Những niềm vui khi 'ăn' bằng mắt

03/09/2023 - 07:17

PNO - Những bộ cánh họa tiết hoa, kẻ sọc, da báo… hiện đang nhường chỗ cho trang phục in hình thực phẩm.

Trang phục, phụ kiện lấy cảm hứng từ thực phẩm có thể dành cho bất kỳ ai - Nguồn ảnh: Elle
Trang phục, phụ kiện lấy cảm hứng từ thực phẩm có thể dành cho bất kỳ ai - Nguồn ảnh: Elle

Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế công cộng Hoa Kỳ và tập san khoa học Social Science & Medicine (Hà Lan), các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc ăn và nhìn thấy hình ảnh đồ ăn sẽ giúp con người có tâm trạng thoải mái và yêu đời hơn.

Khi thực phẩm giúp người mặc thể hiện cá tính

Ở mỗi thời điểm, TikTok và các nền tảng xã hội lại tập trung vào một chủ đề thời trang nhất định. Những tháng gần đây, vòng quay xu hướng lại chuyển sang lấy cảm hứng từ các chuyến đi chợ và dã ngoại, tạo ra những trang phục có họa tiết thực phẩm độc đáo.

Trước khi hàng loạt “món ăn” xuất hiện trong tủ quần áo chúng ta, thực phẩm cũng đã truyền cảm hứng cho lĩnh vực làm đẹp: từ xu hướng trang điểm latte, da bánh rán cho đến móng tay trái cây… Hiện tại, trong số những món thời trang, phụ kiện đang được nhiều tín đồ thời trang ưa thích, không thể thiếu chiếc ví dưa hấu, mẫu váy aperol-spritz (một loại thức uống) trong khi phong cách “cô gái cà chua” và “cô gái chanh” tiếp tục độc chiếm TikTok.

Thực phẩm luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta,  không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn là nguồn vui, niềm vui - Nguồn ảnh: Kuapay
Thực phẩm luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn là nguồn vui, niềm vui - Nguồn ảnh: Kuapay

Xu hướng này phổ biến đến mức nhiều người còn đùa vui rằng khắp mạng xã hội tràn ngập những cô gái mặc trang phục họa tiết ô liu, cá cơm, cà chua… hay bất kỳ loại thực phẩm nào có trong thực đơn của chúng ta mỗi ngày. Trên thực tế, “cô gái cà chua” là thuật ngữ chỉ những cô gái chuộng lối ăn mặc đơn giản, thoải mái, được truyền cảm hứng từ trang phục họa tiết trái cây, phong cách thôn quê.

Dù thực phẩm hóa thời trang cao cấp không phải là một khái niệm mới nhưng phong cách “cô gái cà chua” đang cho thấy sự thay đổi vượt bậc. Không đơn thuần chỉ là họa tiết mà nó còn thể hiện phong cách sống, cá tính người mặc: sống chậm, lãng mạn và luôn muốn tìm kiếm thêm gia vị cho cuộc sống hằng ngày. Hẳn vì lẽ đó, bộ sưu tập Fabulous Fruits của Area hay các thương hiệu Vetements, Collina Strada, JW Anderson… cũng lồng ghép họa tiết rau củ vào các thiết kế mới.

Đối với một số người, thời trang in hình thực phẩm còn là cách trực tiếp thể hiện cá tính. Xét cho cùng, một món đồ cụ thể với họa tiết món trứng ưa thích hay ly rượu martini hoặc những món tráng miệng ngọt ngào “tiết lộ” khá nhiều về sở thích cá nhân hơn là họa tiết hoa hay kẻ sọc, chấm bi…
Nhà thiết kế Shea Daspin nói với Glamour: “Tôi nghĩ trái cây phổ biến hơn hoa vì nó năng động và… có vẻ phi giới tính hơn”.

Mẫu đầm với tạo hình quả dưa hấu trong  bộ sưu tập Fabulous Fruits của Area. Nhà thiết kế sử dụng phần lớn các gam màu hồng, vàng, đen xuyên suốt bộ sưu tập - Nguồn ảnh: Elle
Mẫu đầm với tạo hình quả dưa hấu trong bộ sưu tập Fabulous Fruits của Area. Nhà thiết kế sử dụng phần lớn các gam màu hồng, vàng, đen xuyên suốt bộ sưu tập - Nguồn ảnh: Elle

Đồng quan điểm, nhà tạo mẫu thời trang kiêm nhà sáng tạo nội dung Audree Kate López cũng cho rằng sự trung lập về giới tính so với hoa hoặc hình in động vật khiến họa tiết thực phẩm có sức hấp dẫn rộng rãi hơn: “Trang phục lấy cảm hứng từ thực phẩm có thể dành cho bất kỳ ai - mọi lứa tuổi hay mọi giới tính”.

Thông điệp ý nghĩa từ sự giao thoa giữa thời trang và ẩm thực

Tất nhiên, sự kết hợp giữa thực phẩm và thời trang không phải là mới. Trước đây, một số nhà thiết kế đã sử dụng quần áo lấy cảm hứng từ thực phẩm không chỉ như một yếu tố thiết kế vui mắt mà còn là cách để khám phá bản sắc văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên, đến hiện tại, sự kết hợp này mới thực sự bùng nổ.

Vì sao bây giờ mọi người lại dành nhiều tình yêu cho họa tiết thực phẩm đến vậy? Theo nhiều chuyên gia thời trang, nguyên do trên một phần xuất phát từ những ảnh hưởng bởi đại dịch. Suốt khoảng thời gian dài phải ở trong nhà, mọi người đã chuyên tâm tham gia nhiều buổi thảo luận, chuyện trò, khóa học online về cách chế biến, tự tay làm ra những món ăn trước giờ chỉ toàn mua ở chợ, siêu thị như bánh mì, mì Ý… Từ đó, ý nghĩa của nấu ăn đã biến đổi một cách ngoạn mục: từ một công việc được cho là cực nhọc, mất nhiều thời gian… trở thành sở thích hoàn toàn mới của nhiều người.

Các trang phục, phụ kiện lấy cảm hứng từ thực phẩm trở thành xu hướng thời trang được phái đẹp ưa chuộng trong năm 2023 - Nguồn ảnh: Glamour
Các trang phục, phụ kiện lấy cảm hứng từ thực phẩm trở thành xu hướng thời trang được phái đẹp ưa chuộng trong năm 2023 - Nguồn ảnh: Glamour

Giờ đây, hậu đại dịch, khi mọi người lại được tự do đi du lịch và tổ chức tiệc tùng, sở thích này vẫn được tiếp tục duy trì thông qua việc mặc quần áo theo xu hướng dopamine (phong cách ăn mặc để tạo ra cảm giác tự tin, niềm vui và hạnh phúc cho người mặc).

Với ý nghĩa mang đến những niềm vui giản dị, nhà mốt Carolina Herrera đưa họa tiết trái anh đào lên đầm, Bottega Veneta đem những trái chanh vàng vào bộ sưu tập, Collina Strada chọn kiwi làm họa tiết cho mẫu đầm tiệc cao cấp, Gucci mời gọi mọi người về lại miền tuổi thơ với những chiếc váy in hình kem ốc quế… Moschino cũng sử dụng họa tiết trái anh đào với sự kết hợp màu sắc theo phong cách pop art thập niên 1970.

Túi xách họa tiết rau củ quả gây sốt  làng thời trang - Nguồn ảnh: Glamour
Túi xách họa tiết rau củ quả gây sốt làng thời trang - Nguồn ảnh: Glamour

Sàn diễn có thể không phải là nơi bạn liên tưởng đến thực phẩm nhưng trong nhiều sự kiện tuần lễ thời trang quốc tế gần đây, rất nhiều nhà thiết kế đã kết hợp ẩm thực vào thời trang cao cấp. Tất cả những điều này đều có những dụng ý nhất định. Giống như thực phẩm chúng ta ăn, thời trang cũng là một mặt hàng phổ biến dành cho mọi người và khi nhìn nó, người mặc có thêm “vitamin yêu đời”. Nói cách khác, họa tiết thực phẩm còn mang ý nghĩa khích lệ tinh thần mọi người. 

Thời trang giúp giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm 

Rác thải thực phẩm được tận dụng để làm túi xách - Nguồn ảnh: Foodmatterslive
Rác thải thực phẩm được tận dụng để làm túi xách - Nguồn ảnh: Foodmatterslive

Ngoài tận dụng yếu tố khích lệ tinh thần người mặc lẫn người nhìn, hiện nay, ngành thời trang còn tận dụng chất thải thực phẩm để tạo ra vải và các loại sợi. Điển hình như piñatex (sợi lá dứa) đã được sử dụng để thay thế da, làm quần áo, giày dép, túi xách… 

Loại nguyên liệu may mặc này thân thiện với môi trường, không gây độc hại. Trong khi đó, các nhà sản xuất và xuất khẩu rượu vang lớn nhất nước Ý cũng tận dụng phần vỏ, hạt và cuống nho thải ra để tạo ra da thực vật WineLeather.

Mặc dù chi phí để tái chế chất thải thực phẩm khá đắt so với các loại vải có nguồn gốc từ động vật nhưng các chuyên gia thời trang hy vọng trong tương lai, các sản phẩm này sẽ trở nên phổ biến, góp phần xử lý hàng tỉ tấn rác thải thực phẩm cho thế giới.

 

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI