Những người ở “tuyến sau” của mặt trận chống dịch Bài 3: Cán bộ cơ sở làm không xuể việc

12/09/2021 - 07:58

PNO - Cùng với lực lượng y, bác sĩ ở “tuyến đầu”, các cán bộ ở phường, xã, khu phố, mặt trận và các đoàn thể được xem là “tuyến sau” của cuộc chiến chống dịch. Người ở “tuyến sau” vừa tham gia chống dịch ở địa phương, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, góp phần rất quan trọng vào cuộc chiến chống COVID-19 của TPHCM.

Bài 1: Một ngày của "ông mặt trận" cấp phường

Bài 2: Ngủ hiên đình, bị hiểu nhầm... chỉ là chuyện nhỏ

“Cô ơi, cả nhà con dương tính hết rồi, cô giúp con với” - người đàn ông khẩn thiết trình bày qua điện thoại. Nhận tin, bà Nguyễn Thị Bạch vội vàng tìm cách gửi cho người này lương thực, thực phẩm và một khoản tiền, đồng thời báo cho cán bộ y tế phường để hỗ trợ thuốc men. Trong thời gian giãn cách xã hội ở TPHCM, những cán bộ ở khu phố như bà Nguyễn Thị Bạch đã đồng hành, lo bữa ăn, chỗ ở để người dân vượt qua khó khăn.

Ông tổ trưởng đưa cơm

“Cơm đây, cơm đây. Anh em nghỉ tay, ăn ngay cho nóng”. Ba tháng qua, đi đến chốt trực nào, ông Nguyễn Văn Cầu - 56 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố 26, kiêm Phó ban công tác mặt trận khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân cũng vui vẻ mời mọi người ăn trưa. 

Ông Nguyễn Văn Cầu đội mưa chở hàng chục suất cơm cho người dân và cán bộ gác chốt  ở khu cách ly, phong tỏa
Ông Nguyễn Văn Cầu đội mưa chở hàng chục suất cơm cho người dân và cán bộ gác chốt ở khu cách ly, phong tỏa

Những ngày đầu tháng Sáu, dịch bệnh ở phường Bình Hưng Hòa B bắt đầu diễn biến phức tạp, nhiều khu bị phong tỏa nên chính quyền địa phương phải huy động lực lượng canh gác các chốt. Việc đưa các suất ăn cho lực lượng gác chốt và người dân trong khu phong tỏa cũng trở nên khó khăn. Điểm cung cấp suất ăn nằm cách khu phố 2 khoảng 10km, cần một người thông thuộc đường sá và thuộc lòng các địa điểm có chốt trực để đưa cơm hằng ngày.

Ông Cầu nhớ lại: “Khi nghe tin Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Bình Hưng Hòa B cần người đưa cơm, tôi thấy mình làm được nên đăng ký. Dịch bệnh hoành hành, mình tham gia được bất cứ công việc nào cũng thấy vinh dự. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ như vậy”.

Từ ngày 4/6 đến nay, bất kể mưa hay nắng, cứ đúng 10g, ông tổ trưởng dân phố lại chạy xe máy đến đường số 34, phường Bình Trị Đông B để nhận cơm. Trung bình mỗi ngày, phường Bình Hưng Hòa B cần khoảng 30 đến 50 suất cơm. Nhận cơm xong, ông chạy một mạch đến hàng chục chốt trực, khu phong tỏa để giao tận tay cho người dân và lực lượng làm nhiệm vụ. Ông kể: “Thường ngày, giao cơm đến 12g30 nên đến gần 13g, tôi mới kịp ăn trưa. Những ngày mưa gió, bữa trưa muộn hơn một chút nhưng không sao cả. Mình lấy việc phục vụ mọi người làm niềm vui mà”.

Không chỉ đưa cơm, ông Cầu còn lo đảm bảo an sinh cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Hằng ngày, đúng 7g, ông có mặt tại điểm tiếp nhận và phân phối hàng hóa của phường để giúp mọi người vận chuyển và điều phối hàng đến các hộ nghèo. Mới đây, ông còn đứng ra vận động hàng trăm phần lương thực cho bà con ở các xóm trọ nghèo ở khu phố 2. Theo ông, trong thời gian giãn cách xã hội, mọi cán bộ từ tổ dân phố đến cấp phường đều gắng sức để góp phần chống dịch. Có nữ cán bộ phường biết mình là F1, đã ra kho tiếp nhận hàng hóa để vừa tự cách ly, vừa điều phối hàng hóa xuống cho người dân khó khăn dù chị có thể ở nhà nghỉ ngơi.

Lo bữa ăn, chỗ ở cho người dân

Chiều muộn, điện thoại của bà Nguyễn Thị Bạch - 65 tuổi, Bí thư chi bộ khu phố 5, phường 13, quận 6 - vẫn liên tục đổ chuông. Người ta gọi thắc mắc về chính sách hỗ trợ, cần tiếp tế lương thực hoặc báo tin liên quan đến phòng, chống dịch. Nội dung cuộc gọi đều được bà ghi lại kỹ càng. Bà nói: “Bà con có chuyện cần mới gọi. Mình ghi lại đây, chuyện nào giải quyết được thì làm liền, chuyện nào ngoài khả năng thì báo lên cấp trên. Mùa dịch, điện thoại của tôi như là đường dây nóng, phải mở suốt ngày đêm”.

Bà Nguyễn Thị Bạch (trái) và cán bộ ở khu phố 5 chuẩn bị các túi quà để phát cho người dân gặp khó khăn khi phải ở yên trong nhà
Bà Nguyễn Thị Bạch (trái) và cán bộ ở khu phố 5 chuẩn bị các túi quà để phát cho người dân gặp khó khăn khi phải ở yên trong nhà

Khu phố 5, phường 13, quận 6 giáp ranh với quận Bình Tân. Khu phố có hơn 1.000 hộ, chủ yếu là công nhân, người lao động tự do. Trong những ngày này, biết các hộ gặp khó khăn, bà Bạch đã cùng chi bộ và ban điều hành khu phố 5 vận động hàng ngàn phần quà để hỗ trợ, đồng thời vận động sẵn nguồn kinh phí để hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn bị mắc COVID-19.

Tháng trước, bà Bạch nhận được cuộc gọi cầu cứu: “Cô ơi, cả nhà con dương tính hết rồi, cô giúp con với”. Người đàn ông gọi điện là H.Q.T., ở khu phố 5. Chiều hôm đó, cả gia đình ông T. xét nghiệm COVID-19 cho kết quả dương tính. Trong lúc hoảng loạn, không biết xoay xở thế nào, ông T. gọi điện cho bà Bạch. Sau khi trấn an, bà Bạch tìm cách gửi ngay lương thực, thực phẩm và một khoản tiền hỗ trợ gia đình ông T., đồng thời báo cho cán bộ y tế phường để tư vấn, hỗ trợ thuốc men. 

Cách đây vài ngày, hai người con trai của bà N. có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, trong khi nhà cấp 4 của bà N. chỉ rộng hơn chục mét vuông. Con trai bà N. lo nếu để người thân ở cùng nhà sẽ dễ bị lây nhiễm nên điện thoại “cầu cứu” ban điều hành khu phố. Hay tin, bí thư khu phố vội lục lại danh sách các chủ nhà trọ, khảo sát xem nơi nào thuận lợi thì thuê cho bà N. ra ở riêng. Khoảng một giờ sau, cán bộ khu phố đã tìm được một ngôi nhà mà người thuê đã trả lại trước khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Khi được hỏi thuê, chủ nhà đã cho bà N. mượn để ở tạm.

Khu phố 5 là khu phố đầu tiên của phường thực hiện mô hình người dân tham gia giữ “vùng xanh”, canh gác “vùng đỏ”. Địa bàn khu phố khá rộng nên những ngày đầu, tại các chốt “vùng xanh”, “chốt phong tỏa”, “chốt trực giãn cách”, chỉ có một cán bộ trực chốt. Thấy chốt trực ít người, bất an cho lực lượng làm nhiệm vụ, bà Bạch đã vận động người dân trong khu phố tham gia trực chốt. Số người tình nguyện đăng ký rất đông, mọi người có thể thay phiên canh gác. Lực lượng tình nguyện của khu phố 5 còn đăng ký tham gia vào tổ phản ứng nhanh của phường để sẵn sàng hỗ trợ các trường hợp F0 trên địa bàn.

Là chỗ dựa cho người dân 

 

Bà Võ Thị Tiền đang kiểm tra danh sách các hộ khó khăn trên địa bàn khu phố
Bà Võ Thị Tiền đang kiểm tra danh sách các hộ khó khăn trên địa bàn khu phố

“Cô ơi, con bị sai năm sinh, làm sao nhận tiền?”. “Cô ơi, con mang hộ khẩu lên nhận giúp được không?”. Bà Võ Thị Tiền - 72 tuổi, Trưởng ban điều hành khu phố 1, phường 4, quận 4 - liên tục tiếp nhận và trả lời những câu hỏi như trên. Gắn bó với công việc ở ban điều hành khu phố hàng chục năm, bà Tiền dường như thuộc lòng gia cảnh của các hộ khó khăn trong khu phố. Có bất cứ vướng mắc gì, người dân đều tìm đến bà. 

Từ đầu đợt dịch đến giờ, bà Tiền đến từng ngõ hẻm để tuyên truyền, vận động người dân về phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ những hộ khó khăn. Tháng trước, hẻm 243 Hoàng Diệu bị phong tỏa do xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm COVID-19. Trong hẻm, có 27 hộ, hầu hết đều khó khăn về kinh tế. Việc phong tỏa dài ngày khiến đời sống người dân trong hẻm lao đao. Cùng với việc chuyển thực phẩm, nhu yếu phẩm của chính quyền địa phương cho người dân, bà còn đi vận động các hộ khá giả trong khu phố hỗ trợ thịt heo cho các hộ trong hẻm 243. Hôm rồi, 27 hộ trong hẻm được chia 27kg thịt heo, ai cũng vui mừng.

Những ngày giãn cách xã hội, bà Tiền là chỗ dựa của ba hộ khó khăn ở hẻm 31 đường số 13, phường 4, quận 4. Trong ba hộ này, có hai hộ ở trọ, nghỉ việc dài ngày. Bà Tiền lập danh sách để các hộ này nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền, đồng thời vận động mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm và chủ trọ giảm tiền thuê nhà cho họ. Một người dân trong hẻm 31 kể: “Cô trưởng khu phố đã lớn tuổi nhưng vẫn xách đồ đến cho bà con trong hẻm. Dịch bệnh, ai cũng khó khăn nhưng tụi em may mắn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương nên không thiếu đói”.
(Còn nữa)

Sơn Vinh


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI