Những phụ nữ chắt chiu niềm vui

14/10/2022 - 06:27

PNO - Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ VII - năm 2022 của Hội LHPN TP.HCM sẽ được trao cho 8 tập thể và 5 cá nhân. Họ là những người có nhiều đóng góp cho các phong trào, hoạt động Hội cũng như góp phần xây dựng môi trường sống tốt đẹp, trong lành, đầy yêu thương với phụ nữ và trẻ em.

Đi tìm từng giọt sữa mẹ

Mối ngày làm việc, chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng - Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Từ Dũ - nán lại, thay bộ quần áo chuyên dụng rồi ghé thăm ngân hàng sữa mẹ (NHSM) trước khi ra về. Chị mê mải nhìn những bình sữa chất ngay ngắn, thẳng hàng trong những chiếc tủ đông chuyên dụng. Những giọt sữa chắt chiu của hàng ngàn bà mẹ đang tập trung ở đây là kết quả của hành trình xây dựng, kết nối đầy tâm huyết mà chị cùng tập thể y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ dày công thực hiện trong nhiều năm.

Chị Hằng kể, ý tưởng thành lập NHSM tại Bệnh viện Từ Dũ bắt đầu từ một chuyến học tập, tham quan NHSM tại Đà Nẵng. “Lúc đó tôi nghĩ Bệnh viện Từ Dũ là nơi cần NHSM hơn cả bởi số lượng trẻ sinh non tháng hoặc mẹ có bệnh lý mà không thể cho con bú trực tiếp rất nhiều, do đó, các con rất cần sữa mẹ” - chị Hằng kể. Từ suy nghĩ đó, chị cùng các đồng nghiệp đã tìm hiểu những tài liệu có liên quan về NHSM, cố gắng tiếp cận FHI 360 (Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế) có thể hỗ trợ kỹ thuật trong việc thành lập NHSM để từ đó, giới thiệu cho họ biết về tiềm năng và mong muốn thành lập NHSM của Bệnh viện Từ Dũ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng (phải) và những giọt sữa chắt chiu dành cho trẻ sơ sinh
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng (phải) và những giọt sữa chắt chiu dành cho trẻ sơ sinh

“Quá trình thành lập NHSM trải qua rất nhiều khó khăn, nhất là phải tuân thủ những quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn nước ngoài. Tôi cùng các cộng sự mất hai năm để học tập, vì không ai biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Đó là công sức của rất nhiều người, cả những bà mẹ đã bỏ công vắt, bảo quản sữa cho đúng quy trình rồi hiến cho bệnh viện” - chị Hằng chia sẻ. 

Chính thức khai trương từ tháng 4/2019, đến tháng 3/2022, NHSM Bệnh viện Từ Dũ đã nhận được 20.670.995ml sữa hiến tặng của 5.713 bà mẹ. 34.350 trẻ điều trị tại Khoa Sơ sinh, phần lớn là sinh non, có bệnh lý, mẹ mất hoặc bệnh nặng đã được sử dụng sữa từ ngân hàng này. Cung cấp 14-25 lít sữa mẹ thanh trùng mỗi ngày, đáp ứng 100% nhu cầu cho các trẻ sinh non không có sữa từ mẹ ruột, NHSM Bệnh viện Từ Dũ hiện được đánh giá là NHSM lớn nhất tại Việt Nam.

Chị Hằng cho biết, hiện nay, “đứa con tinh thần” của chị dù chưa thành công như kỳ vọng nhưng đã đáp ứng được nhu cầu của những trẻ sơ sinh tại bệnh viện - cung cấp đủ lượng sữa cho trẻ sinh non hoặc trẻ thụ tinh ống nghiệm sinh non và cực non. Chị mong muốn trong tương lai, NHSM sẽ được mở rộng thêm ở các bệnh viện vệ tinh bởi mỗi đứa trẻ đều cần được chăm sóc tốt nhất, bắt đầu từ những giọt sữa mẹ.

Người ta bỏ, mình xài 

Ấn tượng với những sản phẩm tái chế từ giấy trên một trang web nước ngoài, chị Nguyễn Thị Hạnh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, P.12, Q.Tân Bình - đã tìm cách phát triển loại hình này. Sau một thời gian tự mày mò học hỏi, chị đã cho ra đời nhiều sản phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày như khay đựng trái cây, tủ giấy đựng quần áo, khung hình, ly đựng bàn chải đánh răng… từ giấy báo cũ, bìa các-tông được định hình bằng khung kẽm và băng keo. 

Chị Nguyễn Thị Hạnh (trái) bên những sản phẩm tái chế từ giấy loại
Chị Nguyễn Thị Hạnh (trái) bên những sản phẩm tái chế từ giấy loại

Thấy được lợi ích của những sản phẩm trên, nhiều hội viên phụ nữ trong khu phố đã tìm đến chị Hạnh xin "học nghề”, để vừa làm ra sản phẩm phục vụ cho gia đình, góp phần tiết kiệm chi phí mua sắm vừa giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường. Dần dần, với mong muốn nâng cao nhận thức của chị em trong việc bảo vệ môi trường, cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm sản phẩm, chị Hạnh quyết định thành lập câu lạc bộ (CLB) Sáng Tạo Xanh. 

Trong ba năm qua, CLB đã tổ chức được 14 lớp học tái chế sản phẩm giấy với hơn 700 người tham gia cùng 15 cuộc trưng bày sản phẩm. Ngoài các loại giấy, chị Hạnh còn kết hợp sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu tái chế khác như túi nhựa, chai nhựa, vải vụn… để tạo ra hơn 300 sản phẩm tái chế khác nhau. Tiêu biểu có thể kể đến là mô hình các công trình nổi tiếng ở TP.HCM như trụ sở UBND, nhà thờ Đức Bà, tòa nhà Bitexco… 

Không chỉ tập trung hỗ trợ các chị em trong khu phố, chị Hạnh còn quan tâm đến nhiều đối tượng khác (nữ trí thức, hưu trí, giáo viên, nữ tu…), nhất là các học viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. “Học sinh của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đa phần có hoàn cảnh đặc biệt, cha mẹ không quan tâm, học không giỏi và rất hiếu động, thậm chí manh động. Tôi đến dạy để tụi nhỏ học cách tập trung, yêu thích bộ môn này rồi dần hướng đến những mục đích lớn hơn” - chị Hạnh chia sẻ.
Hiện nay, tất cả người dân trong phường đều có thể đến trung tâm học tập cộng đồng để đăng ký những sản phẩm tái chế mình thích học. Chị Hạnh sẽ sắp xếp thời gian mở lớp dạy hoàn toàn miễn phí, từ các mô hình bìa đơn giản cho đến các mẫu xoắn bện giấy công phu, phức tạp.

Người kết nối

Với chị Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 - công tác Hội gần như đã trở thành niềm vui, là đam mê sau nhiều năm gắn bó. 

Những ngày tháng Mười, theo chân cán bộ Hội trong nhiều hoạt động, chúng tôi luôn thấy chị có mặt trong từng hoạt động chăm lo cho phụ nữ và trẻ em với chuỗi hoạt động Ngày phụ nữ vì cộng đồng. Nhiều cảm xúc làm chị bồi hồi nhớ lại những ngày khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Chị Lương Thanh Trúc trao quà cho phụ nữ khó khăn
Chị Lương Thanh Trúc trao quà cho phụ nữ khó khăn

Chị Trúc tâm tình: “Để chăm lo an sinh cho người dân, nếu chỉ với sức của một cá nhân, một mình Hội chắc chắn không thể “nối dài cánh tay của Hội” đến với nhiều hoàn cảnh, nhất là khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Thay vì chờ đợi, tôi chủ động tìm đến bạn bè, người quen để kết nối rộng hơn nhiều tấm lòng”. 

Bước đầu, chị liên hệ các tổ chức, hội đoàn, nhóm an sinh xã hội trên địa bàn để biết họ dự tính tặng những gì, đối tượng trao là ai. Các cán bộ Hội sẽ tổng hợp nhu cầu cần giúp của hội viên, người dân. Gắn kết lại, Hội đã chăm lo đúng người, đúng nhu cầu, kịp thời và đến được với nhiều hoàn cảnh.

Bằng sự chắt chiu đó, ngay cả khi thành phố thực hiện giãn cách phòng, chống dịch trong năm 2021 vừa qua, chị Trúc vẫn kết nối thành công để tặng hàng ngàn lít dung dịch rửa tay sát khuẩn, thiết kế hai máy rửa tay tại chung cư có thu nhập thấp, ra mắt mô hình trang tin tư vấn tâm lý xã hội - chăm sóc giảm nhẹ cho người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 tại nhà. 

Thời gian giãn cách kéo dài, nguồn cung ứng lương thực thực phẩm vì thế mà gián đoạn, chị liên hệ các đơn vị kết nghĩa, có thâm tình với Hội từ Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng… để nhận được sự “Đồng hành - chia sẻ yêu thương” và trở thành cầu nối cho hơn 20 chuyến xe nghĩa tình hỗ trợ nhu yếu phẩm, rau củ quả, sản phẩm chống dịch; trao trên 1.000 phần quà cho lực lượng y bác sĩ; trao tặng nhiều phần quà cho phụ nữ, trẻ em các quận Bình Thạnh, Gò Vấp…

Đa dạng trong hình thức tập hợp cũng là lợi thế giúp chị nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của số đông hội viên, giới để từ đó chủ động kết nối được nhiều tấm lòng, nối dài cánh tay của Hội thực hiện các hoạt động an sinh, chăm lo cho phụ nữ, trẻ em. 

Thu Lê- Trang Thư- Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI