Nơi nào an toàn cho dân?

30/10/2020 - 08:22

PNO - Tất cả chúng ta cần một môi trường sống an toàn hơn, bền vững hơn và môi trường sống an toàn, bền vững ấy sẽ không có khi ta vẫn còn tận diệt thiên nhiên.


Bão số 8, số 9 tàn phá Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh, thành lân cận. Nhà sập, tường đổ, người chết, tài sản lẫn gia súc bao năm chắt chiu bỗng chốc trôi, chìm trong nước. Năm nào, người dân miền Trung cũng hứng chịu thảm họa, năm nào cũng lặp lại cảnh tang thương.

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng vùi lấp 11 hộ dân tại nóc ông Đông (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)
Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng vùi lấp 11 hộ dân tại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) sau bão số 9 Molave

Vẫn biết người dân miền Trung bao đời luôn kiên cường và dù có bao nhiêu cơn bão, lũ thì người miền Trung vẫn sẽ đứng dậy, dựng lại nhà, tiếp tục tích cốc phòng cơ, tiếp tục cuộc sống. Nhưng câu hỏi là: người dân sẽ sống ở đâu cho an toàn, để không phải sợ hãi trước mỗi mùa mưa, bão?

Tình trạng sạt lở đất, kè biển, đê sông đã diễn ra nhiều năm nay ở khắp các tỉnh, thành miền Trung nói riêng, cả nước nói chung. Riêng tại tỉnh Quảng Nam, người dân đã chứng kiến đất lở dọc sông Bà Rén, cát biển Cửa Đại bị hút dần ra biển (đến mức chính quyền phải cho bơm cát cứu nguy), sông Thu Bồn, Vu Gia cũng chung số phận. Các huyện miền núi như Phước Sơn, Bắc và Nam Trà My cũng sạt lở gây chết người.

Biến đổi khí hậu - nguyên nhân được nhắc đến nhiều mỗi mùa mưa, bão - thì đã đành rồi, nhưng con người đâu vô can trong những chuyển biến ấy của thiên nhiên. Trên khắp dải đất miền Trung, Tây Nguyên, nhiều thủy điện to nhỏ phần nào chặn dòng chảy tự nhiên của những con sông, bạt vô số cây rừng, để rồi mỗi khi lũ về, chúng lại thi nhau xả lũ khiến hạ du thêm phần ngập lụt, đất đai xói lở. 
Những con sông miền xuôi hứng chịu cảnh bị rút ruột mỗi ngày để cung cấp cát cho các công trình xây dựng. Hãy nhìn con sông Bồ ở Huế, tình trạng sa tặc móc ruột con sông kéo dài đến mức người dân phải tự vệ bằng cách làm rào tre phong tỏa tàu, thuyền. Sông Lam, sông La ở Nghệ An, Hà Tĩnh, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, sông La Tinh ở Bình Định hay sông Cái ở Phú Yên… đều bị những chiếc vòi hút cát hung hãn cắm sâu vào lòng. Nhiều vùng bờ biển được quy hoạch để thành resort nghỉ dưỡng, dự án du lịch thay vì được trồng rừng chắn sóng, chắn gió.

Khi những bức tường thành chắn gió từ phía biển mất đi, người dân đã không còn được bảo vệ. Khi diện tích rừng đầu nguồn bị thu hẹp, khả năng giữ đất, giữ nước cũng bị triệt tiêu. Khi lòng sông càng lúc càng sâu, đất ven bờ sẽ trôi tuột theo cơn lũ. Ai cũng biết những điều ấy bởi chúng đã được các chuyên gia trong và ngoài nước cảnh báo từ lâu. Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ rừng.

Và rồi, thủy điện vẫn mọc lên, rừng vẫn bị thu hẹp, cát vẫn bị hút lên, bờ biển vẫn hao mòn. Người dân nên ở vùng hạ với ruộng đồng và sẵn sàng tinh thần sống chung với lũ lụt, nên lên vùng cao đối mặt với nguy cơ lở núi hay về miền biển để hứng gió bão?

Đến chiều 29/10, giữa ngổn ngang đất đá, cây đổ, bùn nhão, những chiến sĩ Quân khu 5 và lực lượng cứu hộ đã tiến vào hiện trường sạt lở ở Trà Leng, cứu được 33 người. Điều kỳ diệu đã xảy ra, là nỗ lực cực lớn của đội cứu hộ. Nhưng, điều kỳ diệu ấy liệu có lặp lại ở những vụ sạt lở khác không, nếu chúng ta vẫn tiếp tục phá hủy môi trường với tốc độ và quy mô như hiện nay? Xin đừng quên, chúng ta đã mất 13 cán bộ, chiến sĩ ở Rào Trăng, đã mất 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 và nhiều người dân chỉ trong mùa lũ lụt năm nay.

Tất cả chúng ta cần một môi trường sống an toàn hơn, bền vững hơn và môi trường sống an toàn, bền vững ấy sẽ không có khi ta vẫn còn tận diệt thiên nhiên. 

 Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI