“Nóng” với những vấn đề đương đại

11/06/2014 - 19:50

PNO - PN - Liên hoan phim (LHP) tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 6 (Hiệp hội Các viện văn hóa và đại sứ quán châu Âu tại Hà Nội, cùng Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương tổ chức) tiếp tục đến với khán giả VN tại hai địa điểm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Có đến bảy bộ phim chung đề tài khai thác chân dung, thân phận con người. Đó là những nhân vật nổi tiếng như Anh hùng lao động VN Hồ Giáo (phim Cỏ xanh im lặng), giáo sư Trần Đức Thảo - nhà triết học duy nhất của VN (phim Triết gia Trần Đức Thảo), Bolesław Matuszewski - quay phim, nhiếp ảnh gia Ba Lan - một trong những nhà làm phim tài liệu đầu tiên áp dụng lý thuyết của nghệ thuật điện ảnh (phim Bolesław Matuszewski - Người tiên phong vô danh của ngành điện ảnh). Ngoài ra còn có phim về những người rất đỗi bình thường có số phận đặc biệt như Tzvetanka Gosheva - người từng có ước mơ cháy bỏng trở thành một diễn viên khi còn là đứa trẻ, nhưng lịch sử tại đất nước bà đã khiến số phận của bà thay đổi vĩnh viễn (phim Tzvetanka); như Tay - một thiếu niên chuyển giới người Thái bị giáo viên đẩy đi đến ý định tự tử trong bộ phim Cân nhắc. Đó cũng là chị Phụng - người đàn bà trưởng đoàn diễn Bích Phụng, chuyên quy tụ những người đồng tính, ít học, nghèo khổ, không gia đình, không nghề nghiệp đi biểu diễn quanh năm ở các hội chợ từ Đà nẵng đến Cà Mau để mưu sinh (phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng) và San Pattica - một người mang hai dòng máu Campuchia-Cameron lớn lên trong trại trẻ mồ côi ở Phnôm Pênh, phải đối mặt hàng ngày với sự kỳ thị của những người xung quanh (phim Nơi nào tôi đi).

“Nong” voi nhung van de duong dai
Phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng khiến người xem cảm động về thân phận con người

Hình ảnh con người không chỉ được đề cập trong một chân dung cụ thể mà còn thấp thoáng trong những tác phẩm khác phản ánh cuộc sống. Trong bộ phim được chọn chiếu khai mạc: Khi không thể vượt qua chính mình, đạo diễn Trịnh Quang Tùng - Bùi Thị Phương Thảo đưa người xem đến với thế giới của những người điên. Những hình ảnh, lời bình dẫn dắt trong phim khiến khán giả giật mình trước sự thật mà lâu nay ít ai để ý: chỉ cần một lúc nào đó không thể vượt qua một cú sốc lớn trong cuộc sống, những con người bình thường, thậm chí giỏi giang phải sống trong một thế giới khác. Xã hội càng phát triển, con người càng trở nên cô độc. Chẳng hạn, nhân vật Joyce Vincent trong phim Chiếc ti vi vẫn bật. Cô qua đời trên chiếc sofa trong căn hộ phía trên một khu mua sắm phía bắc London vào năm 2003. Nhưng mãi ba năm sau, thi thể mới được phát hiện, chiếc ti vi vẫn đang bật.

Liên hoan vẫn có những tác phẩm không mang màu sắc tăm tối, bi thương mà rất tươi sáng như phim Và Gaelle Ytambien Gaelle nói về ba người lính cứu hộ Tây Ban Nha cứu sống một cậu bé hai tuổi người Haiti bị mắc kẹt 48g trong đống đổ nát vì động đất. Phim Đỉnh A Mú Sung làm người xem xúc động trước câu chuyện của những người dân chất phác nơi đây. Phim Ngày mai em đi của đạo diễn Áo gốc Việt Martin Nguyễn kể về cuộc đời tha hương, may mắn được nhiều người giúp đỡ của cha mình.

Gia đình cũng là mảng đề tài được nhiều phim đề cập. Phim Xin đừng quên tôi kể về quá trình chăm sóc một người mẹ mắc chứng mất trí nhớ, Người giữ lửa cảnh báo về nạn bạo hành gia đình, Phía sau màn bạc nói về một chàng trai phát hiện sự thật về hôn nhân của cha mẹ mình - hai người vốn là biểu tượng của điện ảnh Myanmar thập kỷ 60...

 Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI