Nồi xôi bắp nuôi con nên người

31/01/2020 - 06:04

PNO - Dáng gầy gò nhỏ bé, chiếc áo sờn thời gian cùng mê nón lá đậm màu tần tảo, tuổi ngoài sáu mươi mà bà vẫn còn tất bật với công việc...

Những ngày cuối năm trở nên tất bật hơn bởi những cơn gió Đông cứ thốc thổi khiến chiếc xe đạp chở nồi xôi bắp của bà trở nên mỏng manh hơn. Dáng gầy gò nhỏ bé, chiếc áo sờn thời gian cùng mê nón lá đậm màu tần tảo, tuổi ngoài sáu mươi mà bà vẫn còn tất bật với công việc, không quản ngày đông tháng giá. Bà là Lương Ngọc Sương, ngụ ấp Thạnh Lộc - xã Thạnh Bình, H.Tân Biên - Tây Ninh.

Bà Sương cùng công việc bán xôi đã hơn 20 năm qua.

Chợ Thạnh Bình, ngôi chợ xã vùng biên giới ngày cuối năm khá đông người qua lại, nhưng cũng chỉ 9 giờ là vãn khách. Đa số người dân nơi đây làm nghề cạo mủ cao su, họ đi chợ rất sớm để còn thời gian ngủ bù vì phải thức từ khuya hôm trước. Nồi xôi bắp của bà Sương cũng còn chục gói nữa mới hết. Quẹt những giọt mồ hôi chảy dài trên má, bà Sương cho biết, bà có ba con gái, nhà rất nghèo, không đất đai vườn ruộng, chỉ có cái nền nhà do cha mẹ cho sau ngày cưới. Hồi còn trẻ, vợ chồng bà đi làm thuê làm mướn, cạo mủ cao su. Mấy năm nay được Hội Phụ nữ cho “nuôi rẽ” con bò mẹ nên chồng bà chuyên tâm với việc chăm sóc con bò. Còn bà, từ hơn hai mươi năm nay neo mình bên chiếc xe đạp và nồi xôi bắp bán quanh xóm hoặc chợ Thạnh Bình. Ngày nấu 4kg nếp và 3kg bắp để kiếm trăm ngàn đồng cùng chồng nuôi ba con gái nên người.

Bà Sương cười nhẹ, kiểu cười của sự ngại ngùng, rằng người ta giàu thì cho con học cao này nọ, còn mình nghèo nên chỉ nuôi được cô con gái lớn học nghề kế toán, hiện đang làm việc tại Ủy ban xã Thạnh Bình, đã lấy chồng, ở riêng, cuộc sống cũng vừa đủ. Cô gái kế là Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã Thạnh Tây. Vì rất đam mê phong trào nên cô đã đồng hành cùng màu áo xanh suốt nhiều năm nay và có những đóng góp cho địa phương từ sức trẻ. Cô con gái út đã ngoài 20, làm công nhân may, cuộc sống cũng như bao người.

“Cô chưa giàu nhưng cuộc sống cũng không còn khó khăn như xưa nữa. Tất cả là nhờ Hội Phụ nữ đã giúp đỡ, hết hỗ trợ vốn để nuôi bò rồi lại cho mượn vốn xoay vòng để mua bán. Cô không ngại khó khăn gì cả, hết đi bán xôi thì vô vườn cao su lượm củi. Phần nào bán được thì bán, còn lại thì để hầm bắp”.

“Cô Sương là một phụ nữ cần cù vượt khó, từ một nồi xôi mà cô đã nuôi ba cô con gái lớn khôn, nên người”, vị chủ  tịch Hội Phụ nữ xã quả quyết.

Phạm Trang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI