén, chịu thương chịu khó nên chúng tôi cũng bù trừ cho nhau để giữ được hòa khí gia đình. 

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Dung Nhi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI