Nhường nhịn người thân, không bao giờ là thiệt!

29/06/2023 - 21:03

PNO - Sống chung lâu tất có mâu thuẫn, thế nhưng cả hai bên không biết cách hòa hoãn, nói chuyện, giải thích, thống nhất... với nhau, nên mới thành chuyện lớn thế này.

Chị Hạnh Dung thân mến!

Em lấy chồng 20 năm, có 2 cháu. Vợ chồng em rất yêu thương nhau. Từ khi cưới nhau về, em ở bên nhà chồng chăm sóc ba chồng và ở nhà nuôi con. Tụi em ở chung với vợ chồng anh chồng.

Chị em bạn dâu tình cảm lúc đầu rất tốt. Nhưng rồi từ những chuyện vặt vãnh mâu thuẫn ngày càng nhiều. Anh chồng có những lúc bênh vợ dùng những từ ngữ không hay để nặng nhẹ với em. Anh ấy nói nặng cả gia đình bên em.

Giờ em cảm thấy không thể nào gặp mặt hay nói chuyện được với nhau nữa. Vợ chồng em vì chuyện này cũng hay mâu thuẫn với nhau. Chồng em không vui khi em không muốn gặp anh chồng.

Em biết giờ em rất khó tiếp xúc với họ, nhưng em phải làm sao để chồng em không buồn? Ám ảnh những câu nói của vợ chồng anh ấy mà em cứ cảm thấy nặng nề mãi không dứt ra được. Em buồn và tuyệt vọng lắm.

Mong chị cho em lời khuyên ạ. Em cảm ơn chị!

Phụng Nguyễn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Phụng Nguyễn thân mến,

Ông bà bảo "Chén trong sóng còn khua". Là ý nói cái chén, cái bát vô hồn, không tự chuyển động được thế, mà ở bên cạnh nhau lâu, chung nhau một không gian sống lâu, có khi cũng phải va chạm, sứt mẻ, có khi tan vỡ, huống chi con người.

Gia đình em và gia đình anh chồng chung sống đã 20 năm. Một thời gian quá dài và quá lâu. Lúc đầu mọi việc còn rất tốt đẹp, chị em dâu quý mến nhau. Chỉ lâu dần mới phát sinh chuyện, và đến tận 10 năm mới cảm thấy hết chịu đựng được, thì Hạnh Dung nghĩ rằng mọi người cũng đã rất nương nhẹ và yêu thương nhau thật sự.

Chỉ có điều, sống chung lâu tất có mâu thuẫn, thế nhưng cả hai bên không biết cách hòa hoãn, nhường nhịn, nói chuyện, giải thích, thống nhất... với nhau, nên mới thành chuyện lớn thế này.

Tình trạng này, giờ đây chỉ có 2 cách giải quyết:

Một là 1 trong 2 nhà tách ra ở riêng. Nếu gia đình em có điều kiện thì cũng đã là lúc nên ra riêng để được tự do và nhẹ nhàng hơn.

Nhà có 2 anh em trai, hoặc chồng em, hoặc anh chồng em gánh vác nhiệm vụ chăm sóc ba mẹ. Người còn lại hỗ trợ vật chất và tới lui chia sẻ việc nhà là được.

Cách thứ hai là cả nhà nên ngồi lại, trò chuyện, phân tích những mâu thuẫn của 2 gia đình với nhau, và quan trọng hơn hết là tìm ra cách để có thể cư xử với nhau đúng hơn, cả khi còn ở chung, lẫn khi có 1 nhà ra riêng.

Trong việc này, em hãy luôn cố gắng nhẫn nhịn, hòa hoãn, chấp nhận hơn một chút, vì dù sao em cũng là vai em. Hãy nghĩ cho cha mẹ chồng, cho chồng và cũng chính là cho gia đình mình. Anh chị được nghe em dâu nhỏ nhẹ, khiêm nhường, nhẫn nhịn, chắc cũng hài lòng mà bỏ qua được mâu thuẫn.

Tất nhiên, Hạnh Dung không khuyên em chấp nhận mọi điều sai của anh chị, ví dụ như chửi gia đình em, hay sỉ vả chính em. Chỉ có điều, nói ra sự ấm ức, tổn thương của mình cách nào, để người thân hiểu lỗi của họ, cũng là một nghệ thuật mà em cần phải có.

Một điều quan trọng: ngay cả khi có khả năng ra riêng, gia đình em cũng cần có những cuộc "đàm phán" hòa bình để lấy lại hòa khí giữa anh em, chị em dâu. Điều đó không chỉ cần cho mối quan hệ gia đình, cha mẹ, anh chị đâu, mà còn vì hạnh phúc của gia đình em nữa đó.

Cứ thử để nghị chồng là người đứng ra làm cầu nối, để chồng nói chuyện với anh chồng trước. Hai người đàn ông ruột thịt bình tĩnh và thấu đáo, thương yêu nhau, can thiệp và giải quyết chuyện nhỏ nhặt của phụ nữ, chắc hai phụ nữ sẽ biết kiềm chế hơn.

Nhường nhịn người thân không bao giờ là thiệt, em ạ!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI