Những trải nghiệm quý giá giúp chúng tôi thêm yêu nghề

20/06/2022 - 06:12

PNO - Trong thời đại bùng nổ thông tin và phương tiện truyền thông, có những thời điểm, những người làm báo lựa chọn “bước lùi” để gửi đến bạn đọc thông tin trọn vẹn hơn.

Một ngày giữa tháng 7/2021, chúng tôi được bạn đọc báo tin, có một gia đình 14 người ở P.7, Q.8, TPHCM mắc COVID-19 và phải đi cách ly, để lại nhà 4 đứa trẻ, trong đó bé lớn nhất chỉ mới 11 tuổi. 

Qua điện thoại, chị Phan Thị Kim Phượng - Phó chủ tịch Hội LHPN P.7 - xác nhận, thông tin trên là đúng. Chị cho biết, 20g hôm trước, chị đã nhận được tin báo từ UBND phường về trường hợp này. Lúc đó, chị vừa về đến nhà sau một ngày đi hỗ trợ rau củ, nhu yếu phẩm cho các điểm cách ly. Chưa kịp ăn uống gì, chị đã tìm cách liên lạc với người thân của các bé để biết rõ hơn về tình hình của 4 đứa trẻ.

Mẹ các bé cho biết, trước khi đi cách ly, chị đã chuẩn bị sẵn một số thức ăn, sữa, bánh ở nhà. Nỗi lo lớn nhất của gia đình chị là các con còn quá nhỏ, thiếu an toàn khi vắng người lớn. Chị Phượng đã mang cháo, sữa, bánh có sẵn ở nhà đến thăm các bé nhưng con hẻm bị phong tỏa nên chị chỉ được phép đứng ngoài gọi điện thoại rồi gửi thức ăn vào bên trong. Bé T.A. (11 tuổi) nói, 4 chị em đã ăn tối bằng thức ăn do mẹ để sẵn trong tủ lạnh.

Phóng viên Phạm An (cầm máy ảnh), Báo Phụ Nữ TP.HCM, tác nghiệp tại Bệnh viện Dã chiến số 16, nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng - ẢNH: NGUYỄN LY
Phóng viên Phạm An (cầm máy ảnh), Báo Phụ Nữ TPHCM, tác nghiệp tại Bệnh viện dã chiến số 16, nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh: Nguyễn Ly

Hình dung đến cảnh ngôi nhà chỉ có 4 đứa trẻ vào ban đêm, chúng tôi không thể yên lòng. Chúng tôi đặt ra nhiều tình huống giả định và tự hỏi “các bé sẽ xử trí thế nào”. Ở thời điểm đó, câu chuyện “những đứa trẻ ở nhà một mình” có lẽ sẽ thu hút rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Thế nhưng, chúng tôi - những người làm nghề báo - đã đắn đo, cân nhắc rất nhiều về mặt thông tin, về sự an toàn của 4 đứa trẻ. 

Do đó, thay vì vội đưa tin lên mặt báo, chúng tôi thường xuyên kết nối với gia đình bé trong khu cách ly với ước mong có người trong số họ nhanh chóng khỏi bệnh để về nhà với các bé. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục kết nối chặt chẽ với lãnh đạo chính quyền và Hội LHPN P.7 để dõi theo các bé mỗi ngày. Ông Ngô Văn Được - Bí thư Đảng ủy P.7 - thông tin, Hội LHPN phường đã cắt cử người thăm nom, nắm bắt nhu cầu ăn uống để cung cấp thực phẩm và nhờ bà con lối xóm trong hẻm tới lui, chăm sóc các bé.

Đến ngày thứ mười, anh A. - cha của bốn đứa trẻ - phấn khởi báo với chúng tôi rằng anh đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Anh A. nói: “Trong hoàn cảnh đặc biệt, ta buộc phải đưa ra quyết định một cách can đảm. Khi đưa ra quyết định đó, tôi và gia đình đã cố gắng tạo ra một không gian an toàn hết sức có thể cho các con”. Lúc này, chúng tôi mới đưa lên mặt báo câu chuyện về 4 đứa trẻ với thông điệp mà anh A. gửi gắm.

Trong thời đại bùng nổ thông tin và phương tiện truyền thông, có những thời điểm, chúng tôi lựa chọn “bước lùi” để gửi đến bạn đọc thông tin trọn vẹn hơn.

Phóng viên Tuyết Dân (trái), Báo Phụ Nữ TP.HCM, gặp bác sĩ để tìm hiểu, viết bài về điều trị hậu COVID-19 vào thời điểm đầu tháng 10/2021 khi công tác chống dịch vẫn còn căng thẳng - ẢNH: BS
Phóng viên Tuyết Dân (trái), Báo Phụ Nữ TPHCM, gặp bác sĩ để tìm hiểu, viết bài về điều trị hậu COVID-19 vào thời điểm đầu tháng 10/2021 khi công tác chống dịch vẫn còn căng thẳng - Ảnh: BS

Có thể nói, ở mỗi giai đoạn, dịch COVID-19 gây ra thử thách khác nhau. Mỗi ngày là một cuộc chiến của ngành y tế, cũng như ngành báo chí. Để có thông tin kịp thời đến bạn đọc, chúng tôi phải trực tiếp vào nơi đang điều trị bệnh nhân để tác nghiệp. 

Các tin bài về các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm quên mình vì người bệnh ở tâm dịch làm lay động lòng người. Thông qua Báo Phụ Nữ TPHCM, nhiều bạn đọc đã hỗ trợ tiền mặt, thiết bị y tế, lương thực, khẩu trang, nước rửa tay… cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19. 

Đến tận hôm nay, tôi vẫn nhớ những điều dưỡng, bác sĩ ở Khu cách ly Trung tâm (P.Cát Lái, TP.Thủ Đức) thức trắng đêm chăm sóc bệnh nhân, có người ru con qua ứng dụng điện thoại. Tôi nhớ đến cậu bé 11 tuổi gom hết tiền lì xì, nhờ mẹ mua khẩu trang tặng cho người cần, nhớ những cụ già cố gắng vuốt thẳng tờ 5.000 đồng, 10.000 đồng gom góp cho Bệnh viện Điều trị COVID-19 H.Cần Giờ, nhớ những bệnh nhân khỏi bệnh tình nguyện ở lại chăm sóc người khác.

Tác nghiệp trong những ngày cao điểm dịch COVID-19 giúp tôi nhận diện rõ hơn giá trị của tình yêu thương, sự dấn thân vì người khác và thấy trân trọng những gì mình đang có và sống có trách nhiệm hơn với gia đình, cộng đồng. Những trải nghiệm quý giá trong quá trình tác nghiệp cũng giúp chúng tôi thêm yêu nghề. 

Thu Lê - Phạm An

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI